|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Thời sự

Bloomberg: 'ATM gạo' là phát kiến thú vị và hữu ích nhất tại Việt Nam thời COVID-19

11:53 | 25/04/2020
Chia sẻ
Vượt qua các ứng dụng họp trực tuyến và kiểm tra lịch sử dịch tễ của bệnh nhân, "ATM gạo" được Bloomberg cho là phát kiến thú vị nhất trong cuộc khủng hoảng COVID-19 ở Việt Nam, một sự pha trộn hài hòa giữa yếu tố con người, máy móc và công nghệ di động.
Bloomberg khen ngợi ATM gạo là phát hiện thú vị và gây tò mò nhất tại Việt Nam thời COVID-19 - Ảnh 1.

Người dân cầm túi giấy, xếp hàng cách nhau 1m để chờ nhận gạo. Cạnh máy ATM gạo có tấm bảng: "Hạt gạo vạn niềm vui". (Ảnh: Maika Elan/Bloomberg)

Hàng trăm người dân lao động xếp hàng dài cả cây số tại các máy phân phát gạo bán tự động, hay còn gọi là ATM gạo. Sáng kiến này giúp cung cấp gạo miễn phí cho người lao động nghèo bị mất việc và đang chật vật để nuôi sống gia đình trong đại dịch, Bloomberg viết.

ATM gạo lần đầu được triển khai tại TP HCM vào đầu tháng 4 và người đứng sau sáng kiến này là doanh nhân Hoàng Tuấn Anh.

Anh Tuấn Anh ban đầu quyên góp hơn 100 chiếc chuông cửa thông minh (là sản phẩm của công ty anh) cho bệnh viện dã chiến ở huyện Củ Chi, huyện Cần Giờ và Viện Pasteur TP HCM. Sau đó, anh Tuấn Anh mới chuyển sang tặng gạo cho bà con lao động nghèo.

Tại các điểm ATM gạo, người dân sẽ xếp hàng và nhận 1,5 kg gạo đủ cho một gia đình 4 người ăn hai bữa. Hàng người thường rất dài, một phần vì phải duy trì khoảng cách 2 mét trong mùa dịch.

Đằng sau máy ATM, gạo được chứa trong các thùng lớn và chảy từ các ống nhựa vào túi đựng. Khi một người bấm nút trên ATM gạo, tình nguyên viên sẽ nhận được thông báo trên ứng dụng điện thoại để nhả gạo ra.

ATM gạo đầu tiên đặt tại quận Tân Phú - "nhà" của nhiều công nhân từ các tỉnh nông thôn đến TP HCM kiếm sống. Thanh niên đưa tin chỉ trong hai ngày đầu vận hành, chiếc máy ATM gạo đầu tiên đã phân phát đến 5 tấn gạo.

Kể từ khi đi vào hoạt động vào ngày 6/4, các nhà hảo tâm khác cũng bắt chước làm theo, đặt thêm các ATM gạo trên khắp TP HCM cũng như tại thủ đô Hà Nội và các thành phố khác trên cả nước.

ATM gạo thu hút nhiều bà con lao động nghèo rơi vào cảnh khó khăn trong những ngày Việt Nam thực hiện giãn cách xã hội để kiểm soát đại dịch COVID-19. Lệnh giãn cách xã hội đã được gỡ bỏ vào ngày 23/4 trên hầu khắp cả nước.

Tuy nhiên, thiệt hại kinh tế từ biện pháp kể trên cũng như tình hình dịch bệnh trên toàn cầu chưa thể lắng dịu, tiếp tục gây ảnh hưởng đến Việt Nam, Bloomberg viết.

Chính phủ Việt Nam cho biết khoảng 5 triệu người lao động đã mất việc hoặc tạm thời mất việc do đại dịch.

Vào ngày 10/4, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã phê duyệt gói cứu trợ 62.000 tỉ đồng để giúp đỡ người dân đang chật vật vì ảnh hưởng kinh tế của dịch bệnh.

Anh Tuấn Anh chia sẻ cá nhân anh muốn mở 100 ATM gạo quanh TP HCM. Anh dự định duy trì kế hoạch trong hai tháng sau khi tình hình dịch COVID-19 tại Việt Nam dịu bớt.

Trước ATM gạo, truyền thông thế giới cũng đã có dịp ngả mũ trước một loạt sáng kiến tuyên truyền chống dịch của Việt Nam như bài hát "Ghen Cô Vy" và vũ điệu rửa tay. Ngoài ra, hàng loạt tổ chức như WHO, Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Mỹ (CDC) cùng báo chí quốc tế như Financial Times, AFP...cũng có bài viết khen ngợi thành tích chống dịch của Việt Nam.

Khả Nhân