|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Kiến thức Kinh tế

Thâm hụt ngân sách (Budget deficit) là gì? Cách xác định

20:04 | 14/08/2019
Chia sẻ
Thâm hụt ngân sách (tiếng Anh: Budget deficit) là tình trạng các khoản chi của ngân sách Nhà nước vượt quá các nguồn thu ngân sách Nhà nước.
budget_deficit

Hình minh họa. Nguồn: Investopedia

Thâm hụt ngân sách (Budget deficit)

Định nghĩa

Thâm hụt ngân sách trong tiếng Anh gọi là Budget deficit. Thâm hụt ngân sách Nhà nước là tình trạng chi tiêu vượt quá nguồn thu ngân sách Nhà nước, phần chênh lệch gọi là thâm hụt ngân sách Nhà nước.

Các thuật ngữ liên quan

Ngân sách Nhà nước là tổng các kế hoạch hàng năm về chi tiêu và thu nhập của Chính phủ.

Thặng dư ngân sách Nhà nước là khi tất cả các loại thuế và các nguồn thu khác lớn hơn chi tiêu chính phủ trong một năm.

Ngân sách cân bằng khi số thu và số chi của chính phủ bằng nhau trong một giai đoạn nhất định.

Nợ chính phủ (nợ công) là tổng những khoản vay hay tổng các khoản nợ tồn của chính phủ. Nợ trong nước là nợ của chính phủ một nước đối với công dân của nước đó. Nợ nước ngoài là nợ của chính phủ đối với người nước ngoài.

Cách xác định

Nếu ta kí hiệu T là thu ngân sách Nhà nước, G là chi tiêu của chính phủ, B là hiệu số giữa thu ngân sách Nhà nước và chi ngân sách Nhà nước thì ta có:

B = G - T

B < 0: Thặng dư ngân sách Nhà nước

B = 0: Ngân sách Nhà nước cân bằng

B > 0: Thâm hụt ngân sách Nhà nước

Tùy vào tình hình kinh tế và các sự kiện khác nhau, thu và chi thực tế có thể lớn hoặc nhỏ hơn so với dự kiến. Khi lâm vào tình trạng thâm hụt ngân sách thì chính phủ phải đi vay công chúng để trả cho những khoản nợ của mình.

Ý nghĩa

Các lí thuyết kinh tế học hiện đại cho rằng: NSNN không nhất thiết lúc nào cũng phải thăng bằng. Vấn đề là quản lí thu chi sao cho ngân sách không bị thâm hụt quá lớn và kéo dài.

Khi nền kinh tế vận động theo chu kì thì chính chu kì kinh doanh tác động không nhỏ đến thâm hụt ngân sách Nhà nước. Thường thì thu ngân sách Nhà nước tăng lên trong thời kì nền kinh tế phồn thịnh (giai đoạn mở rộng) và giảm đi trong thời kì suy thoái.

Ngược lại chi ngân sách Nhà nước tăng trong thời kì suy thoái và giảm trong thời kì phồn thịnh. Chính vì vậy mà thâm hụt ngân sách Nhà nước càng trầm trọng trong thời kì suy thoái, bất chấp mọi cố gắng của chính phủ.

Phân biệt

Để hiểu sâu hơn về vấn đề thâm hụt, chúng ta cần phân biệt các khái niệm sau:

(1) Thâm hụt ngân sách thực tế: là thâm hụt khi số chi vượt quá số thu thực tế trong một thời kì nhất định.

(2) Thâm hụt ngân sách cơ cấu: là thâm hụt tính toán trong trường hợp nếu nền kinh tế đang hoạt động ở mức sản lượng tiềm năng.

(3) Thâm hụt ngân sách chu kì: là thâm hụt ngân sách bị động do tình trạng chu kì kinh doanh. Thâm hụt chu kì bằng hiệu số của thâm hụt thực tế và thâm hụt cơ cấu.

Trong ba loại thâm hụt trên, thâm hụt cơ cấu phản ánh kết quả hoạt động chủ quan của chính sách tài khóa như: định ra thuế suất, các chương trình thanh toán chuyển nhượng. Vì vậy, để đánh giá kết quả của chính sách tài khóa người ta sử dụng thâm hụt này.

(Tài liệu tham khảo: Giáo trình Kinh tế vĩ mô, NXB Tài chính)

Minh Lan

MBS dự phóng lợi nhuận 4 ngành có thể tăng bằng lần trong quý IV
Lợi nhuận một số ngành dự báo giảm trong quý cuối năm như bất động sản khu công nghiệp do còn đợi hoàn thiện khung chính sách hay dầu khí do giá dầu suy giảm so với cùng kỳ.