|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Tài chính

Techcombank báo lãi hơn 11.300 tỷ trong 6 tháng đầu năm

17:31 | 24/07/2023
Chia sẻ
Trong nửa đầu năm 2023, Techcombank ghi nhận lợi nhuận trước thuế đạt 11.300 tỷ đồng, giảm 19% so với cùng kỳ năm trước.

 Ngân hàng TMCP Kỹ Thương Việt Nam (Ảnh: Techcombank).

Ngân hàng TMCP Kỹ Thương Việt Nam (Techcombank) công bố kết quả kinh doanh quý II/2023 với lợi nhuận trước thuế  nửa đầu năm đạt 11.300 tỷ đồng, giảm 19% so với cùng kỳ năm trước (14.106 tỷ đồng).

Tính tới cuối tháng 6, tổng tài sản của ngân hàng đạt 732.500 tỷ đồng, tăng 1,2% so với cuối năm trước. Tăng trưởng tín dụng và tiền gửi lần lượt đạt 8,5% và 6,6% so với đầu năm.Tỷ lệ an toàn vốn (CAR) theo Basel II ở mức 15,1%.

Đáng chú ý, chỉ số quan trọng là tiền gửi không kỳ hạn (CASA) của Techcombank đã chứng kiến đà tăng trở lại, đạt gần 35% cuối quý II, đánh dấu sự hồi phục sau 4 quý sụt giảm.

Số dư tiền gửi của khách hàng đạt 381.900 tỷ đồng, tăng 18,8% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, số dư CASA đạt 133.400 tỷ đồng, tăng 7,5% so với quý trước, và tăng 12,6% so với cùng kỳ năm 2022. Tiền gửi có kỳ hạn đạt 248.600 tỷ đồng, tăng 47,1% so với cùng kỳ năm.

Ngân hàng đã thu hút mới thêm khoảng 1,4 triệu khách hàng trong nửa đầu năm, với tỷ trọng 45,3% gia nhập qua các kênh kỹ thuật số và 43,8% thông qua các đối tác trong hệ sinh thái. Số lượng giao dịch của khách hàng cá nhân qua các kênh ngân hàng điện tử đã tăng lên 499,7 triệu trong quý II, tăng 36,4% so với cùng kỳ năm, tổng giá trị giao dịch đạt khoảng 2,3 triệu tỷ đồng.

Techcombank cho biết dư nợ cho vay mua nhà đã giảm trong nửa đầu 2023 do sự gia tăng của các khoản trả trước, trong khi các khoản giải ngân mới vẫn ở mức thấp, phản ánh những khó khăn của thị trường.

Dư nợ cho vay khách hàng cá nhân, bao gồm cho vay ký quỹ của Công ty Chứng khoán Kỹ thương, duy trì ở mức ổn định so với cùng kỳ năm trước (giảm 6,7% so với quý I). Mặt khác, dư nợ cho vay ký quỹ tại TCBS tăng 7,1% so với quý trước khi thanh khoản trên thị trường trái phiếu và cổ phiếu bắt đầu quay trở lại.

Luỹ kế trong 6 tháng đầu năm, thu nhập lãi thuần (NII) đạt 12.800 tỷ đồng, giảm 19,4% so với cùng kỳ năm ngoái, biên lãi thuần (NIM, tính trong 12 tháng gần nhất) cũng giảm. Thu nhập từ hoạt động dịch vụ tăng 4,7% so với cùng kỳ năm ngoái, đạt 4.400 tỷ, với đóng góp nổi bật từ thu phí từ dịch vụ thẻ đạt 995 tỷ đồng (tăng 53,4% so với cùng kỳ).

Ngân hàng ghi nhận 1.061 tỷ đồng thu nhập từ các hoạt động khác, không bao gồm hoàn nhập dự phòng, so với 43 tỷ đồng chi phí thuần tại cùng kỳ năm trước, chủ yếu nhờ thu nhập từ kinh doanh ngoại hối, chi phí hoán đổi giảm cũng như khoản 731 tỷ đồng thu được từ việc thanh lý trụ sở cũ tại Hà Nội vào quý I/2023.

Chi phí hoạt động giảm nhẹ 3% so với cùng kỳ, xuống mức 6.000 tỷ đồng. Tỷ lệ CIR giảm về mức 32,3% (quý II/2023 CIR: 30,8%) nhờ kiểm soát chặt chẽ chi phí nhân sự và chi phí marketing thấp hơn.

Tại thời điểm 30/6/2023, tỷ lệ cho vay trên tiền gửi (LDR) ở mức 80,4%, với tỷ lệ nguồn vốn ngắn hạn cho vay trung-dài hạn ở mức 31,6% (so với 33,5% vào thời điểm kết thúc quý I).  

Về chất lượng tài sản, tỷ lệ nợ xấu của Techcombank dừng ở mức 1,07%, với tỷ lệ bao phủ nợ xấu đạt 115,8%. Ngân hàng cho biết nợ xấu tăng nhẹ chủ yếu từ nhóm khách hàng bán lẻ do tăng trưởng dư nợ cho vay không thế chấp của Ngân hàng; kinh tế tăng trưởng chậm lại và khó khăn của ngành bất động sản; tác động từ phân loại lại nợ theo Trung tâm thông tin tín dụng quốc gia (CIC), chủ yếu liên quan đến dư nợ vay mua nhà tại các ngân hàng khác.

Nếu loại bỏ tác động của CIC, tỷ lệ nợ xấu của ngân hàng được kiểm soát ở mức 0,9%.

Diệp Bình