|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Thời sự

Tại sao Mỹ không thể dễ dàng phá vỡ vị thế của Trung Quốc trong chuỗi cung ứng toàn cầu?

14:14 | 09/06/2020
Chia sẻ
Theo Bloomberg, các nỗ lực tái cấu trúc chuỗi cung ứng nhằm đưa các nhà máy sản xuất ra khỏi Trung Quốc do Mỹ dẫn đầu đang hơi thiếu thực tế. Phá hủy một hệ thống kiên cố này không phải chuyện dễ, nhất là khi nhiều công ty đang chật vật để tồn tại.
Tại sao Mỹ không thể dễ dàng phá vỡ vị thế của Trung Quốc trong chuỗi cung ứng toàn cầu? - Ảnh 1.

Chủ tịch Tập Cận Bình (trái) và Tổng thống Donald Trump (phải). (Ảnh: Financial Times)

Sự bùng nổ thương chiến Mỹ - Trung là dấu hiệu "kêu gọi" Mỹ và một số nước khác nên giảm bớt sự phụ thuộc vào Trung Quốc cho các sản phẩm chiến lược và hiện tại, đại dịch COVID-19 đóng vai trò thúc đẩy giới chính trị hành động. Nhưng sự đi xuống của Trung Quốc trong chuỗi cung ứng có thể không đến từ nỗ lực của chính quyền ông Trump.

Cách đây không lâu chính quyền Tổng thống Trump đã thảo luận cách đưa chuỗi cung ứng từ Trung Quốc về quê nhà và thậm chí công khai ý tưởng xây dựng một nhóm các nước đồng minh tại châu Á để giúp sản xuất hàng hóa thiết yếu.

Tháng trước, ông Trump còn nói Mỹ sẽ "tiết kiệm 500 tỉ USD" nếu cắt đứt quan hệ với Trung Quốc.

Tuy nhiên, các cuộc phỏng vấn của Bloomberg với hàng chục quan chức chính phủ và nhà phân tích tại khu vực châu Á - Thái Bình Dương cho thấy các nỗ lực tái cấu trúc chuỗi cung ứng do Mỹ dẫn đầu đang hơi thiếu thực tế.

Phá hủy một hệ thống kiên cố như chuỗi cung ứng của Trung Quốc không phải chuyện dễ, nhất là khi nhiều công ty đang chật vật để tồn tại.

Theo Bloomberg, nhiều khả năng đại dịch COVID-19 sẽ đẩy nhanh một thay đổi do biến động trên thị trường thúc đẩy, khi lương công nhân và chi phí sản xuất tại Trung Quốc trong thập kỉ qua tăng lên, đẩy các hãng chế tạo hàng hóa giá trị thấp ra đi, mà phần lớn là đến Đông Nam Á.

Thay đổi này diễn ra bất chấp một số quan chức trong chính quyền ông Trump muốn tách rời hai nền kinh tế lớn nhất thế giới khi Washington và Bắc Kinh tranh chấp trên nhiều phương diện, từ COVID-19, mạng 5G đến đặc khu hành chính Hong Kong.

"Vì một số lí do nhạy cảm, doanh nghiệp phải chấp nhận phụ thuộc vào chuỗi cung ứng của Trung Quốc.

Hậu COVID-19, họ sẽ khó chuyển chuỗi cung ứng ra khỏi thị trường tỉ dân hơn vì dòng tiền yếu, nhân viên phải làm việc tại nhà hoặc từ từ quay trở lại cơ quan và môi trường kinh doanh cũng thay đổi", bà Deborah Elms của Trung tâm Thương mại châu Á cho hay.

Mặc dù phần lớn mạng lưới thương mại thế giới đều được bảo toàn dù các nước ban bố lệnh phong tỏa để chống dịch, thiệt hại kinh tế lại thúc giục giới chính trị gia tăng cường tự chủ hàng hóa và tìm phương án thay thế cho Trung Quốc.

Vào tháng 4, Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo cho biết Mỹ cùng Australia, New Zealand, Nhật Bản, Ấn Độ, Hàn Quốc và Việt Nam đang thảo luận về vấn đề chuỗi cung ứng.

Chiến lược "Trung Quốc +1" có hiệu quả?

Các ngành công nghiệp nằm trong chiến lược "Trung Quốc +1" bao gồm dược phẩm, thiết bị y tế, chất bán dẫn, ô tô, hàng không vũ trụ, dệt may và hóa chất.

Tuy nhiên, Bloomberg nhận định ý tưởng trên dường như đang thiếu một nền tảng vững chắc. Bộ Ngoại giao Mỹ không có thẩm quyền về thương mại, còn quan chức ở các nước châu Á không cho biết hiện các bên chưa tổ chức bất kì cuộc đàm phán chính thức nào.

Dù vậy, một số quốc gia/khu vực khác lại đang tự thân chuyển dây chuyền sản xuất ra khỏi Trung Quốc, đặc biệt là sau khi chuỗi cung ứng bị gián đoạn vì COVID-19. Nhật Bản và Đài Loan là hai trong số các nhà đầu tư lớn của Trung Quốc đang đi đầu trong làn sóng này.

