Ảnh hưởng dịch COVID-19: Trong trường hợp xấu nhất, kinh tế Việt Nam năm 2020 có thể tăng trưởng âm 1%
Sáng nay 13/4, Viện Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách (VEPR) đã tổ chức buổi tọa đàm trực tuyến công bố Báo cáo Kinh tế vĩ mô quí I/2020.
"Chúng ta hi vọng cho mọi chuyện tốt hơn nhưng hãy chuẩn bị cho mọi chuyện xấu nhất", đó là câu nói của TS Nguyễn Trí Hiếu - chuyên gia tài chính ngân hàng, trong phần trình bày đầu tiên của mình tại buổi tọa đàm.
Bàn về triển vọng kinh tế năm 2020, VEPR đưa ra ba kịch bản kinh tế được xây dựng dựa trên ba kịch bản về khả năng kiểm soát dịch bệnh trong nước và trên thế giới.
Theo PGS. TS Phạm Thế Anh, Kinh tế trưởng của VEPR, với giả định dịch COVID-19 không bùng phát mạnh ở Việt Nam như ở Vũ Hán, trong trường hợp kịch bản xấu nhất, kinh tế Việt Nam có thể tăng trưởng âm.
VEPR đưa ra kịch bản thứ nhất: Bệnh dịch trong nước được khống chế hoàn toàn vào giữa tháng 5 và hoạt động kinh tế dần trở lại bình thường. Trong khi đó, thế giới cũng bắt đầu nới dần các biện pháp phong tỏa. Tuy nhiên các hoạt động kinh tế, đặc biệt là trong lĩnh vực dịch vụ, vẫn còn dè dặt và chỉ dần hồi phục bắt đầu vào cuối quí 2/2020.
Với kịch bản 1, tác động xấu nhất của dịch COVID-19 rơi vào quí 2, nền kinh tế bắt đầu hồi phục vào nửa cuối quí 2.
Trong quí 2, nông nghiệp, lâm nghiệp và thủy sản có thể có mức tăng trưởng âm (giảm 2-3%). Ngành khai khoáng tăng trưởng âm trong cả năm. Ngành chế biến chế tạo có thể có mức tăng trưởng âm trong khi các ngành còn lại trong khu vực 2 ít bị ảnh hưởng.
Trong khu vực 3, bị ảnh hưởng nặng nhất gồm vận tải và kho bãi, dịch vụ lưu trú và ăn uống, nghệ thuật và giải trí (mức giảm từ 20-50%), y tế, truyền thông hay tài chính – ngân hàng – bảo hiểm là những ngành duy trì tăng trưởng khá do những hoạt động liên quan đến phòng chống bệnh dịch.
Bắt đầu từ quí 3 cho tới hết năm, tăng trưởng của các ngành có thể quay trở lại mức tăng trưởng những năm gần đây.
Với kịch bản thứ nhất trên, VEPR dự báo tăng trưởng GDP quí 2 sẽ ở mức âm 3,3%, quí 3 đạt 7,2%, quí 4 đạt 7,4%, trung bình cả năm 2020 tăng trưởng GDP đạt 4,2%.
Kịch bản thứ hai: Bệnh dịch trong nước kéo dài và chỉ được khống chế hoàn toàn vào nửa sau quí 3/2020. Trong thời gian này, thế giới tiếp tục các biện pháp giãn cách xã hội do sự tái phát của bệnh dịch ở nhiều trung tâm kinh tế tài chính quan trọng. Các hoạt động kinh tế trên thế giới chỉ dần trở lại bình thường bắt đầu vào cuối quí 3/2020.
Với kịch bản này, VEPR nhận định, tác động xấu nhất của dịch COVID-19 rơi vào quí 2 và quí 3, nền kinh tế bắt đầu hồi phục vào nửa cuối quí 3.
Trong quí 2 và quí 3, nông nghiệp, lâm nghiệp và thủy sản có thể có mức tăng trưởng âm (giảm 1,5-4%). Ngành khai khoáng tăng trưởng âm trong cả năm. Ngành chế biến chế tạo kéo dài mức tăng trưởng âm trong quí 2-3, các ngành còn lại trong khu vực 2 ít bị ảnh hưởng.
Trong khu vực 3, bị ảnh hưởng nặng nhất gồm vận tải và kho bãi, dịch vụ lưu trú và ăn uống, nghệ thuật và giải trí (mức giảm từ 25-70%), y tế, truyền thông hay tài chính – ngân hàng – bảo hiểm là những ngành duy trì tăng trưởng khá do những hoạt động liên quan đến phòng chống bệnh dịch.
