Giữa muôn vàn khó khăn bởi COVID-19, nền kinh tế xuất hiện điểm sáng, các DN phát triển khu công nghiệp liên tục báo lãi lớn
Bức tranh khởi sắc của doanh nghiệp bất động sản khu công nghiệp trong quí đầu năm 2020
Báo cáo thị trường bất động sản quí 1/2020 của JLL Việt Nam cho thấy, bất chấp những ảnh hưởng của dịch COVID-19, nhu cầu thuê đất khu công nghiệp trong những tháng đầu năm tại Việt Nam vẫn ở mức cao nhờ vào nhu cầu thuê vẫn tăng như đã đề cập tư những quí trước.
Theo đó, tỉ lệ lấp đầy ở khu vực miền Bắc tính đến hết tháng 3/2020 đạt 72%, giá đất trung bình đạt 99 USD/m2 cho mỗi chu kì thuê, tăng 6,5% so với cùng kì năm trước. Mặt khác, nhà xưởng xây sẵn (lựa chọn yêu thích của các doanh nghiệp vừa và nhỏ) cũng giữ giá thuê ổn định dao động từ 4 - 5 USD/m2/tháng và đều đã được lấp đầy.
Tại khu vực miền Nam, với nhu cầu thuê đất cũng tăng cao, các chủ đầu tư đã tự tin hơn trong việc tăng giá thuê đất. Giá đất trung bình trong quí 1/2020 tại khu vực này đạt 101 USD/m2 cho mỗi chu kì thuê, tăng 12,2% so với cùng kì.
Thống kê từ BCTC quí I/2020 của nhóm doanh nghiệp phát triển bất động sản khu công nghiệp (BĐS KCN) đã công bố cho thấy, đa số đều ghi nhận kết quả kinh doanh khởi sắc nhờ nhu cầu thuê đất cao trong nước cũng như làn sóng dịch chuyển sản xuất đến Việt Nam ngày càng gia tăng.
Trong các doanh nghiệp đã công bố BCTC quí I, Cao su Phước Hòa (Mã: PHR) dẫn đầu về lợi nhuận với 211 tỉ đồng, tăng trưởng 89% so với cùng năm trước.
Trong kì, doanh thu thuần của công ty giảm 24% xuống 221 tỉ đồng. Dù vậy, doanh thu hoạt động tài chính tăng 48% với khoản tiền khổng lồ gửi tại ngân hàng, cùng với tiền bồi thường thực hiện dự án KCN hơn 156 tỉ đồng đã giúp lợi nhuận công ty tăng trưởng mạnh.
Theo báo cáo của VNDirect Research, doanh thu từ việc chuyển nhượng đất của Phước Hòa dự kiến vẫn tiếp tục tăng trong năm 2020 với việc chuyển giao 691 ha đất cho VSIP để phát triển KCN VSIP3 và 346 ha cho công ty liên kết là KCN Nam Tân Uyên (Mã: NTC) để xây dựng KCN Tam Tân Uyên 3.
Bên cạnh đó, Phước Hòa cũng lên kế hoạch chuyển dịch từ sản xuất cao su sang phát triển KCN bằng chuyển đổi diện tích đất lên đến 4.000 ha tại Bình Dương đến năm 2025, đồng thời tiếp tục mở rộng KCN Tân Bình với diện tích mở rộng 1.056 ha.
KCN Nam Tân Uyên cũng báo lãi sau thuế quí I đạt 85,3 tỉ đồng, tăng 22,4% so với cùng kì năm trước, thu nhập trên mỗi cổ phiếu đạt 5.336 đồng. Doanh thu thuần của doanh nghiệp này tăng trưởng 6,4% trong quí đầu năm, trong đó, doanh thu từ kinh doanh BĐS KCN đạt gần 31,4 tỉ đồng, chiếm khoảng 75% tổng doanh thu.
Trong khi đó, doanh nghiệp ghi nhận tốc độ tăng trưởng cao nhất là Sonadezi Châu Đức (Mã: SZC) với doanh thu thuần đạt gần 121 tỉ đồng, cao gấp 2,5 lần cùng kì; lãi ròng đạt 53,7 tỉ đồng, tăng trưởng tới 190%.
Phát triển Đô thị Công nghiệp số 2 (Mã: D2D) chứng kiến doanh thu thuần trong ba tháng đầu năm 2020 đạt gần 81 tỉ đồng, tăng 32% so với cùng kì, chủ yếu đóng góp từ KDC Lộc An. Lọi nhuận sau thuế tăng trưởng 24% lên 49 tỉ đồng.
CTCP Long Hậu (Mã: LHG) dù quĩ đất không còn nhiều vẫn ghi nhận doanh thu thuần tăng 19,6% lên 206,4 tỉ đồng trong quí I nhờ giá đất cho thuê cải thiện; lãi sau thuế theo đó cũng tăng 15,1% lên 63,2 tỉ đồng.
