Sách trắng doanh nghiệp 2020 chỉ rõ điểm yếu của DN Việt Nam: Tăng trưởng dựa nhiều vào thâm dụng vốn; khối DNNN kinh doanh thụt lùi; khu vực kinh tế tư nhân đa phần là SMEs, kĩ thuật lạc hậu
Sáng 28/4, Tổng cục Thống kê đã tổ chức họp báo công bố sách trắng doanh nghiệp Việt Nam năm 2020. Được biết, đây là lần thứ hai sách trắng doanh nghiệp Việt Nam được công bố, ấn phẩm đầu tiên được ra mắt năm 2019.
Tăng trưởng dựa vào thâm dụng vốn
Theo Sách trắng Doanh nghiệp Việt Nam năm 2020, tổng doanh thu thuần của toàn bộ khu vực doanh nghiệp đang hoạt động có kết quả sản xuất kinh doanh năm 2018 đạt 23,64 triệu tỉ đồng, tăng 14,4% so với năm 2017.
Chia theo loại hình doanh nghiệp, khu vực doanh nghiệp ngoài nhà nước năm 2018 có tổng doanh thu thuần cao nhất với 13,41 triệu tỉ đồng, chiếm 56,7% doanh thu thuần của toàn bộ khu vực doanh nghiệp, tăng 14,3% so với năm 2017.
Khu vực doanh nghiệp FDI đạt 6,81 triệu tỉ đồng, chiếm 28,8%, tăng 17,5%, còn khu vực doanh nghiệp nhà nước đạt 3,41 triệu tỉ đồng, chiếm 14,4%, tăng 9,2%.
Về lợi nhuận, tổng lợi nhuận trước thuế của khu vực doanh nghiệp đạt 895,56 nghìn tỉ đồng, tăng 2,1% so với năm 2017 (thấp hơn nhiều so với tốc độ tăng 18,0% của vốn và 14,4% của doanh thu). Điều này cho thấy mức độ thâm dụng vốn của toàn khối DN hiện nay là rất lớn.
Tính theo loại hình doanh nghiệp, năm 2018, khu vực doanh nghiệp ngoài nhà nước là khu vực duy nhất tạo ra lợi nhuận trước thuế tăng so với năm 2017 với 323,64 nghìn tỉ đồng, chiếm 36,1% lợi nhuận của toàn bộ khu vực doanh nghiệp, tăng 11,1% so với năm 2017.
Khu vực doanh nghiệp FDI tạo ra lợi nhuận cao nhất trong toàn bộ khu vực doanh nghiệp với 381,57 nghìn tỉ đồng, chiếm 42,6%, giảm 1,0% so với năm 2017.
Đối với khu vực doanh nghiệp nhà nước, lợi nhuận tạo ra là 190,36 nghìn tỉ đồng, chiếm 21,3%; giảm 5,2%.
Sách trắng doanh nghiệp năm 2019 cũng cho thấy, các chỉ tiêu về hiệu suất sinh lợi của các doanh nghiệp FDI luôn đứng đầu, theo sau đó là nhóm doanh nghiệp nhà nước và đứng cuối cùng là các doanh nghiệp ngoài nhà nước.
Khối kinh tế tư nhân trong nước yếu cả về vốn và công nghệ
Bình luận về việc doanh nghiệp ngoài nhà nước có qui mô lớn, chiếm 96,9% tổng số doanh nghiệp nhưng hiệu quả kinh doanh thấp hơn so với loại hình doanh nghiệp nhà nước và doanh nghiệp FDI, ông Phạm Đình Thúy, Vụ trưởng Vụ thống kê Công nghiệp cho biết hiện nay các khu vực ngoài nhà nước chủ yếu tập trung phát triển theo chiều rộng.
Theo ông Phạm Đình Thúy, doanh nghiệp ngoài nhà nước chiếm thị phần chi phối, cũng như đóng góp chủ yếu vào tăng trưởng GDP cả nước, lớn hơn cả hai loại hình doanh nghiệp nhà nước và doanh nghiệp FDI cộng lại.
"Các chỉ tiêu đánh giá cho thấy doanh nghiệp ngoài nhà nước phát triển rất nhanh, rất mạnh theo chiều rộng, tuy nhiên còn năng suất, chất lượng, hiệu quả phát triển vẫn thấp hơn hai loại hình doanh nghiệp nêu trên, đặc biệt là doanh nghiệp FDI", ông Thúy nhấn mạnh.
Ông đánh giá khu vực doanh nghiệp ngoài nhà nước là khu vực phát triển năng động, tuy nhiên hiện nay qui mô chủ yếu của loại hình doanh nghiệp này là nhỏ, vừa và siêu nhỏ, điều kiện trang bị kĩ thuật rất thấp, chủ yếu là trang thiết bị lạc hậu.
Bên cạnh đó, qui mô hạn chế về vốn và lao động làm cho việc áp dụng khoa học công nghệ tiên tiến còn gặp nhiều khó khăn, từ đó dẫn đến năng suất, chất lượng phát triển chưa cao. Cùng với đó, năng lực quản lí điều hành cũng còn nhiều hạn chế so với khu vực FDI và khu vực nhà nước.
Theo đó, ông Thúy kì vọng với việc kí kết nhiều hiệp định kinh tế và hội nhập kinh tế sâu rộng trong tương lai, doanh nghiệp ngoài nhà nước sẽ thích ứng được với điều kiện và cơ chế mới để tồn tại và phát triển, đặc biệt là năng lực quản lí và khả năng ứng dụng khoa học công nghệ.