Financial Times: Việt Nam sớm tổng tiến công đại dịch COVID-19 từ Tết Canh Tý, chi phí thấp mà hiệu quả cao
Tết Canh Tý 2020, khi dịch COVID-19 đang hoành hành ở bên kia biên giới tại nước láng giềng Trung Quốc, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã cảnh báo dịch sẽ sớm lan đến Việt Nam. "Phải chống dịch như chống giặc", Financial Times (FT) dẫn lời Thủ tướng tuyên bố hồi cuối tháng 1.
Kể từ đó, Việt Nam đã chứng minh cho cả thế giới thấy nước ta là một hình mẫu trong ngăn chặn dịch COVID-19 dù nguồn lực hạn chế, song đội ngũ lãnh đạo cực kì quyết tâm.
Thay vì bắt tay vào xét nghiệm hàng loạt - vốn là phản ứng mấu chốt của một quốc gia giàu có như Hàn Quốc trong dịch COVID-19, Việt Nam đã tập trung vào việc cách li bệnh nhân và truy tìm những người từng tiếp xúc diện F1, F2 và F3.
"Xét nghiệm hàng loạt đương nhiên rất tốt, nhưng còn tùy thuộc vào nguồn lực của mỗi quốc gia", PGS.TS. Trần Đắc Phu - Cục trưởng Cục Y tế Dự phòng - Bộ Y tế, cho hay.
"Quan trọng là bạn cần biết số người có thể đã tiếp xúc với bệnh nhân nhiễm COVID-19, hoặc từ vùng dịch trở về, sau đó tiến hành xét nghiệm trên những người này", ông Phu nói.
Ngoài kiểm tra lịch sử dịch tễ của bệnh nhân, chính phủ Việt Nam còn áp dụng biện pháp cách li bắt buộc và kêu gọi sinh viên y khoa, bác sĩ và y tá đã nghỉ hưu tham gia trận chiến.
Cuộc chiến có sự chung sức của toàn xã hội Việt Nam
"Việt Nam là một xã hội có thể vận động nhiều nguồn lực tham gia chống dịch COVID-19 cùng lúc", giáo sư danh dự Carl Thayer của Đại học New South Wales Canberra nhận định.
Cuối tuần qua, chính phủ Việt Nam đã tạm dừng cho phép nhập cảnh với người nước ngoài và hủy bỏ toàn bộ các chuyến bay quốc tế.
"Chúng tôi phải huy động toàn xã hội, cố gắng hết sức mình để cùng nhau đẩy lùi dịch COVID-19. Quan trọng là phải sớm tìm ra các ca nghi nhiễm và cách li họ", PGS.TS. Phu nói.
Theo cập nhật mới nhất từ Bộ Y tế tính đến sáng hôm nay (24/3), Việt Nam hiện có tổng cộng 123 ca nhiễm COVID-19, chưa có ca tử vong nào. Đa phần ca nhiễm mới gần đây đều là những người mới từ nước ngoài về.
Tính đến ngày 20/3, Việt Nam đã xét nghiệm cho 15.673 người, chỉ tương đương một phần nhỏ trong 338.000 người được xét nghiệm tại Hàn Quốc. Do hạn chế về năng lực xét nghiệm, số ca nhiễm thực tế có thể cao hơn so với số liệu công bố. Dù vậy, phản ứng của Việt Nam vẫn rất ấn tượng, FT nhận định.
Chính phủ Việt Nam đã yêu cầu dừng toàn bộ chuyến bay đến và đi từ Trung Quốc vào ngày 1/2, đồng thời trường học ở hai thành phố lớn nhất cả nước (TP HCM và Hà Nội) cùng hầu hết tỉnh thành khác đều đóng cửa kể từ sau Tết Nguyên đán đến nay.
Vào ngày 13/2, Việt Nam trở thành quốc gia đầu tiên sau Trung Quốc đại lục phong tỏa một khu dân cư lớn. Cụ thể, Việt Nam đã yêu cầu cách li bắt buộc 21 ngày đối với xã Sơn Lôi, Vĩnh Phúc sau khi phát hiện một số ca bệnh là các công nhân trở về từ tâm dịch Vũ Hán.