Ước tính của VNDirect cho thấy, quĩ đất sẵn sàng cho thuê hiện có của Long Hậu đạt khoảng duới 100 ha, tương đương diện tích sắn có của KCN Tân Tạo (Mã: ITA), đây cũng là 2 công ty niêm yết đang có quĩ đất sẵn sàng cho thuê thấp nhất trong nhóm. KCN Tân Tạo hiện chưa công bố BCTC quí I/2020.
Trong diễn biến khác, hoạt động cho thuê KCN của Tổng Công ty Viglacera (Mã: VGC) cũng khởi sắc với doanh thu tăng trưởng 4,6% lên 2.374 tỉ đồng; biên lãi gộp cải thiện từ 21,5% lên 22,5%. Tuy nhiên, chi phí bán hàng mảng vật liệu xây dựng tăng 28,5 khiến lãi sau thuế của công ty giảm 6% so với quí I năm trước, đạt 169,4 tỉ đồng.
Tương tự Viglacera, hoạt động kinh doanh của Sonadezi Long Thành (SZL) không có nhiều biến động trong quí I/2020 với doanh thu và lợi nhuận sau thuế giữ ổn định lần lượt 86,7 tỉ đồng và 22,3 tỉ đồng.
Dù vậy, tín hiệu tích cực được ghi nhận khi dòng tiền hoạt động kinh doanh chuyển trạng thái từ âm 6 tỉ đồng sang dương hơn 66 tỉ đồng nhờ giảm đáng kể các khoản phải thu.
Đến hiện tại, một số công ty lớn trong ngành như Becamex IDC (Mã: BCM), Sonadezi (SNZ), Phát triển Đô thị Kinh Bắc (KBC) vẫn chưa công bố BCTC quí I/2020.
Ngành BĐS KCN sẽ tiếp tục hồi phục sau dịch COVID-19?
Sự bùng phát của dịch COVID-19 đã tác động tiêu cực lên hoạt động của nhiều công ty đa quốc gia. Tuy nhiên, một số công ty vẫn duy trì hoạt động sản xuất do nhà máy được đặt bên ngoài Trung Quốc, chẳng hạn Samsung vẫn duy trì hoạt động ở công suất cao với các nhà máy sản xuất đặt tại Việt Nam.
Theo VNDirect Research, điều này đã tạo ra một xu hướng mới nhằm giảm sự phụ thuộc vào các nhà máy ở Trung Quốc, theo đó Việt Nam sẽ là một trong những quốc gia hưởng lợi với lợi thế về vị trí địa lí và lao động giá rẻ.
Công ty chứng khoán này dẫn nguồn tin từ Nikkei cho biết, Google và Microsoft đang chuyển một số dây chuyền sản xuất từ Trung Quốc sang Việt Nam và Thái Lan.
Dự kiến, Google sẽ bắt đầu bán dòng điện thoại Pixel4A và Pixel5 với một phần được sản xuất tại Việt Nam trong nửa cuối năm 2020. Microsoft cũng bắt đầu sản xuất dòng máy tính Surface, gồm máy tính để bàn và máy tính xách tay tại Việt Nam trong quí II năm nay.
Theo JLL, quĩ đất sẵn sàng cho thuê tại các KCN đang khá hạn chế, với khoảng 1.890 ha dự kiến được đưa vào hoạt động trong giai đoạn quí II và quí III năm nay, tương đương 4% so với tổng diện tích đất KCN năm 2019. Quĩ đất này chủ yếu tại các tỉnh phía Nam, đặc biệt tại tỉnh Bình Dương vốn đã sắp hết nguồn cung.
VNDirect Research cho rằng, ngành BĐS KCN vẫn có triển vọng khả quan sau khi hết dịch COVID-19 do nhu cầu đất công nghiệp tăng mạnh, dù vậy mức độ phân hóa vẫn diễn ra với thách thức và cơ hội riêng biệt cho từng doanh nghiệp.
Với nguồn cung đất KCN vẫn hạn chế trong giai đoạn 2020 - 2021, các công ty có danh mục khách hàng lớn mạnh và quĩ đất sẵn có lớn sẽ có cơ hội tăng trưởng trong làn sóng dịch chuyển nhà máy sản xuất tới Việt Nam.
Dù vậy, các doanh nghiệp cũng cần lưu ý rằng, chi phí thuê đất đang ngày càng gia tăng sẽ ảnh hưởng đến chi phí đầu tư của khách hàng. Tốc độ giải toả mặt bằng chậm cùng với mặt bằng giá đất tại nhiều địa phương đã tăng mạnh trong suốt những năm 2016-2019 sẽ tạo ra thách thức không nhỏ đến hoạt động kinh doanh của nhóm này trong tương lại.