|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Thời sự

The Guardian: Việt Nam đã đánh tan đại dịch, giờ là lúc đối diện thử thách kinh tế

14:30 | 06/05/2020
Chia sẻ
Báo The Guardian của Anh đã dành nhiều lời khen ngợi cho phản ứng chống dịch và thành công bước đầu của Việt Nam. Giờ đây, khi dịch bệnh tạm lắng, thế giới đang dõi mắt theo cách Việt Nam vượt qua bài kiểm tra về sức chịu đựng của nền kinh tế.
The Guardian: Việt Nam đã 'đánh tan' đại dịch, nhưng thử thách về kinh tế còn nằm ở phía trước - Ảnh 1.

Ảnh minh họa: AFP

Hãng tin The Guardian viết, Việt Nam không chỉ san phẳng đường cong đại dịch mà chính xác hơn là đập tan đại dịch. Tính đến nay, trên cả nước chỉ ghi nhận 271 ca xác nhận nhiễm COVID-19 và chưa có ca tử vong nào.Trong hai tuần qua, Việt Nam cũng không báo cáo trường hợp lây nhiễm trong cộng đồng.

Vào ngày 23/4, chính phủ Việt Nam đã gỡ bỏ lệnh giãn cách xã hội ở các thành phố lớn và cuộc sống của người dân đang dần trở lại bình thường. Tình hình ở Việt Nam tương phản rõ nét với nhiều quốc gia khác trên thế giới, chẳng hạn như Mỹ - ổ dịch lớn nhất thế giới, đứng đầu cả về số ca nhiễm và tử vong.

Ông Park Kidong - đại diện Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) tại Việt Nam, đã khen ngợi phản ứng của nước ta trước cuộc khủng hoảng.

Cách li hàng chục nghìn người và tích cực kiểm tra lịch sử dịch tễ của bệnh nhân đã giúp Việt Nam tránh được thảm họa y tế đang diễn ra ở châu Âu và Mỹ. Sau khi xét nghiệm hơn 213.000 người, Việt Nam đã trở thành quốc gia có tỉ lệ xét nghiệm trên mỗi ca xác nhận dương tính cao nhất thế giới, The Guardian viết.

Chiến dịch tuyên truyền cộng đồng sáng tạo thông qua bài hát Ghen Cô Vy và vũ điệu rửa tay cũng đóng góp lớn vào thành công của Việt Nam. Với kinh nghiệm chống dịch SARS (2002 - 2003), chính phủ sớm hành động quyết đoán, từ đó mang lại hiệu quả cao nhất.

Hai ca dương tính đầu tiên của Việt Nam được công bố vào cuối tháng 1. Đến ngày 1/2, hãng hàng không Vietnam Airlines đã ngừng toàn bộ chuyến bay đến Trung Quốc, Đài Loan, Hong Kong và vài ngày sau, chính phủ cũng cho phép đóng cửa biên giới với Trung Quốc để phòng ngừa nguy cơ lây nhiễm.

Khi làn sóng lây nhiễm mới bùng phát vào tháng 3, chính phủ Việt Nam đã ra lệnh hủy toàn bộ chuyến bay quốc tế và thực hiện giãn cách xã hội từ ngày 1/4.

Tuy nhiên, làn sóng lây nhiễm thứ hai hiện tại đã tấn công Nhật Bản và Hong Kong. Để giảm thiểu rủi ro bùng phát dịch mới ở Việt Nam, đeo khẩu trang tại nơi công cộng vẫn là yêu cầu bắt buộc, đồng thời các cuộc tụ tập trên hơn 30 người, lễ hội, nghi lễ tôn giáo và sự kiện thể thao đều bị cấm.

Ông Park Kidong đến từ WHO nhấn mạnh tầm quan trọng của công tác phổ biến kiến thức phòng dịch ở cấp độ cộng đồng tại Việt Nam, cùng với việc tăng cường các biện pháp phòng ngừa tại cơ sở y tế, trường học và một số địa điểm thiết yếu mà người dân thường lui tới.

Tuy nhiên, The Guardian dẫn lời vị đại diện WHO cảnh báo Việt Nam về hậu quả kinh tế sau đại dịch và điều này nhiều khả năng đã tác động đến quyết định gỡ bỏ lệnh giãn cách xã hội ngày 23/4 của chính phủ.

