|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Thời sự

Sáng kiến 'ATM gạo' của Việt Nam lên báo quốc tế: Giúp bao người nghèo trong những ngày cả xã hội cách li chống dịch

21:38 | 13/04/2020
Chia sẻ
Hãng tin Reuters và The Asian đã đưa tin về anh Hoàng Tuấn Anh - ông chủ của sáng kiến "ATM gạo" hoạt động 24/7 nhằm tặng gạo miễn phí cho người lao động nghèo trong thời gian Việt Nam cách li toàn xã hội để chống dịch COVID-19.

Tính đến nay, Việt Nam đã báo cáo tổng cộng 265 trường hợp nhiễm COVID-19 và không có ca tử vong nào. Tuy nhiên, chương trình cách li toàn xã hội kéo dài 15 bắt đầu từ 31/3 đã buộc nhiều doanh nghiệp nhỏ phải đóng cửa và khiến nhiều người lao động mất việc tạm thời

Reuters đưa tin, chồng của chị Nguyễn Thị Ly là một trong số những người vừa mất việc.

"ATM gạo rất hữu ích. Với một túi gạo như thế này, chúng tôi có thể đủ ăn trong một ngày", chị Ly - bà mẹ 34 tuổi của ba đứa trẻ chia sẻ. "Bây giờ, chúng tôi chỉ cần thức ăn thôi. Hàng xóm thỉnh thoảng cho chúng tôi đồ ăn thừa, hoặc chúng tôi ăn mì gói".

Chiếc máy của anh Hoàng Tuấn Anh sẽ phân phát một túi gạo 1,5 kg từ một ống nhỏ cho những người dân nghèo, trong đó có nhiều người bán hàng rong hoặc kiếm sống qua ngày bằng công việc dọn dẹp phòng hoặc bán vé số, Reuters viết.

Sáng kiến 'ATM gạo' hỗ trợ người nghèo của doanh nhân Việt Nam lên sóng truyền thông quốc tế - Ảnh 1.

Hình ảnh người lao động đến nhận gạo vào ngày 11/4. (Ảnh: Reuters)

Sáng kiến ATM gạo đến từ những trăn trở trong đại dịch

Anh Hoàng Tuấn Anh - doanh nhân đứng sau ý tưởng trên, ban đầu quyên góp hơn 100 chiếc chuông cửa thông minh (là sản phẩm của công ty anh) cho bệnh viện dã chiến ở huyện Củ Chi, huyện Cần Giờ và Viện Pasteur TP HCM. Sau đó, anh Tuấn Anh mới chuyển sang tặng gạo cho bà con lao động nghèo.

Là giám đốc một công ty khóa điện tử tại quận Tân Phú, TP HCM, anh Tuấn Anh nảy ra ý tưởng này sau khi anh nhìn thấy nhiều cá nhân và tổ chức tụ tập để nhận quà, gạo, mì gói cùng nhiều thực phẩm khác.

Anh nhận ra rằng lòng tốt có thể làm gia tăng nguy cơ lây nhiễm COVID-19 trong cộng đồng và có thể khiến đại dịch trở thành một thảm hỏa, The Asian viết.

Để thực hiện ý tưởng ATM gạo, anh Tuấn Anh sử dụng các thiết bị sẵn có trong kho của công ty và áp dụng kinh nghiệm bản thân tích lũy trong nhiều năm qua.

Với sự hỗ trợ từ ba nhân viên kĩ thuật, doanh nhân 35 tuổi đã hoàn thành chiếc máy phân phát gạo đầu tiên chỉ trong một ngày.

"Tình hình khá khẩn cấp. Chúng tôi không có thời gian để thiết kế riêng cho chiếc máy, vì vậy tôi đã tháo mô-tơ trong một thiết bị kiểm tra khóa điện tử của công ty và biến nó thành ATM gạo", anh Tuấn Anh chia sẻ với VnExpress.

Chiếc máy ATM gạo trị giá 425 USD bao gồm một hệ thống chia gạo tự động, camera và các nút được điều khiển bởi ứng dụng điện thoại.

Khi có người đứng trước camera ấn nút, van chứa sẽ tự động mở và khoảng 1,5 kg gạo từ trong bể sẽ chảy xuống đường ống.

Anh Hoàng Tuấn Anh thuê ba nhân viên canh chừng camera và bấm nút "ngừng" trên ứng dụng điện thoại nếu họ phát hiện có người muốn nhận gạo từ thiện hai lần một ngày.

Không ai bị bỏ lại phía sau

"Tôi chỉ muốn mọi người có đủ gạo dùng trong ngày và phần còn lại cho những người khác", anh Tuấn Anh nói.

Ngoài ra, anh còn đặt một số camera giám sát xung quanh để giữ an ninh, đánh dấu từng vị trí đứng ở khoảng cách an toàn nhằm tuân thủ qui định giãn cách xã hội và đặt nước rửa tay bên cạnh máy phát gạo để mọi người đều có thể rửa tay trước khi ấn nút.

ATM gạo có thể hoạt động 24/7 để tránh tụ tập đông người và có sức chứa lên đến 500 kg cũng như sẽ thông báo trên ứng dụng nếu máy hết gạo. Ban đầu, công ty của anh Tuấn Anh chỉ dự định tặng khoảng 500 kg mỗi ngày nhưng ngày đầu tiên đã phát đến 1 tấn gạo.

Sáng kiến 'ATM gạo' hỗ trợ người nghèo của doanh nhân Việt Nam lên sóng truyền thông quốc tế - Ảnh 2.

Một điểm ATM gạo tại TP HCM. (Ảnh: Facebook Redfish)

Nhiều cá nhân và tổ chức đã quyên tặng hàng chục đến hàng trăm kg gạo cho dự án ý nghĩa của anh. Một số người còn lái xe tải chở hàng tấn gạo đến tận nơi, The Asian viết.

Mô hình ATM gạo cũng đã được thiết lập tại các thành phố lớn khác như Hà Nội, Huế và Đà Nẵng.

Các nhân viên giám sát ATM gạo từ chối thông tin thêm với Reuters, tuy nhiên anh Tuấn Anh chia sẻ với truyền thông Việt Nam rằng anh muốn người dân cảm thấy họ vẫn có đủ cơm ăn, áo mặc dù gặp phải khó khăn về mặt kinh tế.

"Tôi muốn gọi chiếc máy trên là ATM gạo vì mọi người có thể 'rút' gạo từ đó. Thông qua sáng kiến, tôi muốn cho những người lao động nghèo biết rằng vẫn còn người tốt ngoài kia sẵn sàng chia sẻ và đùm bọc họ", anh Tuấn Anh nói.

Chị Nguyễn Thị Ly chia sẻ: "Tôi đọc được thông tin về ATM gạo trên mạng. Tôi đến nơi để xem thử và không thể tin rằng chiếc máy có thật. Tôi hi vọng các nhà hảo tâm sẽ tiếp tục duy trì mô hình này cho đến khi đại dịch chấm dứt".

Yên Khê

Đại biểu đề nghị lùi thời gian tăng thuế tiêu thụ đặc biệt với bia, rượu thêm một năm
Đại biểu Quốc hội Hoàng Văn Cường cho rằng nên ban hành Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt vào năm tới nhưng thời gian áp dụng thì lùi lại một năm để cả người tiêu dùng và doanh nghiệp có thời gian chuyển đổi hành vi, chuyển đổi sản xuất.