|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Thời sự

Bloomberg: Việt Nam tìm đường mở cửa nền kinh tế sau khi cuộc chiến 'chống dịch như chống giặc' mang lại hiệu quả

16:55 | 28/04/2020
Chia sẻ
Việt Nam đã san phẳng đường cong đại dịch bằng loạt chính sách cứng rắn "chống dịch như chống giặc". Sau một số thành công ban đầu, chính phủ Việt Nam giờ đây đang bắt đầu mở cửa nền kinh tế trở lại.
Bloomberg: Việt Nam tìm đường mở cửa nền kinh tế sau khi chiến dịch 'chống dịch như chống giặc' mang lại hiệu quả - Ảnh 1.

Thương xá Đồng Khánh nổi tiếng với các sạp kinh doanh vải tại khu vực quận 5, TP HCM. (Ảnh: Maika Elan/Bloomberg)

Vào cuối tháng 1, khi hai du khách Trung Quốc trở thành các ca nhiễm COVID-19 đầu tiên của Việt Nam, chính phủ đã bắt đầu áp dụng một loạt các biện pháp gắt gao để kiểm soát tốc độ lây lan của đại dịch. Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc khi đó chỉ đạo: "Chống dịch như chống giặc!"

Trong vài tuần tiếp theo, Việt Nam tiến tới cấm gần như toàn bộ chuyến bay nội địa và quốc tế, cách li hơn 100.000 người tại các bệnh viện dã chiến,...

Nguyễn Đức Hiếu, một du học sinh 22 tuổi, đã được đưa vào cách li tập trung sau khi trở về từ London vào cuối tháng 3. Trên đường bay về TP HCM, phi công thông báo cho hành khách rằng chiếc máy bay sẽ chuyển hướng đến đồng bằng sông Cửu Long vì tất cả các cơ sở cách li tại TP HCM đều đã hết chỗ.

Sau đó, hành khách trên chuyến bay được đưa đến một trường quân sự đã chuyển đổi thành trung tâm cách li và ở lại đây trong hơn hai tuần, Bloomberg viết.

"Khoảng 6 - 8 hành khách trên chuyến bay sống trong một phòng có trang bị giường tầng và chăn màn", Hiếu chia sẻ. "Chúng em được cung cấp một số vật dụng cá nhân tại trung tâm như bàn chải, kem đánh răng, gối và mùng. Mặc dù có chút không thoải mái, em nghĩ điều đó là cần thiết".

Chưa ghi nhận ca tử vong nào

Nỗ lực chống đại dịch của Việt Nam dường như đã mang lại hiệu quả. Cho đến nay, Việt Nam chỉ ghi nhận 270 ca xác nhận nhiễm COVID-19 và chưa có trường hợp tử vong nào. Sau khoảng ba tuần thực hiện giãn cách toàn xã hội, Việt Nam đang nới lỏng qui định trên hầu khắp cả nước, cho phép một số doanh nghiệp mở cửa trở lại.

Theo Bloomberg, có một số người hoài nghi về số ca nhiễm COVID-19 tương đối thấp của Việt Nam do năng lực xét nghiệm còn hạn chế. Đến ngày 21/4, Việt Nam đã thực hiện khoảng 1.881 xét nghiệm/một triệu người, thấp hơn so với tỉ lệ 14.500 xét nghiệm/một triệu người của Singapore.

Bloomberg: Việt Nam tìm đường mở cửa nền kinh tế sau khi chiến dịch 'chống dịch như chống giặc' mang lại hiệu quả - Ảnh 2.

Con đường gần hầm Thủ Thiêm vắng bóng xe cộ những ngày cả nước giãn cách xã hội. (Ảnh: Maika Elan/Bloomberg)

Dù vậy, cách tiếp cận của Việt Nam vẫn giành được nhiều lời ngợi khen từ nhiều cơ quan quốc tế như Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Mỹ (CDC), Tổ chức Y tế Thế giới (WHO),... Bên cạnh đó, tình hình dịch bệnh Việt Nam cũng tương phản rõ nét với của Singapore và Indonesia - hai ổ dịch lớn nhất Đông Nam Á hiện nay.

Ông Fred Burke - đối tác quản lí tại công ty luật Baker McKenzie tại TP HCM, cho hay: "Việt Nam đã có kinh nghiệm đối phó với dịch SARS, cúm gia cầm và nhiều cuộc khủng hoảng tài chính. Họ đã biết cần phải hành động nhanh chóng và cẩn trọng".

Nền kinh tế hưởng lợi từ thương chiến Mỹ - Trung

Việt Nam là địa điểm ưa thích của các nhà đầu tư nước ngoài khi họ tìm kiếm một trung tâm sản xuất thay thế cho Trung Quốc sau những căng thẳng thương mại giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới trong hai năm 2018 - 2019.

Mục tiêu của chính phủ Việt Nam là phát triển kinh tế dựa trên lợi thế đó. Theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, cam kết đầu tư trực tiếp nước ngoài vào nước ta đã tăng 7,2% trong năm ngoái, trong đó 24,6 tỉ USD chảy vào lĩnh vực sản xuất. Động lực này giúp tăng trưởng kinh tế năm 2019 đạt 7,02% - tốc độ nhanh thứ hai kể từ năm 2007.

