|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Thời sự

Nỗ lực lôi kéo Nga cùng chống Trung Quốc của ông Trump có thể phản tác dụng

07:11 | 07/06/2020
Chia sẻ
Nỗ lực mới nhất của ông Trump nhằm đưa Nga trở lại Nhóm G7 có thể sẽ lật đổ thế cân bằng nhạy cảm giữa quan hệ Moscow, Bắc Kinh và Washington. Tuy nhiên một số nhà quan sát tin rằng động thái này sẽ phản tác dụng và đẩy Nga về gần với Trung Quốc hơn.
Ông Trump chỉ phí hoài công sức khi lôi kéo Nga liên minh với Mỹ chống Trung Quốc - Ảnh 1.

Tổng thống Trump và Tổng thống Putin tại Hội nghị Thượng đỉnh G20 ở Nhật Bản. Ảnh: AP

Theo South China Morning Post (SCMP), lời mời Nga tham dự cuộc họp Nhóm G7 của ông Trump thường được xem là một nỗ lực để chia tách Nga và Trung Quốc. Nhưng các nhà phân tích cảnh báo rằng bất kì sự thay đổi nào trong quan hệ ba cường quốc này sẽ chỉ dẫn đến thêm bất ổn trong thế giới hậu COVID-19.

Ông Ma Zhengang, cựu đại sứ Trung Quốc tại Anh cho biết: "Trong bối cảnh khủng hoảng COVID-19 ngày càng trầm trọng, Trump rất cần phải làm chệch hướng sự chú ý, đặc biệt là khi đang phải đối đầu với cuộc chiến tái tranh cử khó khăn".

"Bằng cách chuyển hướng sang Nga bất chấp mối quan hệ không mấy tốt đẹp giữa hai nước, lời mời gọi của ông Trump trực tiếp nhắm mục tiêu đến Trung Quốc".

Ông Ma nói thêm: "Câu hỏi là liệu Washington có đạt được ý định không hoặc sẽ thành công đến mức độ nào".

Ông Trump chỉ phí hoài công sức khi lôi kéo Nga liên minh với Mỹ chống Trung Quốc - Ảnh 2.

Ông Trump nhiều lần kêu gọi tái kết nạp Nga vào G7. Ảnh: DPA

Hôm 29/5, ông Trump đã tấn công mạnh mẽ kế hoạch áp dụng luật an ninh mới ở Hong Kong và đe dọa sẽ trả đũa. Ngay hôm sau ông thông báo ý định mời Nga cùng với Australia, Hàn Quốc và Ấn Độ tham dự Hội nghị Thượng đỉnh G7 tổ chức cuối năm nay.

Đây là năm thứ ba liên tiếp ông Trump đề xuất rằng Nga nên được phép gia nhập lại khối các nước kinh tế phát triển. Nga bị loại khỏi nhóm các cường quốc G8 vào năm 2014 sau khi sáp nhập bán đảo Crimea từ Ukraine.

Đáp lại lời mời của ông Trump, Nga có phản ứng khá lạnh nhạt. Trong khi đó, các nước đồng minh lâu năm của Mỹ gồm châu Âu, Canada và Anh nhanh chóng phản đối ý tưởng này.

Ông Shi Ze, nhà cựu ngoại giao của Trung Quốc tại Nga cho rằng Trung Quốc nhìn nhận việc ông Trump mời Nga quay lại Nhóm G7 là một động thái nhằm chia rẽ quan hệ Nga-Trung và thành lập một liên minh chống Trung Quốc.

Ông Shi nói: "Đây là một cuộc thử nghiệm đối với mối quan hệ tay ba giữa Mỹ, Nga và Trung Quốc nhằm ghi điểm chính trị trước cuộc bầu cử sắp tới. Nhưng nói thẳng đây là một nước đi khá mạo hiểm đối với ông Trump trong bối cảnh tình hình nội địa rối ren".

Ông Trump sẽ khó mà có thể thay đổi sự ngờ vực về Nga và Tổng thống Vladimir Putin của giới chính trị gia và công chúng Mỹ. Theo Pew Research Center, thiện cảm của người Mỹ về Nga đã giảm xuống mức thấp nhất trong thập kỉ vào năm 2019. Chỉ 18% người Mỹ cho biết họ có cái nhìn tích cực về Nga.

Trung Quốc vẫn là lựa chọn số một với Nga

Ông Vladimir Portyakov, Phó Giám đốc Viện Viễn Đông thuộc Viện Hàn lâm Khoa học Nga cho biết ông Putin không có bất kì lí do nào để xem xét nghiêm túc việc tham dự Hội nghị Thượng đỉnh G7 hoặc thay đổi lập trường thân thiện hiện tại đối với Trung Quốc.

Ông Portyakov nói: "Mối quan hệ giữa Nga và Trung Quốc đã rất thành công trong hai thập kỉ qua (dưới sự lãnh đạo của ông Putin), đặc biệt là khi so sánh với mối quan hệ của Nga với rất nhiều quốc gia khác".

Hồi năm 2018, ông Portyakov miêu tả Nga và Trung Quốc là các "đồng minh bất đắc dĩ". Cả hai bên đều ngờ vực lẫn nhau do các cuộc chiến tranh, xung đột lãnh thổ trong quá khứ và các tham vọng toàn cầu khác nhau.

Nhưng ông cho rằng áp lực từ Mỹ sẽ thúc đẩy thiên hướng gắn kết giữa Nga và Trung Quốc.

"Ngay từ đầu, Nga thấy rằng mọi nỗ lực của Mỹ để biến Bắc Kinh thành kẻ giơ đầu chịu báng vì COVID-19 hoàn toàn phản tác dụng. Theo một cách nào đó, áp lực của Mỹ đối với Trung Quốc đã góp phần củng cố mối quan hệ Bắc Kinh – Moscow", ông Portyakov nói. Kết quả là Washington sẽ càng xa rời Bắc Kinh và Moscow hơn.

Ông Mark N Katz, Giáo sư về chính trị và chính phủ tại Đại học George Mason cho rằng căng thẳng leo thang giữa Mỹ và Trung Quốc là cơ hội trời cho đối với Tổng thống Putin.

Washington đang tập trung hơn vào Trung Quốc và bớt chú ý đến Nga. Trong khi đó, Nga lại tranh thủ được sự nhượng bộ từ cả hai phía Mỹ và Trung Quốc.

Giáo sư Katz cho biết: "Xét về mặt kinh tế, Nga cần Trung Quốc hơn là Trung Quốc cần Nga. Ít có khả năng Putin sẽ chống đối Trung Quốc hoặc về phe với Mỹ nếu xảy ra một cuộc Chiến tranh Lạnh mới giữa Washington và Bắc Kinh".

"Mặt khác, Moscow cũng không muốn liên kết quá chặt chẽ với Trung Quốc. Nga sẽ chọn vị trí nằm ở giữa Washington và Bắc Kinh, nhưng vẫn gần với Bắc Kinh hơn", ông Katz kết luận. 

Giang

Đại biểu đề nghị lùi thời gian tăng thuế tiêu thụ đặc biệt với bia, rượu thêm một năm
Đại biểu Quốc hội Hoàng Văn Cường cho rằng nên ban hành Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt vào năm tới nhưng thời gian áp dụng thì lùi lại một năm để cả người tiêu dùng và doanh nghiệp có thời gian chuyển đổi hành vi, chuyển đổi sản xuất.