|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Thời sự

Báo quốc tế nói về cách Việt Nam chống dịch COVID-19: Có nhiều điều đáng để thế giới phải học hỏi

18:18 | 13/04/2020
Chia sẻ
Bất chấp nằm ngay cạnh Trung Quốc, đến thời điểm hiện tại, Việt Nam chỉ có 265 ca xác nhận dương tính với COVID-19, và chưa có trường hợp tử vong nào. Thành tích chống dịch của Việt Nam được WHO ca ngợi, và có thể mang lại bài học cho những quốc gia đang gặp khó khăn trong việc kiểm soát COVID-19.
Thế giới có thể học hỏi từ cách đối phó dịch COVID-19 của Việt Nam  - Ảnh 1.

Người dân đứng cách xa nhau khi nhận gạo miễn phí. Ảnh: AFP

Dù có đường biên giới chung với Trung Quốc, cho tới nay, Việt Nam không bị ảnh hưởng nặng nề vì COVID-19 như châu Âu và Mỹ. 

Mỹ hiện đang là ổ dịch COVID-19 lớn nhất thế giới về cả số người nhiễm và tử vong, toàn bộ 50 bang đã ban bố tình trạng thảm họa. Châu Âu là điểm nóng của đại dịch COVID-19, chiếm gần 70% tổng số ca tử vong trên toàn cầu.

Theo hãng thông tấn Đức DPA, thành công của Việc Nam trong việc chống dịch COVID-19 là nhờ vào các hành động quyết liệt từ sớm của chính phủ, sự đoàn kết của toàn dân, xét nghiệm rộng rãi, tiến hành cách li bắt buộc những người nhiễm COVID-19 hoặc có tiếp xúc gần với bệnh nhân.

Tổng số ca nhiễm COVID-19 ở Việt Nam hiện thấp hơn nhiều so với các nước phương Tây như Pháp hay Mỹ, dù những quốc gia này cách xa Trung Quốc cả vạn dặm. Thành tích chống dịch của Việt Nam đã nhận được lời khen ngợi từ WHO.

Theo các số liệu chính thức, hiện Việt Nam có hơn 75.000 người đang cách li phòng dịch, chính phủ đã thực hiện hơn 121.000 cuộc xét nghiệm và chỉ có 265 ca dương tính, trong đó 145 người đã khỏi bệnh (56%) và 120 người đang điều trị.

Việt Nam còn đang nắm giữ một thành tích đáng nể khác là chưa có ca tử vong nào vì COVID-19. Tỉ lệ số ca lây nhiễm tại Việt Nam thấp hơn nhiều so với Hàn Quốc, Singapore và Đài Loan – những quốc gia và vùng lãnh thổ nhận được sự tán dương rộng rãi của phương tiện truyền thông toàn cầu vì đã đối phó hiệu quả với đại dịch.

Ông Park Kidong, đại diện của WHO tại Việt Nam, tin rằng phản ứng nhanh chóng với COVID-19 đóng vai trò chủ chốt trong cuộc chiến dập dịch ở Việt Nam. 

Ông Kidong ca ngợi: "Việt Nam đã chủ động phản ứng với COVID-19 từ sớm. Các biện pháp đánh giá rủi ro của Việt Nam đã được thực hiện từ đầu tháng 1 – ngay sau khi Trung Quốc bắt đầu báo cáo các trường hợp nhiễm bệnh".

Việt Nam cũng đã nhanh chóng thành lập Ban chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19 và ngay lập tức xây dựng kịch bản ứng phó với đại dịch.

Dù có số ca xác nhận dương tính với COVID-19 thấp, nhưng Việt Nam đã tiến hành giãn cách xã hội từ ngày 1/4. Phản ứng của Việt Nam nhanh nhẹn và quyết đoán hơn nhiều so với Anh hoặc Italy, chính phủ các nước này chỉ ra lệnh phong tỏa khi số ca nhiễm COVID-19 đã lên đến vài nghìn người.

Báo quốc tế nói về cách Việt Nam chống dịch COVID-19: Có nhiều điều đáng để thế giới phải học hỏi - Ảnh 2.

Đường phố Hà Nội vắng vẻ, hàng quán đóng cửa trong những ngày cách li xã hội. Ảnh: Song Ngọc.

