|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Thời sự

Sách trắng Doanh nghiệp VN 2019: DN nhà nước tạo lợi nhuận thấp nhất, thu nhập lao động cao nhất

15:14 | 24/07/2019
Chia sẻ
Năm 2017, tổng doanh thu thuần của khu vực DNNN đạt 3,1 triệu tỉ đồng, tổng lợi nhuận đạt 200,9 nghìn tỉ đồng. Cả doanh thu và lợi nhuận đều thấp hơn đáng kể so với khối DN ngoài nhà nước và DN FDI, tuy nhiên thu nhập bình quân tháng một lao động lại cao nhất với 11,91 triệu đồng.

Bộ Kế hoạch và Đầu tư vừa công bố công khai ấn phẩm Sách trắng Doanh nghiệp Việt Nam năm 2019 trên trang thông tin của Bộ và Tổng cục Thống kê.

dn

Năm 2018, cứ 100 doanh nghiệp thành lập mới có tới 80 doanh nghiệp "chết" sau đó.

Bộ này cho biết, bản in ấn phẩm Sách trắng doanh nghiệp Việt Nam năm 2019 sẽ phát hành vào ngày 1/8 tới đây.

Doanh nghiệp nhà nước mang về lợi nhuận thấp nhất, thu nhập bình quân tháng của người lao động cao nhất

Theo Sách trắng Doanh nghiệp Việt Nam năm 2019, năm 2017, tổng doanh thu thuần của toàn bộ doanh nghiệp đang hoạt động có kết quả sản xuất kinh doanh đạt 20,66 triệu tỉ đồng, tăng 18,5% so với năm 2016, tăng cao hơn tốc độ tăng nguồn vốn của doanh nghiệp (tăng 17,5%).

Theo loại hình doanh nghiệp, tổng doanh thu thuần của khu vực doanh nghiệp ngoài nhà nước năm 2017 đạt 11,7 triệu tỉ đồng, chiếm 56,8% doanh thu thuần của toàn bộ khu vực doanh nghiệp, tăng 20,2% so với năm 2016.

doanh thu2

Nguồn: Sách trắng doanh nghiệp Việt Nam năm 2019.

Tổng doanh thu thuần của khu vực doanh nghiệp FDI đạt 5,8 triệu tỉ đồng, chiếm 28,1%, tăng 20,6%; khu vực doanh nghiệp nhà nước đạt 3,1 triệu tỉ đồng, chiếm 15,1%, tăng 9,1%.

Bình quân giai đoạn 2016-2017 mỗi năm doanh nghiệp tạo ra 19,1 triệu tỉ đồng doanh thu thuần, tăng 53,3% so với bình quân giai đoạn 2011-2015.

Về lợi nhuận, tổng lợi nhuận trước thuế của khu vực doanh nghiệp năm 2017 đạt 876,7 nghìn tỉ đồng, tăng 23,1% so với năm 2016.

Tính theo loại hình doanh nghiệp, năm 2017 khu vực doanh nghiệp nhà nước tạo ra 200,9 nghìn tỉ đồng lợi nhuận, chiếm 22,9%, tăng 1,8% (trong đó khu vực doanh nghiệp 100% vốn nhà nước tạo ra 124,9 nghìn tỉ đồng, chiếm 14,2%, tăng 10,1%).

loi nhuan

Nguồn: Sách trắng doanh nghiệp Việt Nam năm 2019.

Khu vực doanh nghiệp ngoài nhà nước tạo ra 291,6 nghìn tỉ đồng lợi nhuận, chiếm 33,3%, tăng 55%.

Khu vực doanh nghiệp FDI tạo ra 384,1 nghìn tỉ đồng lợi nhuận, chiếm 43,8%, tăng 17,6% so với năm ngoái.

Bình quân giai đoạn 2016-2017 mỗi năm doanh nghiệp tạo ra 794,3 nghìn tỉ đồng lợi nhuận trước thuế, tăng 73,4% so với mức lợi nhuận thu được bình quân giai đoạn 2011-2015.

Sách trắng doanh nghiệp năm 2019 cũng cho thấy, thu nhập bình quân tháng của một lao động tại các doanh nghiệp đang hoạt động có kết quả SXKD năm 2017 đạt 8,3 triệu đồng, tăng 10,1% so với năm 2016.

Theo loại hình doanh nghiệp, khu vực doanh nghiệp nhà nước có mức thu nhập bình quân tháng một lao động trong năm 2017 đạt cao nhất với 11,91 triệu đồng, tăng 4,4% so với năm 2016 (trong đó, khu vực doanh nghiệp 100% vốn nhà nước đạt 11,35 triệu đồng, tăng 0,8%).

Khu vực doanh nghiệp FDI có mức thu nhập bình quân tháng một lao động đạt 9,04 triệu đồng, tăng 6,2%.

Khu vực doanh nghiệp ngoài nhà nước mặc dù có mức thu nhập của người lao động thấp nhất trong 3 loại hình doanh nghiệp năm 2017 với 7,37 triệu đồng nhưng là khu vực có tốc độ cải thiện thu nhập cho người lao động nhanh hơn, tăng 15,1% so với năm 2016.

Cứ 100 doanh nghiệp thành lập mới có tới 80 doanh nghiệp "chết" 

Sách trắng doanh nghiệp Việt Nam năm 2019 cũng cho thấy, năm 2018, cả nước có số doanh nghiệp thành lập mới đạt kỷ lục cao nhất từ trước đến nay với 131.275 doanh nghiệp, tăng 3,5% so với năm 2017. 

Cũng trong năm này, tổng số doanh nghiệp tạm ngừng hoạt động, chờ giải thể và giải thể của cả nước là 106.965 doanh nghiệp, chiếm tới hơn 80% số doanh nghiệp thành lập mới.

Năm 2018, 5 tỉnh, thành tập trung nhiều doanh nghiệp thành lập mới nhất bao gồm: TP HCM với 43.230 doanh nghiệp (chiếm 32,9% số doanh nghiệp thành lập mới của cả nước); Hà Nội với 25.231 doanh nghiệp (chiếm 19,2%); Bình Dương 5.923 doanh nghiệp (4,5%); Đà Nẵng 4.474 doanh nghiệp (3,4%); Đồng Nai 3.549 doanh nghiệp (2,7%).

Về số doanh nghiệp quay trở lại hoạt động sản xuất kinh doanh, Hà Nội và TP. HCM tiếp tục đứng đầu với 10.336 doanh nghiệp tại TP. HCM, (tăng 28,3%) và 6.470 doanh nghiệp tại Hà Nội (tăng 36%).

Mặc dù có số doanh nghiệp thành lập mới lớn nhất nước song Hà Nội và TP HCM cũng là hai địa phương đứng đầu về số doanh nghiệp tạm ngừng kinh doanh và giải thể năm 2018.

Cụ thể, TP. HCM có số doanh nghiệp thông báo tạm ngừng hoạt động lớn nhất với 7.130 doanh nghiệp (chiếm 26,3%); số doanh nghiệp giải thể năm 2018 là 4.168 doanh nghiệp.

Hà Nội có 5.732 doanh nghiệp thông báo tạm ngừng hoạt động (chiếm 21,1%, đứng thứ 2); 1.698 doanh nghiệp đăng ký giải thể trong năm qua.

Mời quý độc giả tham khảo nội dung đầu đủ của ấn phẩm Sách trắng Doanh nghiệp Việt Nam năm 2019 do Bộ Kế hoạch và Đầu tư công bố dưới đây.

Khánh Hà