|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Hàng hóa

Ngược dòng khó khăn, dệt may lạc quan tìm cách giải nguy giữa đại dịch COVID-19

08:00 | 29/04/2020
Chia sẻ
Tình hình xuất khẩu của ngành dệt may dự báo sẽ tiếp tục khó khăn vì tình trạng gián đoạn đơn hàng, đẩy doanh nghiệp vào hàng loạt mối nguy. Tuy nhiên, trong gian nan, ngành dệt may vẫn tìm thấy dư địa cho riêng mình.

Quí I/2020, hàng loạt khó khăn vì COVID-19

Quí I/2020 là thời điểm dịch bệnh COVID-19 diễn biến phức tạp trên toàn thế giới, bùng phát và trở thành tâm điểm tại các quốc gia như: Trung Quốc, EU, Mỹ, Hàn Quốc và Nhật Bản..., điều này đã ảnh hưởng trực tiếp đến ngành dệt may khi nguồn cung bị gián đoạn và nhu cầu đơn hàng giảm mạnh.

Ông Phạm Xuân Hồng, Chủ tịch Công ty May Sài Gòn 3, cho biết tác động từ đại dịch COVID-19 bắt đầu nhìn thấy rõ từ tháng 2/2020 khi mà hoạt động thu mua nguồn cung nguyên phụ liệu dệt may từ Trung Quốc bắt đầu chững lại

Do thiếu hụt nguồn nguyên phụ liệu nhập khẩu, các doanh nghiệp dệt may phải điều chỉnh lại kế hoạch, bố trí lại dây chuyền sản xuất từ hàng dệt thoi sang hàng dệt kim, giảm giờ làm, cắt giảm nhân công,... nhằm bảo đảm hiệu quả sản xuất ở mức tối ưu.

Ngược dòng khó khăn, dệt may lạc quan tìm cách giải nguy giữa đại dịch COVID-19 - Ảnh 1.

Ông Phạm Xuân Hồng, Chủ tịch Công ty May Sài Gòn 3. Ảnh: Như Huỳnh.

Đến tháng 3, khi mọi chuyện bắt đầu ổn định thì "làn sóng" thứ hai tiếp tục tác động xấu đến ngành. Nhu cầu với sản phẩm dệt may tại Mỹ và châu Âu đã giảm do người tiêu dùng ở nhà để tuân thủ qui định phong tỏa của nhà chức trách. 

Nhiều đơn hàng của các doanh nghiệp đã bị hủy, hoãn giao hàng, không kí tiếp đơn hàng mới và chậm thanh toán, dẫn đến thiếu hụt dòng tiền, nguy cơ đứt thanh khoản.

Ông Vũ Đức Giang, Chủ tịch Hiệp hội dệt may Việt Nam (Vitas), chia sẻ hai thị trường lớn nhập khẩu dệt may của Việt Nam là Mỹ, EU, chiếm lần lượt 50% và 20% trong tổng kim ngạch xuất khẩu toàn ngành, đã rơi vào khủng hoảng dịch bệnh, khiến nhu cầu mua sắm tại hai thị trường này đột ngột suy giảm mạnh. 

Điều đó dẫn đến việc các nguồn cầu đặt hàng từ các nhãn hàng lớn đều có động thái dừng tất cả các đơn hàng, đóng cửa hệ thống bán hàng trong tháng 3 và dự kiến kéo dài đến tận tháng 6/2020.

Số liệu của Tổng cục hải quan cho biết trong 3 tháng đầu năm Mỹ vẫn là thị trường nhập khẩu hàng dệt may lớn nhất từ Việt Nam, chiếm 47% tổng kim ngạch xuất khẩu hàng dệt may của cả nước nhưng trị giá đạt 3,3 tỉ USD, giảm nhẹ 0,4% so với 3 tháng đầu năm trước; EU là thị trường đứng thứ ba với 806 triệu USD, giảm hơn 6%...

Đáng lo ngại nhất sau các thông báo dừng đặt hàng và "hoàn toàn không có hỗ trợ gì cho doanh nghiệp trong nước khi cắt bỏ đơn hàng", Vitas đánh giá điều này đã "ảnh hưởng trực tiếp đến gần 100% số doanh nghiệp, tùy qui mô, mức độ và đặc thù mặt hàng của doanh nghiệp".

