Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ đề nghị làm Sách trắng hợp tác xã
Ngày 15-7, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ đã chủ trì cuộc họp Thường trực của các Ban chỉ đạo liên quan chuẩn bị tổng kết 15 năm thực hiện Nghị quyết số 13 của Trung ương về kinh tế tập thể, sơ kết 5 năm Nghị quyết số 30 của Trung ương và Nghị định 118/2014 về sắp xếp, đổi mới, nâng cao hoạt động của các công ty nông lâm nghiệp và tổng kết 10 năm xây dựng nông thôn mới trong năm 2019.
Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ - Ảnh: Thành Chung
Theo Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ, Bộ Chính trị đã giao cho Chính phủ tổng kết 15 năm thực hiện 2 nghị quyết và nghị định trên. Cùng với đó, Chính phủ cũng tiến hành tổng kết 10 năm thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới tại tỉnh Nam Định vào cuối năm 2019.
Phó Thủ tướng cho biết kết quả hiện nay đã khác khi trên 50% tổng số hợp tác xã (HTX) hoạt động hiệu quả và cả nước đã có hơn 14.700 HTX (mục tiêu tới 2020 là cả nước có 15.000 HTX).
"Nếu khoán 10 đi vào kinh tế hộ đã thay đổi đời sống nông thôn nhưng bây giờ vai trò của kinh tế hộ đã tới hạn, nếu chỉ dựa vào kinh tế hộ thì động lực giải phóng sức sản xuất ở nông thôn còn hạn chế và phải dựa vào HTX kiểu mới.
HTX kiểu mới không triệt tiêu kinh tế hộ mà lấy kinh tế hộ để gia tăng giá trị" – Phó Thủ tướng nhận định.
Phó Thủ tướng cũng đề nghị các bộ, ngành, địa phương làm rõ mô hình, tính pháp lý và cơ chế để HTX thành lập doanh nghiệp trực thuộc, giải quyết dứt điểm các vấn đề nợ khê đọng của HTX kiểu cũ, cơ chế và chế độ Bảo hiểm Y tế cho cán bộ HTX...
Đáng chú ý, Phó Thủ tướng đề nghị Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH-ĐT) phối hợp cùng Liên minh HTX Việt Nam tiến hành xây dựng cuốn Sách trắng hợp tác xã.
Về Nghị quyết số 30 và Nghị định số 118 về sắp xếp nông lâm trường, đặt ra mục tiêu sau 5 năm thì cả nước cơ bản hoàn thành, trong đó tập trung vào 2 trọng điểm sắp xếp công ty nông lâm trường gắn với sắp xếp, rà soát đất đai, giải quyết đất ở, đất sản xuất cho đồng bào dân tộc thiểu số và tính phù hợp, hiệu quả của mô hình công ty lâm nghiệp TNHH hai thành viên đang có tín hiệu tích cực nhưng cũng vướng mắc khi giải quyết vấn đề sở hữu của nhà nước và kêu gọi nhà đầu tư chiến lược.
Phó Thủ tướng cũng nêu ra các vấn đề về cổ phần hoá các công ty nông lâm trường và các hình thức người dân góp vốn vào công ty này bằng quyền sử dụng đất với các mô hình phân chia lợi nhuận rất khác nhau, cần được đánh giá thấu đáo.
Trước đó, ngày 10-7, Bộ KH-ĐT đã lần đầu tiên công bố Sách trắng doanh nghiệp Việt Nam 2019. Nội dung Sách trắng doanh nghiệp 2019 gồm những thông tin cơ bản đánh giá mức độ phát triển của doanh nghiệp cả nước và các địa phương giai đoạn 2016 - 2018.
Bộ trưởng Bộ KH-ĐT Nguyễn Chí Dũng đánh giá Sách trắng doanh nghiệp năm 2019 sẽ giúp các cơ quan hoạch định chính sách, chiến lược, kế hoạch phát triển bền vững và hiệu quả khối doanh nghiệp trên phạm vi cả nước và từng địa phương.
Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ nhấn mạnh, các địa phương sử dụng thông tin từ cuốn sách để đánh giá đúng thực chất những điểm mạnh, điểm yếu trong phát triển doanh nghiệp trên địa bàn, đề xuất các giải pháp, chính sách, chiến lược phát triển doanh nghiệp của địa phương hiệu quả và bền vững.
"Những địa phương có thứ hạng thấp trong phát triển doanh nghiệp hằng năm cần nghiêm túc kiểm điểm, tìm ra các nguyên nhân, đồng thời đề xuất các chính sách, giải pháp, kế hoạch nhằm hỗ trợ thực chất doanh nghiệp tháo gỡ khó khăn, phát triển doanh nghiệp trên địa bàn hiệu quả hơn"- Phó Thủ tướng nhấn mạnh.
Theo nội sung Sách trắng doanh nghiệp năm 2019, đến thời điểm 31-12-2018, cả nước có 714.755 doanh nghiệp đang hoạt động, tăng 9,2% so với cùng kỳ năm trước. TP HCM đang dẫn đầu cả nước với 228.267 doanh nghiệp, ở vị trí thứ 2 là Hà Nội với 143.119 doanh nghiệp.
Ông Nguyễn Bích Lâm, Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê, cho biết Sách trắng doanh nghiệp 2019 cũng đưa ra những con số cụ thể về thu nhập trung bình một tháng của lao động tại doanh nghiệp. Theo đó, năm 2017 đạt 8,3 triệu đồng/tháng, tăng 10,1% so với năm 2016.
Khu vực dịch vụ có mức thu nhập bình quân một lao động một tháng năm 2017 đạt cao nhất với 9,4 triệu đồng, khu vực công nghiệp và xây dựng đạt 7,8 triệu đồng; khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản đạt mức thấp nhất trong các khu vực kinh tế với 5,2 triệu đồng.
Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê cho hay nếu xét theo địa phương thì thu nhập bình quân tháng của người lao động trong các doanh nghiệp năm 2017 cao nhất là Bà Rịa - Vũng Tàu với 10,4 triệu đồng, thứ 2 là TP HCM với 9,9 triệu đồng và Hà Nội xếp ở vị trí thứ 3 với 9,2 triệu đồng/tháng.