Tác động của đại dịch COVID-19 đối với Trung Quốc khiến nhiều doanh nghiệp nước ngoài nhận thấy sản xuất ở đất nước tỉ dân ngày càng tốn kém, từ đó biến Việt Nam thành điểm đến hấp dẫn, ông Vũ Tú Thành - Phó Giám đốc điều hành khu vực của Hội đồng Doanh nghiệp Mỹ - ASEAN, cho hay.

Rủi ro vẫn còn

Đầu tháng này, chính phủ Nhật Bản tuyên bố rằng họ đang phân bổ 2,2 tỉ USD trong gói kích thích kinh tế để khuyến khích nhà sản xuất rời khỏi Trung Quốc và có thể chuyển một số dây chuyền đến khu vực Đông Nam Á .

Ông Burke của công ty luật Baker McKenzie cho rằng Việt Nam chắc chắn sẽ hưởng lợi. Theo Bloomberg, Nhật Bản là nhà đầu tư lớn thứ hai của Việt Nam khi trong quí I đã rót hơn 848 triệu USD vào nước ta.

Bloomberg: Việt Nam tìm đường mở cửa nền kinh tế sau khi chiến dịch 'chống dịch như chống giặc' mang lại hiệu quả - Ảnh 3.

Một điểm xét nghiệm nhanh tại bệnh viện Bạch Mai, Hà Nội. (Ảnh: Bloomberg)

Chính phủ Việt Nam cho phép một số công ty tiếp tục hoạt động nếu họ thực hiện biện pháp giãn cách xã hội trong quá trình sản xuất. Các cơ quan chính phủ cũng tăng cường nỗ lực để đơn giản hóa các qui trình chính sách, chẳng hạn như về hồ sơ xin giấy phép đầu tư, ông Burke cho hay.

Trong tháng 3, Việt Nam đã cho phép hơn 1.000 kĩ sư của Samsung Electronics từ Hàn Quốc nhập cảnh để chuẩn bị dây chuyền sản xuất các dòng smartphone mới. Samsung Electronics là một trong các nhà đầu tư lớn nhất của Việt Nam, hãng này đang sản xuất tại các nhà máy ở miền Bắc khoảng một nửa sản lượng điện thoại Samsung bán ra trên thế giới.

Phần lớn các kĩ sư nêu trên đã thực hiện cách li bắt buộc 14 ngày tại các khách sạn 4 sao thay vì các doanh trại quân đội, trong khi một số khác được phép cách li tại nhà máy Samsung một vài ngày sau khi hạ cánh tại Việt Nam.

Tuy nhiên, rủi ro đối với Việt Nam chưa chấm dứt. Vào ngày 24/4, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đã cảnh báo rằng đại dịch vẫn có nguy cơ bùng phát lần nữa tại Việt Nam.

Ngoài ra, Bloomberg nhận định Việt Nam cũng phải chuẩn bị tâm thế rằng nhu cầu hàng hóa trên toàn cầu sẽ sụt giảm trong thời gian dài. Các nhà máy nhiều khả năng phải chờ đợi thêm vài tháng trước khi có thể đẩy mạnh sản xuất nhiều mặt hàng từ giày Nike cho đến thiết bị gia dụng của LG Electronics.

Theo dữ liệu của World Bank, Việt Nam phụ thuộc rất nhiều vào hoạt động xuất khẩu. Cụ thể, xuất khẩu thường tương đương hơn 100% GDP, cho nên tăng trưởng trong quí I có thể bị ảnh hưởng lớn và chững về mức 3,82%.

Quĩ Tiền tệ Quốc tế (IMF) dự đoán tăng trưởng kinh tế của Việt Nam có thể giảm xuống còn 2,7% trong cả năm 2020.

Nới lỏng lệnh giãn cách xã hội không đồng nghĩa rằng cuộc sống của người dân Việt Nam sẽ trở lại bình thường.

"Trước tiên, các qui định cách li xã hội chưa được gỡ bỏ hoàn toàn", ông Gareth Leather - chuyên gia kinh tế tại tổ chức Capital Economics (có trụ sở tại London), cho hay.

"Thêm vào đó, người dân cũng sẽ không ngay lập tức quay về nhịp sống cũ. Nỗi lo sợ bị nhiễm COVID-19 sẽ khiến họ tiếp tục thực hiện giãn cách xã hội thêm một thời gian nữa", ông Leather lí giải. Ngoài ra, nhà kinh tế này dự đoán GDP của Việt Nam sẽ suy giảm trong năm 2020.

Tác động của đại dịch đối với cuộc sống của nhiều người dân Việt Nam được minh họa bằng hàng người nối đuôi nhau kéo dài cả cây số để nhận lương thực miễn phí tại các ATM gạo.

Theo Bloomberg, chính phủ Việt Nam tin rằng những bước đi cứng rắn vừa qua suy cho cùng đã cứu nền kinh tế khỏi nguy cơ bị tổn hại nghiêm trọng hơn.

"Chính phủ Việt Nam cho thấy họ đã xử lí các vấn đề một cách vừa tinh tế vừa sâu sắc", ông Adam McCarty - nhà kinh tế trưởng tại Mekong Economics (Hà Nội), chia sẻ với Bloomberg."

Yên Khê