Vào thời điểm nước láng giềng Thái Lan bị chỉ trích vì phản ứng chậm chạp với dịch COVID-19 và Myanmar - ban đầu khẳng định miễn nhiễm với dịch bệnh nhưng rồi báo cáo hai ca đầu tiên hôm 23/3, phản ứng của Việt Nam lại được giới chức y tế thế giới khen ngợi.
Ông Park Kidong - đại diện của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) tại Hà Nội, đã ca ngợi Việt Nam vì "tinh thần chủ động và nhất quán trong suốt quá trình phản ứng với dịch COVID-19".
Tuy nhiên, thành công của Việt Nam trong công tác kiểm soát dịch phụ thuộc một phần vào việc huy động lực lượng nhân viên y tế và quân đội, giám sát, cũng như mạng lưới cung cấp thông tin trên cả nước. Các biện pháp này có thể gặp trở ngại khi triển khai ở Mỹ hoặc các nước châu Âu.
Truyền thông trong nước không ngừng phát đi thông điệp tích cực, còn các quan chức tỏ ra khá minh bạch về tình hình dịch bệnh, FT nhận định.
Bộ Y tế Việt Nam cũng thường xuyên gửi tin nhắn văn bản về tin tức liên quan đến dịch COVID-19 và khuyến nghị có lợi cho sức khỏe người dân. Một khảo sát gần đây của Niesel Vietnam cho thấy phần đông người tham gia đều "nhận thức tốt" về triệu chứng của dịch COVID-19.
Nỗ lực đẩy lùi dịch COVID-19 của chính phủ Việt Nam đã nhận được sự ủng hộ của người dân thông qua các bài đăng trên mạng xã hội cổ vũ nhân viên y tế và hình ảnh có nội dung: "Hãy ở nhà khi Tổ quốc cần!"
Chính phủ Việt Nam cũng rất mạnh tay xử lí những thông tin sai lệch về dịch COVID-19. Cơ quan cảnh sát Việt Nam đã triệu tập nhiều người lan truyền tin giả (fake news) và phạt hành chính trên 800 người.
Mạng lưới cung cấp thông tin trên khắp cả nước cũng giúp phát hiện các ca nhiễm bệnh. "Hàng xóm biết bạn đến từ đâu. Nếu có người nhiễm COVID-19 trong khu vực, họ sẽ báo cáo với chính quyền", FT dẫn lời bác sĩ Trương Hữu Khánh của Bệnh viện Nhi đồng TP HCM cho hay.
Phản hồi yêu cầu bình luận từ FT, phát ngôn viên của chính phủ Việt Nam cho biết nước ta đã "áp dụng nhiều biện pháp quyết liệt và dễ áp dụng" để ngăn chặn dịch bệnh lây lan.
"Cho đến nay, số ca nhiễm COVID-19 tại Việt Nam vẫn duy trì ở mức thấp và không có ca tử vong nào", phát ngôn viên Lê Thị Thu Hằng cho hay.
Diễn đàn Đầu tư Việt Nam 2025 (Vietnam Investment Forum 2025) với chủ đề “Khai thông & Bứt phá” do trang TTĐT tổng hợp VietnamBiz, Việt Nam Mới tổ chức sẽ diễn ra vào ngày 8/11/2024 tại GEM CENTER, TP HCM.
Sự kiện quy tụ giới chuyên gia cao cấp trong lĩnh vực đầu tư, tài chính là các nhà làm chính sách, CEO, CFO, CIO các ngân hàng, công ty chứng khoán, quỹ đầu tư, công ty bất động sản, các hãng xếp hạng, công ty cung cấp dữ liệu và hàng trăm nhà đầu tư có kinh nghiệm lâu năm trên thị trường chứng khoán và bất động sản.
Diễn đàn hứa hẹn mang lại không gian để các chuyên gia bàn luận về các xu hướng đầu tư mới, các góc nhìn chiến lược, mở ra nhiều ý tưởng đầu tư phù hợp cho giai đoạn mới. Đồng thời tạo cơ hội gặp gỡ, kết nối giữa nhà đầu tư và các đối tác tiềm năng trên thị trường.
Thông tin chi tiết chương trình: https://event.vietnambiz.vn/