Trong khi tại các nước khác, lệnh phong tỏa được ban bố để đối phó với dịch bệnh đang hoành hành, Việt Nam tiến hành giãn cách xã hội để ngăn ngừa khả năng xảy ra một cuộc khủng hoảng y tế.

Theo DPA, sự đoàn kết của toàn dân đóng vai trò quan trọng trong thành tích kiểm soát dịch của Việt Nam. Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhiều lần kêu gọi toàn dân "chống dịch như chống giặc", và xác định tuần cuối cùng của tháng 3 là tuần mở màn cho "cuộc tổng tấn công mùa xuân 2020" để chống đại dịch – một lời gợi nhớ đến chiến thắng Tết Mậu thân 1968.

Các trường học tại Việt Nam đã đóng cửa từ cuối tháng 1, và việc xét nghiệm rộng rãi được tiến hành từ 16/3. Kể từ đó, hàng chục nghìn người trở về từ những quốc gia bị ảnh hưởng nặng nề bởi COVID-19 đã được cách li tập trung.

Đến ngày 25/3, hàng không Việt Nam chính thức tạm ngưng mọi chuyến bay quốc tế. Hầu hết các chuyến bay nội địa, tàu lửa và xe buýt cũng đang tạm ngừng hoạt động. Hà Nội cũng đã lập các chốt kiểm soát người và phương tiện ra vào thành phố.

PGS.TS Nguyễn Huy Nga, nguyên Cục trưởng Cục Y tế dự phòng - Bộ Y tế, đã giải thích thành công trong việc chống dịch của Việt Nam trên mạng xã hội: "Việt Nam chưa từng có trường hợp xảy ra lây nhiễm COVID-19 rộng trong cộng đồng, nhờ vậy chỉ có ít người cao tuổi mắc bệnh.

"Việt Nam có ít ca nhiễm COVID-19, nhờ vậy nước ta có đủ cơ sở y tế, thuốc men và bác sĩ để điều trị cho bệnh nhân. Ngoài ra, chúng ta cũng đã có kinh nghiệm trong việc phát triển các phác đồ điều trị bệnh", ông Nga nhắc đến kinh nghiệm của Việt Nam trong việc đối phó với SARS, một chủng virus corona khác.

Hồi năm 2003, Việt Nam là quốc gia đầu tiên ngoài Trung Quốc xác nhận trường hợp nhiễm SARS, và cũng là nước đầu tiên được WHO công nhận là đã kiểm soát thành công dịch này.

Việc truy tìm những người tiếp xúc diện F1, F2, F3 ở Việt Nam cũng có vai trò quan trọng trong cuộc chiến chống dịch COVID-19.

Những người có tiếp xúc gần, trực tiếp với người nhiễm COVID-19 (nói chuyện, ăn uống cùng,…) được xếp là F1, và sẽ phải cách li tại cơ sở y tế. Những người thuộc diện F2, F3 có thể chủ động cách li và theo dõi sức khỏe tại nhà, được giám sát bởi y tế cơ sở để đảm bảo không rời khỏi nơi cư trú. Tòa nhà hoặc khu phố có người nhiễm COVID-19 cũng phải bị cách li.

Trong một số trường hợp, Việt Nam cũng đã có phản ứng cứng rắn để đối phó với dịch bệnh. Nếu hành vi trốn tránh cách li dẫn đến đến hậu quả là làm lây lan dịch COVID-19 thì người trốn khỏi nơi cách li sẽ phải đối mặt với mức phạt tù cao nhất lên đến 12 năm.

Ngày 10/4, một người đàn ông tại tỉnh Quảng Ninh không đeo khẩu trang, chống người thi hành công vụ khi bị nhắc nhở đã bị phạt 9 tháng tù giam.

Những biện pháp nghiêm ngặt này đã mang lại thành công trong việc chống dịch COVID-19 cho đến nay, nhưng liệu Việt Nam và các quốc gia có phản ứng tương tự có thể kiểm soát được dịch bệnh về lâu dài hay không vẫn chưa thể hoàn toàn chắc chắn.

Hãng thông tấn DPA dẫn lời ông Park Kidong, đại diện của WHO tại Việt Nam cho biết: "Chúng tôi không thể đưa ra dự đoán, nhưng có thể nói rằng diễn biến của đại dịch sẽ được quyết định bởi hành động mà các quốc gia, bao gồm cả Việt Nam, đang thực hiện".

Giang