|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Tài chính

Nhân viên Techcombank sắp được nhận hơn 5 triệu cổ phiếu ưu đãi

07:50 | 05/06/2023
Chia sẻ
Kế hoạch dự kiến sẽ được thực hiện trong năm 2023, ngay sau khi được Ngân hàng Nhà nước và UBCKNN chấp thuận.

Ngân hàng TMCP Kỹ Thương Việt Nam (Techcombank - Mã: TCB) đã công bố Nghị quyết của Hội đồng quản trị về việc thực hiện phương án tăng vốn điều lệ dưới hình thức phát hành cổ phiếu cho người lao động (ESOP) trong năm 2023.

Theo đó, ngân hàng dự kiến sẽ phát hành 5,27 triệu cổ phần phổ thông, trong đó 2,12 triệu cổ phần cho người lao động nước ngoài và 3,15 triệu cổ phần cho người lao động Việt Nam. Tỷ lệ phát hành tương ứng là 0,1499% trên tổng số cổ phần đang lưu hành hiện tại (3,52 tỷ cổ phần).

Mức giá phát hành bằng mệnh giá là 10.000 đồng/cp. Số cổ phiếu này sẽ bị hạn chế chuyển nhượng trong vòng 1 năm theo quy định của pháp luật hiện hành và các điều kiện hạn chế khác theo quy định.

Kế hoạch dự kiến sẽ được thực hiện trong năm 2023, ngay sau khi được Ngân hàng Nhà nước và UBCKNN chấp thuận.

Do đối tượng tham gia chương trình trên sẽ bao gồm người nước ngoài nên sẽ có sự thay đối về giới hạn sở hữu của nhà đầu tư nước ngoài hiện tại của Techcombank. Vì vậy, ngân hàng đã điều chỉnh tỷ lệ sở hữu nước ngoài tối đa từ 22,4595% thành 22,4860%, hiệu lực thay đổi vào ngày kết thúc đợt phát hành ESOP năm 2023.

Trước đó, Techombank cũng đã phát hành hơn 6,3 triệu cổ phiếu ESOP cho người lao động trong năm 2022. Năm 2021, 2020, 2019 và 2018, ngân hàng cũng chào bán lần lượt 6 triệu cp; 4,76 triệu cp; 3,5 triệu cp và 17 triệu cp cho nhân viên với giá 10.000 đồng/cp theo chương trình lựa chọn cho người lao động.

Techcombank cho biết mục đích của chương trình ESOP là nhằm thu hút, khuyến khích và giữ cán bộ nhân viên giỏi, có năng lực, tiếp tục làm việc, cống hiến lâu dài cho ngân hàng. Đây cũng là ngân hàng có chịu chi nhất cho nhân viên trong quý I/2023.

Thu nhập bình quân tháng của nhân viên ngân hàng đạt mức 46 triệu đồng/tháng, tăng so với mức 44 triệu đồng/tháng của quý I/2022.

 Nguồn: BCTC hợp nhất của Techcombank.

Trong năm nay, ngân hàng tiếp tục không có kế hoạch chia cổ tức, lợi nhuận được giữ lại nhằm phục vụ cho hoạt động kinh doanh của ngân hàng. Lợi nhuận sau thuế dùng để trích lập các quỹ năm 2022 của ngân hàng là gần 17.907 tỷ đồng, luỹ kế các năm trước tính đến ngày 1/1/2022 là hơn 40.136 tỷ đồng.

Chia sẻ về việc giữ lại cổ tức trong nhiều năm, Chủ tịch Hồ Hùng Anh cho biết việc chia cổ tức chỉ nên thực hiện khi có được đòi hỏi từ góc độ cải thiện chỉ số đảm bảo hoạt động kinh doanh. 

"Trong năm nay Techombank đã trích lập vào quỹ bổ sung vốn điều lệ, chuẩn bị cho việc điều chỉnh trong thời gian tới. Hiện tại ROE của Techcombank vào khoảng 20%, vốn đầu tư để lại có lợi nhuận như vậy là tốt cho các cổ đông", ông nói.

Ông cũng để ngỏ rằng năm 2023 có thể sẽ là năm cuối cùng không chia cổ tức của Techcombank tuy nhiên không khẳng định một phương án chia cổ tức sắp tới.

Trong năm 2023, ngân hàng dự kiến lợi nhuận trước thuế đạt 22.000 tỷ đồng, giảm 14% so với năm trước. Dư nợ tín dụng dự kiến đạt hơn 511.200 tỷ đồng, tăng 15% hoặc cao hơn trong mức Ngân hàng Nhà nước cho phép. Huy động vốn phù hợp với tăng trưởng tín dụng thực tế nhằm tối ưu hóa nguồn huy động. Tỷ lệ nợ xấu dự kiến thấp hơn 1,5%.

Huyền Phương

Sóng bộ ba cổ phiếu ‘bank, chứng, thép’ liệu có trở lại?
Giai đoạn gần đây thị trường chứng kiến nhịp tăng giá luân phiên của cổ phiếu ngành ngân hàng và thép. Diễn biến này gợi nhớ câu chuyện bộ ba cổ phiếu ngân hàng, thép và chứng khoán thay nhau dẫn sóng giai đoạn 2021 - 2022. Liệu kịch bản này có lặp lại?