Ước tính chưa đầy đủ của Vitas cũng cho hay có khoảng 70% doanh nghiệp trong ngành đã giảm việc cho công nhân trong tháng 3, nhưng "đến 80% doanh nghiệp sẽ cắt giảm lao động trong tháng 4 và tháng 5 này".

Có thể thấy, dịch COVID-19 đã tác động không nhỏ đến ngành dệt may và ảnh hướng của nó đã hiện rõ qua kết quả xuất khẩu quí I/2020 khi tính chung trị giá xuất khẩu nhóm hàng này chỉ đạt 7,03 tỉ USD, giảm 1,4% so với cùng kì năm 2019.

Ngược dòng khó khăn, dệt may lạc quan tìm cách giải nguy giữa đại dịch COVID-19 - Ảnh 3.

Dịch COVID-19 đã khiến hoạt động xuất khẩu của doanh nghiệp dệt may lao đao trong quí I vừa qua. Ảnh minh họa.

Dự báo quí II sẽ là đỉnh điểm thiếu hụt đơn hàng 

Đến nay tình hình dịch COVID-19 đã bắt đầu được kiểm soát tại thị trường Trung Quốc, nguồn cung nguyên liệu đầu vào cho các doanh nghiệp may và đầu ra cho các doanh nghiệp sợi đã dần ổn định trở lại. 

Các nhà máy sản xuất vẫn được phép mở cửa, nhưng các đơn hàng mới là vô cùng hạn chế. Một số nhà máy phải sản xuất khẩu trang để “vớt vát” phần nào, nhưng không đáng là bao so với những tổn thất do thiếu vắng đơn hàng.

Với tình hình hiện nay, khoảng 30 - 50% việc làm sẽ biến mất cho tới tháng 5/2020

Ông Lê Tiến Trường - Tổng Giám đốc Tập đoàn Dệt may Việt Nam.

Chia sẻ với Nikkei, ông Lê Tiến Trường, Tổng giám đốc Tập đoàn Dệt may Việt Nam, cho biết: “Với tình hình hiện nay, khoảng 30 - 50% việc làm sẽ biến mất cho tới tháng 5/2020”.

Vinatex đang có khoảng 200 nhà máy tại Việt Nam và hơn 100.000 công nhân làm việc. Việc thiếu các đơn hàng có thể khiến một nửa số công nhân của Tập đoàn mất việc.

Theo số liệu từ Bộ Công thương, số lượng đơn hàng trong tháng 4, tháng 5 của ngành dệt may và da giày sẽ giảm khoảng 70%, các đơn hàng mới từ tháng 6 trở đi chưa được đàm phán và khả năng phục hồi đơn hàng đến cuối năm 2020 sẽ rất chậm.

"Dịch COVID-19 đã ảnh hưởng trầm trọng tới ngành dệt may trong quí I, thậm chí cả quí II. Nhu cầu dệt may toàn cầu trong thời gian tới có nguy cơ sụt giảm mạnh và các doanh nghiệp dệt may Việt Nam đều có thể bị ảnh hưởng tiêu cực", ông Phạm Xuân Hồng chia sẻ.

Quí II/2020 sẽ là giai đoạn đỉnh điểm của tình trạng thiếu hụt đơn hàng sản xuất của tất cả các doanh nghiệp trong ngành, và tình trạng này có kéo dài đến quí III/2020 hay không phụ thuộc hoàn toàn vào tình hình kiểm soát dịch bệnh của các quốc gia, Công ty CP Chứng khoán FPT (FPTS) dự báo.

Ngược dòng khó khăn, dệt may lạc quan tìm cách giải nguy giữa đại dịch COVID-19 - Ảnh 4.

Ông Vũ Đức Giang, Chủ tịch Hiệp hội dệt may Việt Nam. Ảnh: Như Huỳnh.

Đồng quan điểm, Hiệp hội dệt may Việt Nam cho rằng kim ngạch xuất khẩu dệt may trong quí II sẽ tiếp tục sụt giảm, đơn hàng của ngành sẽ giảm khoảng 70% trong tháng 4, tháng 5 và khả năng phục hồi đến cuối năm cũng sẽ rất chậm.

Dự kiến kim ngạch xuất khẩu hàng dệt may của Việt Nam năm 2020 sẽ chỉ đạt khoảng 33 tỉ USD, giảm 15% so với năm 2019, Hiệp hội Dệt may Việt Nam đưa ra dự báo không mấy tích cực.

