|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Thời sự

Ông Trump lập liên minh mới để cô lập Trung Quốc?

09:06 | 01/06/2020
Chia sẻ
Tổng thống Donald Trump muốn mời thêm Nga, Hàn Quốc, Australia và Ấn Độ tham gia Hội nghị Thượng đỉnh G7 sắp tới, làm dấy lên suy đoán rằng ông đang cố thành lập một khối liên minh để kiềm chế Trung Quốc.
Muốn biến G7 thành 'G11', ông Trump đang tìm cách cô lập Trung Quốc? - Ảnh 1.

Ông Trump đang muốn huy động thêm đồng minh để kiềm chế Trung Quốc? Ảnh: DPA

Dù ông Trump chưa nói rằng ông muốn Nhóm G7 biến thành Nhóm G11 vĩnh viễn, nhưng ông tuyên bố G7 đã "lỗi thời". Nhóm G7 bao gồm các quốc gia dẫn đầu thế giới về kinh tế là Anh, Mỹ, Đức, Italy, Canađa, Pháp và Nhật Bản.

Theo tờ South China Morning Post (SCMP), Phát ngôn viên Nhà Trắng cho biết ông Trump muốn hội nghị G7 tới đây thảo luận về Trung Quốc. Thông báo của ông Trump được đưa ra sau khi căng thẳng Mỹ - Trung tiếp tục bị đẩy lên cao vì dự luật an ninh mới áp dụng cho Hong Kong.

Hàn Quốc và Australia là đồng minh lâu năm của Mỹ. Ấn Độ cũng có nhiều bất đồng với Trung Quốc, bao gồm cả khu vực tranh chấp Ladakh ở biên giới. Tuy nhiên, Nga đang xây dựng mối quan hệ đối tác kinh tế và chiến lược với Bắc Kinh, chưa chắc nước này sẽ sẵn sàng tham gia hội nghị theo lời kêu gọi của ông Trump.

Ông Ni Feng, Giám đốc Viện nghiên cứu Mỹ tại Viện Khoa học Xã hội Trung Quốc, cho biết ông Trump đang cố gắng huy động sự hỗ trợ từ các đồng minh Mỹ trong việc kiềm chế Trung Quốc.

"Mục đích của động thái này rất đơn giản: cô lập Trung Quốc. Đây chỉ là khởi đầu, và nhiều biện pháp kiềm chế Trung Quốc sẽ còn tiếp diễn", ông Ni nói.

Ông John Lee, một chuyên gia cao cấp tại Viện Hudson nhận định có khả năng Mỹ "đang tìm cách thúc đẩy một chương trình nghị sự mà có thể sẽ yêu cầu Trung Quốc chịu trách nhiệm về đại dịch COVID-19".

Sự xuất hiện của một nhóm liên minh mới sẽ khiến Trung Quốc dè chừng, do nước này "rất lo lắng về việc bị loại trừ khỏi các tổ chức mới", ông Lee cho biết.

Trung Quốc đã và đang tìm cách gia tăng ảnh hưởng tại các tổ chức và liên minh đa quốc gia. Động thái này, cùng với quyền lực kinh tế ngày càng lớn mạnh của Trung Quốc khiến Washington phải lo lắng.

Ý tưởng mở rộng Nhóm G7 có thể là nỗ lực mới nhất từ phía Washington nhằm thành lập một liên minh quốc tế mà không có Trung Quốc.

Mỹ khó có thêm đồng minh chống Trung Quốc?

Ông Wang Wen, một trưởng khoa tại Đại học Nhân dân Trung Quốc cho rằng Mỹ sẽ không thể "thành lập một chiến tuyến Chiến tranh Lạnh toàn cầu chống lại Trung Quốc".

"Các quốc gia khác không muốn phải chọn phe giữa Mỹ và Trung Quốc. Mỹ chỉ đang mơ tưởng rằng họ có thể thiết lập khối liên minh chống Trung Quốc".

Ông Wu Xinbo, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Mỹ tại Đại học Fudan, cho rằng chưa chắc Mỹ có thể thành công trong việc xây dựng một liên minh chống Trung Quốc. Ông cũng nói rằng ý tưởng chia rẽ Nga và Trung Quốc là "hão huyền".

"Ấn Độ sẽ không theo phe Mỹ. Mối quan hệ của Trung Quốc với Hàn Quốc đang được cải thiện", ông Wu nói thêm.

Ngoài ra, sức mạnh địa chính trị, kinh tế và công nghệ, cùng với chính sách đối ngoại ngày càng quyết đoán của Trung Quốc đang thúc đẩy những quốc gia khác tìm kiếm điểm tương đồng với Trung Quốc.

Giáo sư Shahar Hameiri tại Đại học Queensland giả thuyết rằng việc Trump đề nghị mở rộng G7 có liên quan tới căng thẳng leo thang giữa Mỹ và Trung Quốc là hợp lí.

"Có lẽ hiện giờ là thời điểm hai cường quốc hàng đầu thế giới đang ngày càng chia tách lẫn nhau. Mỹ đang đẩy mạnh nỗ lực để phát triển các nền tảng hoặc tổ chức hoạch định chính sách quốc tế loại trừ sự tham gia của Trung Quốc", Giáo sư Hameiri nói.

Ông Hameiri nói thêm rằng Bắc Kinh có thể chịu "một đòn tấn công đáng kể" nếu bị loại ra khỏi bất kì sáng kiến mới nào do Mỹ khởi xướng mà "hướng tới một tổ chức kinh tế quốc tế khác với hệ thống toàn cầu hóa giúp Trung Quốc được hưởng lợi".

Tuy nhiên, ông nói rằng chưa chắc các quốc gia khác sẽ sẵn lòng đi theo hướng đi mà Mỹ mong muốn, và việc liệu Nhóm G7 có thay đổi đáng kể hay không vẫn còn là một câu hỏi lớn.

4 quốc gia mới mà Mỹ mời gọi tham gia Nhóm G7 vẫn có lợi ích thương mại và kinh doanh tại Trung Quốc. Do vậy, các nước này khó có thể đồng lòng trong việc cô lập và kiềm chế Trung Quốc.

Ví dụ, dù hiện tại Bắc Kinh và chính phủ Australia đang tranh cãi lẫn nhau về việc điều tra nguồn gốc COVID-19, Trung Quốc vẫn là đối tác thương mại và thị trường xuất khẩu lớn nhất của Australia, theo SCMP

Các quan chức Australia sẽ rất thận trọng trước đề xuất của ông Trump, Giám đốc James Laurenceson của Viện Quan hệ Australia - Trung Quốc tại Đại học Công nghệ Sydney cho biết.

"Ông Trump đang ngang nhiên tìm cách huy động một nhóm quốc gia chống lại Trung Quốc, đối tác thương mại lớn nhất của Australia. Ngoài ra, ông Trump cũng cố gắng hữu hảo với Nga, một đất nước mà Australia đã công khai chỉ trích. Tôi không nghĩ rằng nỗ lực này sẽ thành công", ông Laurenceson bày tỏ quan điểm.

Giang