Bắt đầu từ quí 4 cho tới hết năm, tăng trưởng của các ngành có thể quay trở lại mức tăng trưởng của những năm gần đây.
Với kịch bản hai, VEPR dự báo tăng trưởng GDP quí 2 sẽ ở mức âm 4,9%, quí 3 âm 1,1%, quí 4 đạt 7%, trung bình cả năm 2020 đạt 1,5%.
Kịch bản thứ ba: Bệnh dịch trong nước kéo dài và chỉ được khống chế hoàn toàn vào nửa sau quí 4/2020. Trong thời gian này, thế giới tiếp tục các biện pháp giãn cách xã hội do sự tái phát của bệnh dịch ở nhiều trung tâm kinh tế tài chính quan trọng. Các hoạt động kinh tế trên thế giới chỉ dần trở lại bình thường bắt đầu vào cuối quí 4/2020.
Với kịch bản này, VEPR cho rằng tác động xấu của COVID-19 kéo dài tới tận quí 4, nền kinh tế bắt đầu hồi phục vào nửa cuối quí 4/2020.
Trong quí 2 và quí 3, nông nghiệp, lâm nghiệp và thủy sản có thể có mức tăng trưởng âm (giảm 1-5%). Ngành khai khoáng tăng trưởng âm trong cả năm; ngành chế biến chế tạo kéo dài mức tăng trưởng âm trong quí 2-3, các ngành còn lại trong khu vực 2 ít bị ảnh hưởng.
Trong khu vực 3, bị ảnh hưởng nặng nhất gồm vận tải và kho bãi, dịch vụ lưu trú và ăn uống, nghệ thuật và giải trí (mức giảm từ 25-70%), y tế, truyền thông hay tài chính – ngân hàng – bảo hiểm là những ngành duy trì tăng trưởng khá do những hoạt động liên quan đến phòng chống bệnh dịch.
Nền kinh tế chỉ có thể trở lại mức tăng trưởng của những năm gần đây một khi thế giới khống chế được bệnh dịch.
Với kịch bản 3, VEPR dự báo tăng trưởng GDP quí 2 sẽ ở mức âm 5,1%; quí 3 ở mức âm 5,3%, quí 4 ở mức 2,8% và trung bình cả năm 2020 tăng trưởng âm 1%.
Về triển vọng kinh tế 2020, VEPR cho rằng, với bất kì kịch bản nào, trong thời kì hậu COVID-19 ở Việt Nam, sự phục hồi hoàn toàn của nhiều ngành như hàng không, du lịch hay thời trang xuất khẩu sẽ gặp nhiều khó khăn và kéo dài cho tới khi thế giới hoàn toàn kiểm soát được bệnh dịch.
"Trong ngắn hạn, chi tiêu của khu vực công có thể bù đắp được những khó khăn trên nhưng trong dài hạn là không thể. Do vậy, triển vọng kinh tế Việt Nam những năm sau phụ thuộc nhiều vào việc phát triển thành công vắc xin hoặc thuốc đặc trị trên thế giới", VEPR nhận định.
Phát biểu tại buổi tọa đàm, PGS. TS Phạm Thế Anh, Kinh tế trưởng của VEPR cho hay, con số tăng trưởng GDP không phản ánh được hết những khó khăn thật của nền kinh tế do không phản ánh được đầy đủ khu vực phi chính thức vốn bị ảnh hưởng nặng nề hơn hẳn so với những đợt suy thoái trước đây.
Thị trường bất động sản đang lao đao, cả cung và cầu đều suy yếu
Phát biểu tại buổi tọa đàm, TS Nguyễn Trí Hiếu - chuyên gia tài chính ngân hàng cho hay, tình hình thị trường bất động sản hiện tại, cả hai nguồn cung và cầu đều đang trong vòng xoáy suy yếu.
Về nguồn cung, người lao động mất việc, nghỉ việc, với các biện pháp cách li toàn xã hội của Chính phủ, rất nhiều công trình, dự án lớn đang bị kẹt, ngừng thi công. Nguồn cung nguyên vật liệu cũng bị chậm lại.
Nguồn cầu cũng giảm. Tôi không nhìn thấy phân khúc thị trường nào cho thấy cầu đang tăng mạnh. Thị trường nhà ở cao cấp, bất động sản nghỉ dưỡng, thương mại, công nghiệp..., nhu cầu mua/thuê đều đang giảm.
Mặc dù chúng ta không muốn vẽ lên 1 bức tranh xám, nhưng thưc tế vẫn cho thấy thị trường bất động sản đang lao đao. Thị trường bất động sản năm sau có thể rơi vào một trạng thái rất khó tiên lượng. Vì vậy các nhà đầu tư hãy cẩn thận.