Ngoài ra theo tính toán của Vitas, nếu không có sự điều chỉnh về chính sách, nhiều doanh nghiệp sẽ mất khả năng thanh khoản vào cuối tháng 4/2020. Lao động toàn ngành dệt may thiếu việc làm từ 30% tới 50% trong tháng 4 và tháng 5/2020.

Thiệt hại ước tính với toàn ngành có thể lên tới 5.000 tỉ đồng nếu 30% công nhân thiếu việc làm trong tháng 4/2020, 50% công nhân thiếu việc làm trong tháng 5/2020 và nếu tình hình kéo dài thêm thì mỗi tháng ngành sẽ thiệt hại tới 3.000 tỉ đồng.

Giải bài toán đơn hàng: Linh hoạt thích ứng!

Mặc dù dịch COVID-19 gây tác động xấu cho ngành dệt may nhưng cơ hội cũng cùng lúc xuất hiện giữa hàng loạt mối nguy đang hiển hiện. Một số doanh nghiệp nhanh chóng thích ứng với nhu cầu thị trường, chuyển đổi sang sản xuất hàng phục vụ lĩnh vực y tế, phòng dịch thay thế sản phẩm dệt may truyền thống.

Tổng Giám đốc Vinatex dự kiến áp lực thiếu nguyên liệu, việc làm sẽ lên đỉnh điểm vào tháng 4, thậm chí cả tháng 5. Ông cho biết Tập đoàn sẽ tập trung giải quyết các đơn hàng cho các thị trường khác trong thời điểm thiếu nguyên liệu nhập từ Trung Quốc, đơn cử là tập trung vào sản xuất khẩu trang phục vụ thị trường trong nước và xuất khẩu. 

Thống kê của Cục Công nghiệp (Bộ Công Thương), với năng lực của 50 doanh nghiệp báo cáo với Bộ Công Thương có thể sản xuất 8 triệu chiếc khẩu trang/ngày, tương đương khoảng 200 triệu chiếc mỗi tháng. Nếu tính trên qui mô cả nước thì sản lượng sẽ lớn hơn rất nhiều.

Ông Trần Thanh Hải, Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu Bộ Công Thương, cho rằng khẩu trang là một sản phẩm không đòi hỏi đầu tư nhiều, về cơ bản nhà xưởng, thiết bị và công nhân ở các doanh nghiệp dệt may đều có thể làm được khẩu trang. 

Vì thế, khả năng sản xuất khẩu trang của doanh nghiệp Việt Nam là rất lớn, sau khi đã đáp ứng đủ nhu cầu trong nước thì có thể xuất khẩu.

Theo ông Hải, Việt Nam có đủ năng lực để có thể trở thành một quốc gia sản xuất khẩu trang vải lớn trên thế giới. Tuy nhiên, để coi đây là một ngành sản xuất lâu dài thì cần tính đến một số yếu tố. 

Trên thị trường thế giới hiện nay, khẩu trang đồng nghĩa với khẩu trang y tế, việc sử dụng khẩu trang vải chưa phải phổ biến, đó là một trong những khó khăn cho doanh nghiệp. Vì vậy, cần có sự thông tin, quảng bá thêm để người dùng nhận biết được lợi ích của khẩu trang vải và chuyển sang sử dụng loại khẩu trang này. 

Đồng thời, công tác xúc tiến thương mại, tìm khách hàng cần được đẩy mạnh trong bối cảnh nhiều khách hàng nước ngoài chưa biết về khả năng sản xuất khẩu trang vải của Việt Nam.

Tuy nhiên, ông Hải cũng cảnh báo khẩu trang là một mặt hàng có tính thời vụ, có tính ổn định không cao, khi dịch bệnh bùng phát, khẩu trang trở thành một mặt hàng thiết yếu, nhưng khi dịch bệnh qua đi, nhu cầu về khẩu trang cũng sẽ giảm xuống. 

"Các doanh nghiệp dệt may có thể tranh thủ khai thác thị trường tại thời điểm này, nhưng để coi đây là một sản phẩm lâu dài, đầu tư qui mô lớn thì cần thận trọng”, đại diện Cục Xuất nhập khẩu khuyến cáo.

Như Huỳnh