|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Thời sự

Mỹ xác định Việt Nam là đối tác ưu tiên, hàng loạt gã khổng lồ đang rục rịch 'cắm dùi' ở Việt Nam

22:06 | 03/06/2020
Chia sẻ
Tại cuộc gặp cùng Đại sứ Hà Kim Ngọc ngày 2/6, ông Adam Boehler, Giám đốc điều hành Cơ quan Phát triển Tài chính Quốc tế Mỹ (DFC), chia sẻ rằng Washington coi trọng và xác định Việt Nam là đối tác ưu tiên trong các dự án của Mỹ.
Mỹ xác định Việt Nam là đối tác ưu tiên, hàng loạt gã khổng lồ Mỹ đang rục rịch 'cắm dùi' ở Việt Nam - Ảnh 1.

Tổng thống Trump vẫy cờ Việt Nam khi gặp Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tại hội nghị thượng đỉnh Mỹ - Triều hồi tháng 2 năm ngoái. (Ảnh: NBC)

Theo thông tin từ Đại sứ quán Việt Nam tại Mỹ, trước các khó khăn và thách thức của đại dịch COVID-19, Giám đốc DFC nhấn mạnh mối quan hệ hợp tác hiệu quả giữa Mỹ và Việt Nam trong sản xuất và cung ứng thiết bị y tế.

Liên quan đến định hướng trong thời gian tới, ông Boehler cho biết với vị trí là cơ quan tài chính phát triển của chính quyền Tổng thống Trump, DFC đang triển khai một loạt kế hoạch nhằm hỗ trợ đầu tư tại các nước đang phát triển như Việt Nam. Ông nhấn mạnh ba lĩnh vực quan trọng đi đầu trong mục tiêu này gồm năng lượng, hạ tầng và kinh tế số.

Đáng chú ý, DFC bày tỏ mối quan tâm đến các dự án tại khu vực sông Mê Kông cũng như một số dự án sản xuất sản phẩm chiến lược trong chuỗi cung ứng Mỹ và Việt Nam được xem là đối tác ưu tiên của Mỹ ở phương diện này.

Đáp lại chia sẻ của Giám đốc DFC Adam Boehler, Đại sứ Hà Kim Ngọc đánh giá cao vai trò của DFC và mong muốn hai bên sớm thống nhất cũng như triển khai các dự án hợp tác cụ thể.

Mỹ xác định Việt Nam là đối tác ưu tiên, hàng loạt gã khổng lồ Mỹ đang rục rịch 'cắm dùi' ở Việt Nam - Ảnh 2.

Đại sứ Hà Kim Ngọc đã trao tặng 500 khẩu trang do các doanh nghiệp Việt Nam sản xuất (tập đoàn An Phát và công ty TNHH Việt Thắng Jean) để các cán bộ, nhân viên DFC có thể sử dụng khi trở lại văn phòng làm việc sau một thời gian thực hiện giãn cách xã hội. (Ảnh: Đại sứ quán Việt Nam tại Mỹ)

Trước đó vào đầu tháng 5, hãng tin Nikkei Asian Review cho biết gã khổng lồ công nghệ Mỹ Apple sẽ sản xuất khoảng 3 - 4 triệu mẫu AirPods tại Việt Nam trong quí II năm nay, tương đương khoảng 30% tổng sản lượng.

Bên cạnh đó, Apple đang nghiên cứu sản xuất dòng tai nghe mới tinh có tên "AirPods Studio", một thiết bị cao cấp có thể đưa thương hiệu AirPods rẽ sang một hướng mới.

Apple đã liên lạc với hai nhà sản xuất hợp đồng gồm Goertek và Luxshare để sử dụng nhà máy tại Việt Nam cho việc lắp ráp dòng tai nghe mới, The Information dẫn nguồn tin thân cận cho biết.

Nếu thành hiện thực, đây sẽ là lần đầu tiên gã khổng lồ công nghệ Mỹ sử dụng các nhà máy tại Việt Nam để sản xuất thiết bị mới ngay từ đầu chứ không phải chỉ để tăng sản lượng.

Từ cuối năm ngoái, Microsoft, Google, Amazon,... đều rục rịch chuyển một phần công suất sang Việt Nam để hạn chế phụ thuộc vào chuỗi cung ứng của Trung Quốc cũng như nhằm né tránh thuế quan trừng phạt của ông Trump.

Xu hướng chuyển dịch chuỗi cung ứng quan trọng được nhen nhóm từ khi chiến tranh thương mại Mỹ - Trung bùng nổ. Chính quyền ông Trump đã và đang ra sức đưa các nhà máy quan trọng trở về quê nhà hoặc đa dạng hóa cơ sở sản xuất sang nhiều địa điểm mới, trong đó có Việt Nam.

Thêm vào đó, mối quan hệ căng thẳng giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới còn thúc đẩy Washington tìm cách tăng cường hợp tác để giảm mức độ phụ thuộc vào nguồn cung hàng hóa của Trung Quốc.

Theo Reuters, Mỹ đang nỗ lực tạo ra một liên minh gồm các "đối tác đáng tin cậy", gọi là "Mạng lưới Thịnh vượng Kinh tế". Mạng lưới này bao gồm các công ty và nhóm dân sinh vận hành theo cùng một bộ tiêu chuẩn trên mọi mặt, từ thương mại điện tử, năng lượng, cơ sở hạ tầng đến nghiên cứu, thương mại, giáo dục.

Vào cuối tháng 3, "Bộ tứ kim cương" gồm Australia, Nhật Bản, Ấn Độ và Mỹ đã chính thức mời thêm Việt Nam, Hàn Quốc và New Zealand cùng thảo luận về các vấn đề kinh tế, thương mại,... Điều đó cho thấy Việt Nam sẽ là một mắt xích quan trọng trong quá trình xây dựng mạng lưới đối tác mới của Mỹ hậu COVID-19.

Chính phủ Mỹ đang hợp tác với Australia, Ấn Độ, Nhật Bản, New Zealand, Hàn Quốc và Việt Nam để "thúc đẩy kinh tế toàn cầu đi lên", Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo cho biết trong phát biểu hôm 29/4.

Yên Khê

Chủ tịch Kinh Bắc: Thị trường bất động sản muốn ấm phải chờ sang năm
Theo ông Đặng Thành Tâm, Chủ tịch HĐQT Kinh Bắc, thị trường bất động sản đến thời điểm này vẫn chưa ấm lên và có thể sẽ có dấu hiệu phục hồi theo hướng phát triển bền vững từ cuối năm nay.