Sẽ có Sách trắng về phát triển doanh nghiệp từ năm 2019
Sẽ công bố Sách trắng về phát triển doanh nghiệp vào ngày 13/10 hằng năm
Sáng 13/10, tại trụ sở Chính phủ, Phó Thủ tướng Chính phủ Vương Đình Huệ đã chủ trì họp báo công bố Bộ chỉ tiêu đánh giá mức độ phát triển doanh nghiệp cả nước và các địa phương năm 2017.
Đây là năm đầu tiên Bộ chỉ tiêu này được công bố vào đúng ngày Doanh nhân Việt Nam 13/10. Trong phát biểu khai mạc họp báo, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ cho biết, việc công bố bộ chỉ tiêu đánh giá mức độ phát triển doanh nghiệp cả nước và các địa phương sẽ là sự kiện thường niên được tổ chức nhân ngày Doanh nhân Việt Nam hằng năm.
Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ tin tưởng, việc công bố bộ chỉ tiêu sẽ đưa ra được bức tranh toàn cảnh về tình hình phát triển doanh nghiệp Việt Nam; giúp các địa phương thấy rõ mình đang nằm ở đâu trên bản đồ phát triển doanh nghiệp Việt Nam.
Theo Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ, để thực hiện một cách hiệu quả bộ chỉ số phát triển doanh nghiệp này, Chính phủ đã giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư phối hợp cùng VCCI để xây dựng và công bố bộ chỉ số này. Cùng với các chỉ số đã có ví dụ như PAPI và PCI thì bộ chỉ số này giúp Chính phủ, các cấp chính quyền địa phương biết được tình hình chung và trình độ phát triển... của doanh nghiệp tại từng địa phương, và để từng địa phương biết được doanh nghiệp của địa phương mình đang ở đâu trên bản đồ doanh nghiệp Việt Nam.
Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ chủ trì cuộc họp báo sáng 13/10 |
Tuy nhiên, Phó Thủ tướng cũng lưu ý, khác với chỉ số PAPI và PCI, bộ chỉ số phát triển doanh nghiệp không thể so sánh chỉ số phát triển giữa doanh nghiệp tỉnh Bắc Kạn với doanh nghiệp tại TP.HCM, thay vào đó lấy tiêu chí của bộ chỉ số này để so sánh về sự phát triển của doanh nghiệp tỉnh đó so với năm trước, hoặc so sánh giữa các tỉnh trong cùng một khu vực điều kiện phát triển, hoặc đánh giá tổng lợi nhuận mà doanh nghiệp mang lại cho địa phương và tổng tiền lương doanh nghiệp đã trả cho người lao động.
Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ cũng cho biết, từ năm 2019, bộ chỉ số về phát triển doanh nghiệp sẽ được công bố hằng năm vào đúng ngày 13/10 hàng năm cùng với “Sách trắng về phát triển doanh nghiệp”.
4 giải pháp phát triển doanh nghiệp
Theo số liệu từ Tổng cục Thống kê, hiện nay khu vực doanh nghiệp đóng góp lớn nhất vào quy mô phát triển của nền kinh tế, chiếm 60% GDP toàn bộ nền kinh tế. Trong những năm qua dưới sự chỉ đạo sát sao và hiệu quả của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ khu vực doanh nghiệp đã phát triển nhanh chóng. Bình quân giai đoạn 2010-2017, số doanh nghiệp thực tế hoạt động tăng 10,5%/năm, số lao động thu hút làm việc trong khu vực doanh nghiệp tăng 5,9%/năm, vốn sản xuất kinh doanh tăng 15,4%/năm, doanh thu tăng 15,6%/năm, lợi nhuận tăng 13,7% và đóng góp cho ngân sách Nhà nước tăng 12,4%/năm.
Để khu vực doanh nghiệp tiếp tục giữ vai trò quan trọng trong tăng trưởng nhanh và bền vững của nền kinh tế đồng thời thực hiện 3 khâu đột phá chiến lược (phát triển kết cấu hạ tầng đồng bộ; xây dựng thể chế, cải cách hành chính và phát triển nguồn nhân lực), Bộ Kế hoạch và Đầu tư đề xuất Chính phủ, các Bộ ngành và địa phương cần khẩn trương nghiên cứ và thực hiện đồng bộ 4 giải pháp.
