|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Hàng hóa

Yếu tố sống còn của các doanh nghiệp dệt may trong thời COVID-19

15:08 | 09/04/2020
Chia sẻ
Đại diện Vinatex cho rằng với doanh nghiệp dệt may thì quan trọng nhất là hoãn đóng bảo hiểm xã hội, phí công đoàn, bảo hiểm thất nghiệp vì chi phí này lên tới 34% của quĩ lương...

Thảo luận tại Hội nghị của Chính phủ về việc thực hiện các giải pháp hỗ trợ cho người dân gặp khó khăn do đại dịch COVID-19, bà Phạm Nguyên Hạnh, Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn Dệt may Việt Nam (Vinatex) nhận định, chính sách hỗ trợ của Chính phủ là rất tốt với doanh nghiệp, theo Báo Chính phủ.

Cụ thể, Chính phủ cũng liên tiếp ban hành các Nghị định 40 qui định chi tiết thi hành một số điều của Luật Đầu tư công, tháo gỡ nhiều vướng mắc trong thực thi luật; Nghị định số 41 gia hạn thời hạn nộp thuế và tiền thuê đất có hiệu lực thi hành từ ngày ban hành, 8/4/2020.

Theo bà Hạnh, đối với doanh nghiệp lúc này, giảm được áp lực bất cứ dòng tiền ra nào đều vô cùng quan trọng đối với sự sống còn của họ.

Chính sách gia hạn thời hạn nộp thuế và tiền thuê đất khi được ban hành sẽ giúp doanh nghiệp có được một nguồn tài chính để góp phần giữ chân, chăm sóc đội ngũ lao động, có được mức lương tối thiểu trong thời gian thiếu việc làm, giúp họ nuôi được gia đình, cầm cự trả tiền thuê nhà, các chi phí khác trong sinh hoạt.

Tất cả những nguồn hỗ trợ đều dành cho người lao động, bởi đây mới chính là giá trị cốt lõi của các doanh nghiệp.

Tuy nhiên, bà Hạnh cũng kiến nghị, với doanh nghiệp dệt may thì quan trọng nhất là hoãn đóng bảo hiểm xã hội, phí công đoàn, bảo hiểm thất nghiệp vì chi phí này lên tới 34% của quĩ lương (mà quĩ lương chiếm 60% chi phí doanh nghiệp may). Nên tỉ trọng chi đóng bảo hiểm xã hội, phí công đoàn, bảo hiểm thất nghiệp lên tới 20% tổng chi phí toàn doanh nghiệp.

Đây cũng là nội dung kiến nghị trong công văn mới nhất của Hiệp hội Dệt may Việt Nam trình Thủ tướng Chính phủ, khi cho biết dịch bệnh bùng nổ tại Mỹ và EU khiến nhu cầu nhập hàng từ 2 thị trường này sụt giảm đột ngột, đồng thời cắt đứt đầu ra của toàn ngành.

Trước tác động nghiêm trọng này hiệp hội đã kiến nghị Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Thủ tướng và các bộ ngành có giải pháp cấp thiết để hỗ trợ các doanh nghiệp.

Cụ thể, về bảo hiểm xã hội, trước mắt cho phép doanh nghiệp và người lao động ngừng đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp và tùy theo tình hình tác động của dịch bệnh xin miễn đóng với mức tương ứng.

Dùng tiền kết dư của quĩ bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp hỗ trợ 50% tiền lương ngừng việc cho người lao động, 50% còn lại doanh nghiệp tự lo. Đồng thời dùng tiền kết dư quĩ bảo hiểm xã hội và bảo hiểm thất nghiệp cho doanh nghiệp vay không lấy lãi đế chi trả các chi phí cho người lao động...

Bên cạnh đó, giảm tỉ lệ đóng của người sử dụng lao động và người lao động vào quĩ bảo hiểm thất nghiệp từ 1% xuống 0,5%; miễn kinh phí công đoàn cho các doanh nghiệp và phí công đoàn cho người lao động trong năm 2020.

Về vấn đề thuế, các hiệp hội cũng kiến nghị cho phép chậm nộp thuế thu nhập doanh nghiệp 2019 đến hết 2020 và không tính lãi chậm nộp. Còn thuế VAT, cần hoãn thuế VAT cho các doanh nghiệp trong năm 2020 và không tính lãi nộp chậm. Các doanh nghiệp cũng kiến nghị về miễn kinh phí công đoàn cho doanh nghiệp và phí công đoàn cho người lao động trong năm 2020....

Theo số liệu từ Tổng cục Thống kê, kim ngạch xuất khẩu dệt may trong 3 tháng đầu năm 2020 ghi nhận sự suy giảm rõ rệt.

Cụ thể, kim ngạch xuất khẩu dệt may quí I/2020 đạt gần 6,5 tỉ USD, giảm 9% so với cùng kì. Tính riêng trong tháng 3/2020, kim ngạch xuất khẩu dệt may ước đạt 1,8 tỉ USD, giảm tới 29%.

Dưới sự tác động của dịch COVID-19, đây là mức giảm không nằm ngoài dự đoán. Sự lây lan mạnh mẽ của dịch bệnh ở các nước đối tác thương mại hàng đầu của Việt Nam như Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản, EU và Mỹ đã ảnh hưởng không nhỏ đến kim ngạch xuất, nhập khẩu của nhiều mặt hàng, trong đó có dệt may.

Như Huỳnh