Lửa thử vàng, đại dịch thử thách kinh tế Việt Nam

Hiện tại, nhiều dịch vụ không thiết yếu như quán bar và quán karaoke vẫn còn đóng cửa. Một số cơ sở kinh doanh sẽ không bao giờ phục hồi được.

Các lệnh hạn chế đối với cửa hàng kinh doanh, khách sạn và nhà hàng đã được dỡ bỏ, tuy nhiên ở một quốc gia mà ngành du lịch chiếm 6% GDP như Việt Nam, tương lai ngày càng bất định, đặc biệt là khi không ai biết rõ khi nào thế giới sẽ mở cửa trở lại.

Báo cáo do Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO) công bố tháng trước cho biết ít nhất 10 triệu người Việt Nam có thể mất việc hoặc chứng kiến thu nhập giảm trong quí II năm nay.

Quĩ Tiền tệ Quốc tế (IMF) dự đoán tăng trưởng GDP năm 2020 của nước ta đạt khoảng 2,7%, giảm mạnh từ mức 7% hồi năm ngoái.

Đầu tháng 4, chính phủ Việt Nam đã công bố gói trợ cấp an sinh xã hội trị giá gần 62.000 tỉ đồng, theo đó người dân nghèo sẽ nhận được hỗ trợ 1,8 triệu đồng/người/tháng. Các máy ATM gạo và siêu thị 0 đồng được thiết lập ở nhiều thành phố lớn để giúp đỡ người dân lao động nghèo trang trải cuộc sống.

Tuy nhiên, ngay cả khi kết hợp với hỗ trợ của chính phủ, các sáng kiến trên dường như là chưa đủ.

Nhà kinh tế Nguyễn Vân Trang chia sẻ với The Guardian rằng con đường phía trước còn rất nhiều chông gai. Bà Trang nói: "Trong tương lai, chính phủ sẽ còn phải đưa ra nhiều quyết định khó khăn liên quan đến thời điểm và cách thức mở cửa đất nước trở lại".

Vị chuyên gia này nói thêm, bất chấp rủi ro từ bên ngoài, Việt Nam đã bắt đầu khôi phục hoạt động sản xuất, dịch vụ và bán lẻ.

"Khả năng phục hồi của Việt Nam là rất lớn. Phần đông dân số đã vượt qua gian khổ trong thời chiến nên họ sẽ có thể nhanh chóng vực dậy", bà Nguyễn Vân Trang nhận định.

Đối với một số người lao động và trẻ em nghèo, tình hình dường như khá u ám. Khi cả nước hướng sự chú ý đến đại dịch COVID-19, các tổ chức phi chính phủ lại bị ảnh hưởng nặng nề. Tổ chức Trẻ em Rồng Xanh chuyên giúp đỡ trẻ em đường phố tại Hà Nội và giải cứu nạn nhân buôn người từ Trung Quốc cho biết số tiền quyên góp đã giảm mạnh.

Bà Skye Maconachie - Giám đốc điều hành chung của Rồng Xanh nói rằng cuộc khủng hoảng đã làm trầm trọng thêm tình trạng vô gia cư và nạn đói. Bà cho hay: "Nhiều trẻ em và gia đình mà chúng tôi đang hỗ trợ vốn đã lâm vào cảnh đói nghèo hoặc khủng hoảng, nay lại suy sụp hơn nữa vì đại dịch".

Dù tương lai có ra sao, Việt Nam - một đất nước 96 triệu dân, dường như đã kiểm soát được đại dịch COVID-19, The Guardian nhấn mạnh. Cả thế giới đang dõi theo Việt Nam sau khi chính phủ gỡ bỏ lệnh giãn cách xã hội.

"Cuộc chiến chống COVID-19 đang tiếp diễn và làn sóng lây nhiễm tiếp theo đương nhiên có thể xảy ra vì các ổ dịch trên toàn cầu vẫn ghi nhận các ca nhiễm mới. Việt Nam không nên mất cảnh giác", ông Park Kidong của WHO nói.

Yên Khê