Một là, rà soát, bổ sung và hoàn thiện thể chế, khẩn trương cắt giảm thực chất điều kiện kinh doanh đang là rào cản đối với hoạt động của doanh nghiệp và cơ sở kinh doanh cá thể; đẩy mạnh cải cách hành chính, thực thi hiệu quả thủ tục một cửa tạo môi trường kinh doanh thuận lợi cho doanh nghiệp thành lập và phát triển, đồng thời cũng ra soát các thủ tục liên quan đến giải thể, phá sản doanh nghiệp đảm bảo nhanh và hiệu quả, với số lượng 5,1 triệu cơ sở sản xuất kinh doanh cá thể, thu hút 8,7 triệu lao động, Chính phủ cần có chính sách và giải pháp phù hợp để khuyến khích các cơ sở kinh doanh cá thể chuyển thành doanh nghiệp; tạo dựng điều kiện kinh doanh thuận lợi cho các cơ sở các thể kinh doanh ổn định, tuân thủ pháp luật và lâu dài.
Hai là, nâng cao năng lực cạnh tranh của khu vực doanh nghiệp trong nước bằng thực hiện đồng bộ các giải pháp trong đó tập trung trước mắt vào đầu tư xây dựng hạ tầng góp phần giảm chi phí cho doanh nghiệp; đẩy mạnh nghiên cứu khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo, hình thành các trung tâm nghiên cứu và đổi mới sáng tạo để chuyển giao công nghệ cho khu vực doanh nghiệp.
Ba là, trong tiến trình vận hành rất nhanh của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, với phương thức sản xuất thay đổi, sản phẩm ngày hôm nay là hiện đại được ưa chuộng nhưng 10 năm sau không còn được sử dụng; với hiệu quả của doanh công nghiệp cao, Chính phủ cần nghiên cứu thấu đáo nội hàm của Cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 từ đó có định hướng, tạo điều kiện cho doanh nghiệp tiếp cận tài chính, tín dụng có chính sách thuế khuyến khích cho doanh nghiệp tiếp cận tài chính, tín dụng và có chính sách khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào công nghệ, đổi mới sáng tạo, nâng cao chất lượng sản phẩm và sức cạnh tranh của khu vực doanh nghiệp trong nước.
Bốn là, với tầm quan trọng và hiệu quả của khu vực doanh nghiệp FDI, trong bối cảnh trỗi dậy của chủ nghĩa bảo hôn và tác động mạnh mẽ của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 làm thay đổi phương thức và chuyển đổi địa điểm sản xuất trở lại các quốc gia sản sinh ra công nghệ, Chính phủ cần khai thác cơ hội của Cách mạng công nghiệp 4.0, xu hướng chuyển dịch dòng vốn quốc tế, các hình thức đầu tư mới để tạo dựng tối đa lợi thế của Việt Nam chủ động thu hút các nhà đầu tư nước ngoài hàng đầu thế giới, từ các nước nắm giữ công nghệ nguồn, có năng lực quản trị hiện đại, năng lực cạnh tranh cao để đầu tư vào Việt Nam. Chính phủ có chiến lược và giải pháp khuyến khích, thúc đẩy và hỗ trợ doanh nghiệp trong nước liên doanh, liên kết, chuyển giao công nghệ với doanh nghiệp FDI, đẩy mạnh công nghiệp phụ trợ để doanh nghiệp Việt Nam tham gia vào chuỗi liên kết của doanh nghiệp FDI.
Theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, nền kinh tế có đứng vững, phát triển thành công trong xu thế của Cách mạng công nghiệp 4.0 phụ thuộc vào chất lượng nguồn nhân lực và đội ngũ lao động có trình độ, biết đổi mới sáng tạo, biết đưa ra ý tưởng. “Chính phủ cần đổi mới phương thức, chương trình đào tạo, kết hợp giữa lý thuyết và thực hành gắn với Cách mạng công nghiệp 4.0. Đây cũng là nhiệm vụ để thực hiện 3 khâu then chốt của nền kinh tế: Đổi mới thể chế, xây dựng cơ sở hạ tầng và nguồn nhân lực”, Bộ Kế hoạch và Đầu tư nêu rõ.