"Nhiều doanh nghiệp đã bắt đầu áp dụng chiến lược sản xuất 'Trung Quốc +1" kể từ khi chiến tranh thương mại Mỹ - Trung nổ ra vào năm 2018, trong đó Việt Nam là nền kinh tế hưởng lợi rõ rệt", bà Anwita Basu, Trưởng bộ phận nghiên cứu rủi ro của Fitch Solutions, cho hay.

Mặc dù đại dịch sẽ tạo thêm một cú hích khác cho làn sóng dịch chuyển sản xuất khỏi Trung Quốc, bà Anwita Basu dự đoán quá trình này sẽ chững lại vì Trung Quốc "vẫn tự hào là nền kinh tế có tổng sản lượng công nghiệp hàng năm lớn, ngay cả một liên minh gồm nhiều nước cũng sẽ rất chật vật mới sản xuất một phần của mức sản lượng này".

Tuy nhiên, Trung Quốc vẫn bảo toàn một số lợi thế chính. Năm ngoái, 38% trong 11 tỉ USD vốn đầu tư ra nước ngoài của Đài Loan chảy vào đại lục, trong khi của Nhật Bản là 10%.

Tại sao Mỹ không thể dễ dàng phá vỡ vị thế của Trung Quốc trong chuỗi cung ứng toàn cầu? - Ảnh 2.

Hồi giữa tháng 5, ông Young Liu - Chủ tịch của Hon Hai Precision (Foxconn), cho hay hãng khó có thể di chuyển dây chuyền lắp ráp thiết bị di động đến Mỹ do hạn chế về lượng nhân công cần thiết.

"Trung Quốc là thị trường khó nền kinh tế nào bì kịp vì sở hữu lực lượng lao động lành nghề và mạng lưới nhà cung ứng sâu rộng. Ngoài ra, Bắc Kinh còn ra sức hỗ trợ và cung cấp cơ sở hạ tầng đáng tin cậy cho doanh nghiệp hoạt động trong nước", nhà phân tích Dan Wang của Gavekal cho hay.

Ngay cả các công ty đang tìm giải pháp thay thế cho các nhà máy ở Trung Quốc hoặc đang chịu áp lực mang dây chuyền về thị trường quê nhà thì vẫn còn một lí do khác khiến họ "cố thủ" ở đây. Đó là thị trường nội địa rộng lớn và ngày càng phát triển của Trung Quốc.

Ngoài ra, Trung Quốc còn tạo điều kiện thuận lợi cho các hãng chế tạo Mỹ như Tesla và mời gọi Honeywell đầu tư vào thành phố Vũ Hán. Thủ tướng Lý Khắc Cường và các quan chức Trung Quốc khác liên tục khuyến khích hợp tác với Mỹ và cam kết sẽ thực hiện thỏa thuận thương mại giai đoạn một kí kết vào giữa tháng 1 năm nay.

"Sự hình thành và phát triển của nền công nghiệp và chuỗi cung ứng toàn cầu là do các yếu tố thị trường lẫn lựa chọn của doanh nghiệp quyết định.

Cho nên, thật phi thực tế và phi lí khi cố gắng cắt đứt chuỗi cung ứng hoặc thúc đẩy ý tưởng 'dịch chuyển' hay 'tách rời' Trung Quốc, đi ngược lại luật kinh tế", phát ngôn viên Cảnh Sảng của Bộ Ngoại giao Trung Quốc cho hay.

Đại dịch COVID-19 cho thấy các nước khác có thể nhanh chóng thích nghi để đáp ứng nhu cầu về vật tư y tế khi Trung Quốc phong tỏa chống dịch.

Việt Nam nhanh chóng đẩy mạnh sản xuất khẩu trang và xuất hơn 415 triệu chiếc trong 4 tháng đầu năm nay, trong khi Mỹ khuyến khích các hãng sản xuất ô tô cải tạo thiết bị để lắp ráp máy thở cùng những vật tư quan trọng khác.

Tuy nhiên, về lâu dài các nước sẽ phải trả lời câu hỏi liệu những mô hình đó có bền vững hay không và ai sẽ trả tiền cho các nhà máy mới bên ngoài Trung Quốc.

Một đạo luật kí ngày 14/5 từ ông Trump cho phép Cơ quan Tài chính Phát triển Quốc gia hợp tác cùng Bộ Quốc phòng Mỹ cho các doanh nghiệp Mỹ muốn xây dựng chuỗi cung ứng hàng hóa thiết yếu như máy thở và sản xuất thuốc vay tiền.

Tuy nhiên, khi Washington đang phải chi hàng nghìn tỉ USD cứu trợ cho doanh nghiệp và người dân chịu ảnh hưởng bởi đại dịch, việc tìm thêm nguồn vốn để tái câu trúc chuỗi cung ứng toàn cầu sẽ là một nhiệm vụ khó khăn.

Sau cùng, yếu tố quan trọng nhất có thể làm suy yếu vị thế của Trung Quốc trong chuỗi cung ứng toàn cầu nhiều khả năng sẽ bắt nguồn từ sự chững lại và biến đổi từ từ của hoạt động thương mại toàn cầu, khi doanh nghiệp tìm thấy cơ hội từ những thị trường mới, công nghệ tiên tiến và mô hình làm giàu khác biệt.

Yên Khê