Người dân chấm điểm các chính phủ trong đại dịch: Trung Quốc đứng đầu, Việt Nam xếp thứ hai
Cụ thể, dựa theo chỉ số "Nhận thức Khủng hoảng Toàn cầu" do hai công ty tư vấn Blackbox Research và Toluna thực hiện, chỉ có công dân của 7 trong tổng số 23 nền kinh tế đánh giá các biện pháp kiểm soát đại dịch của chính phủ là tích cực.
Hai công ty trên đã thực hiện khảo sát trên khoảng 12.500 người tại 23 quốc gia/vùng lãnh thổ trong giai đoạn 3/4 - 19/4, yêu cầu họ đánh giá chiến lược chống dịch của chính phủ theo 4 tiêu chí chính: lãnh đạo chính trị quốc gia, lãnh đạo doanh nghiệp, cộng đồng và truyền thông.
Theo CNBC, Trung Quốc - nơi đại dịch COVID-19 khởi phát, xếp hạng cao nhất với 85/100 điểm. Các quốc gia đứng ngay sau là Việt Nam (77 điểm), UAE (59 điểm) và Ấn Độ (59 điểm). Theo đó, các vị trí đầu trong bảng xếp hạng đều thuộc về các nền kinh tế châu Á.
New Zealand (56 điểm) đã nhận được lời tán thưởng từ cộng đồng quốc tế về quá trình xử lí dịch bệnh và vừa tuần trước đã nới lỏng các lệnh hạn chế. New Zealand cũng là nền kinh tế phương Tây duy nhất có mức điểm cao hơn trung bình thế giới là 45 điểm.
Australia (43 điểm), Mỹ (41 điểm) và 4 nền kinh tế châu Âu gồm Đức (41 điểm), Anh (37 điểm), Italy (36 điểm) và Pháp (26 điểm) đều nằm dưới mức trung bình toàn cầu.
Số thứ tự | Nền kinh tế | Điểm số |
---|---|---|
1 | Trung Quốc | 85 |
2 | Việt Nam | 77 |
3 | UAE | 59 |
4 | Ấn Độ | 59 |
5 | Malaysia | 58 |
6 | New Zealand | 56 |
7 | Đài Loan | 50 |
8 | Philippines | 49 |
9 | Indonesia | 48 |
10 | Singapore | 48 |
11 | Nam Phi | 47 |
12 | Australia | 43 |
13 | Đức | 41 |
14 | Mỹ | 41 |
15 | Mexico | 37 |
16 | Anh | 37 |
17 | Iran | 36 |
18 | Thái Lan | 36 |
19 | Italy | 36 |
20 | Hàn Quốc | 31 |
21 | Hong Kong | 27 |
22 | Pháp | 26 |
23 | Nhật Bản | 16 |
Phương Tây làm phật lòng người dân
Ông David Black - nhà sáng lập kiêm CEO của Blackbox Research, nhận định: Phản hồi không hài lòng, đặc biệt là ở các nền kinh tế phương Tây, có thể cho thấy niềm tin của đông đảo người dân đã bị ảnh hưởng như thế nào khi xét đến kì vọng về mức độ chuẩn bị của chính phủ trước các sự kiện bất ngờ.
"Đối với nhiều nền kinh tế, đại dịch COVID-19 là một sự kiện chưa từng có. Các chính phủ đang phải dần chấp nhận một cuộc khủng hoảng mà họ không ngờ tới và do đó, niềm tin của công chúng bị ảnh hưởng theo", ông Black nói.
"Trong khi đó, nhiều chính phủ tại châu Á đã có kinh nghiệm ứng phó với các dịch bệnh trong quá khứ như SARS và MERS - hai bệnh hô hấp nguy hiểm khác do các chủng virus corona gây ra lần lượt ở châu Á và Trung Đông", vị CEO này nói thêm.
Chỉ riêng người dân Trung Quốc và Việt Nam chấm phản ứng của doanh nghiệp với đại dịch trên 50 điểm. Trong khi đó, người dân Pháp chấm 10 điểm, Hong Kong 7 điểm và Nhật Bản 6 điểm, đây là ba nền kinh tế mà cách ứng phó của doanh nghiệp trong dịch COVID-19 nhận mức điểm thấp nhất.
Báo cáo của hai công ty tư vấn trên cũng cho thấy mức độ chênh lệch về khả năng phục hồi sau đại dịch của các nền kinh tế lớn. Phần lớn (85%) người dân Trung Quốc cho biết họ tin nền kinh tế lớn thứ hai thế giới sẽ vực dậy mạnh mẽ hơn, trong khi ở Mỹ đạt chưa đến một nửa tỉ lệ của Trung Quốc, cụ thể là 41%.
Kết quả chi tiết của cuộc khảo sát do Blackbox Research và Toluna thực hiện: