Sách trắng thương mại 36.000 chữ của Trung Quốc cáo buộc Mỹ 'bá quyền kinh tế'
Hàng hoá Mỹ bán ở tỉnh Quảng Đông, Trung Quốc chắc chắn sẽ bị ảnh hưởng bởi vòng đánh thuế mới nhất có hiệu lực từ ngày 24.9. Ảnh: Getty Images |
Trung Quốc lần đầu tiên công bố Sách Trắng về thương mại cáo buộc Mỹ “bá quyền kinh tế” đúng vào ngày các mức thuế trả đũa lẫn nhau giữa hai bên có hiệu lực.
Không kể phần mở đầu, Sách Trắng thương mại dài 36.000 chữ chia làm 6 phần, trong đó nhấn mạnh đến hợp tác đôi bên cùng thắng và cùng có lợi Trung - Mỹ trong thương mại, kinh tế; thực tiễn bảo hộ thương mại và “bắt nạt” thương mại của chính quyền Mỹ, đồng thời nêu rõ lập trường của Trung Quốc.
Theo Tân Hoa xã, Sách Trắng nói rằng 2 nước đang ở các giai đoạn phát triển khác nhau và có hệ thống kinh tế khác nhau, do đó sự va chạm thương mại là điều tự nhiên. Song, trên cơ sở tinh thần bình đẳng, hợp lý, hai nước đã thiết lập một số cơ chế giao tiếp và phối hợp như Uỷ ban Thương mại hỗn hợp, Đối thoại Chiến lược và Kinh tế, Đối thoại Kinh tế toàn diện…
Tuy nhiên, Sách Trắng cáo buộc chính quyền của Tổng thống Donald Trump, với chính sách “Nước Mỹ trên hết” đã từ bỏ các tiêu chuẩn cơ bản của sự tôn trọng lẫn nhau và tham vấn bình đẳng trong quan hệ quốc tế.
“Thay vào đó, họ rao giảng thô bạo chủ nghĩa đơn phương, bảo hộ và bá quyền kinh tế, đưa ra nhiều cáo buộc sai trái với nhiều quốc gia và khu vực, đặc biệt là Trung Quốc, đe doạ các nước khác thông qua trừng phạt kinh tế như áp đặt thuế quan và cố gắng đặt lợi ích của mình lên trên Trung Quốc thông qua việc gây áp lực tối đa”.
Cuộc chiến tranh thương mại Mỹ - Trung leo thang thêm một bước bắt đầu từ 04 giờ GMT ngày 24.9, khi mức thuế của Mỹ đánh vào 200 tỉ USD hàng Trung Quốc và thuế trả đũa của Bắc Kinh nhằm vào 60 tỉ USD hàng hoá Washington bắt đầu có hiệu lực.
Hồi đầu năm, 2 nước đã đánh thuế vào 50 tỉ USD hàng hoá của nhau. Nếu tiếp tục leo thang, Tổng thống Donald Trump sẽ thực hiện giai đoạn 3, đánh thuế tiếp vào 267 tỉ USD hàng hoá nữa của Trung Quốc.
Trước đó, hôm 22.9, Trung Quốc đã huỷ các cuộc đàm phán thương mại được lên kế hoạch vào cuối tháng 9 với Mỹ, đồng thời huỷ luôn chuyến đi Washington của Phó Thủ tướng Lưu Hạc trong tuần này. Cùng ngày, giới chức Mỹ xác nhận, chưa có ngày giờ nào cho vòng đàm phán tiếp theo.
Các nhà kinh tế cảnh báo rằng, tranh chấp thương mại kéo dài không chỉ ảnh hưởng đến tăng trưởng kinh tế ở Mỹ và Trung Quốc mà còn đến nền kinh tế toàn cầu. Những lo ngại về một cuộc đối đầu đã làm rung chuyển các thị trường tài chính.
Các sản phẩm của Trung Quốc bị đánh thuế gồm một loạt mặt hàng tiêu dùng, từ máy hút bụi, hải sản, đến các thiết bị kết nối Internet. Lần đánh thuế đầu tiên nhắm vào các sản phẩm công nghiệp. Ở chiều ngược lại, Trung Quốc đánh thuế nhắm vào khí tự nhiên hoá lỏng và máy bay của Mỹ.
Căng thẳng thương mại khiến mối quan hệ rộng hơn giữa Bắc Kinh và Washington cũng nóng lên ở những khía cạnh khác. Hôm 22.9, Trung Quốc triệu Đại sứ Mỹ ở Bắc Kinh và hoãn các cuộc đàm phán quân sự chung để phản đối việc Mỹ trừng phạt một đơn vị quân đội Trung Quốc và giám đốc cơ quan này về việc mua chiến đấu cơ và tên lửa đất đối không của Nga. Trung Quốc cũng triệu hồi tuỳ viên hải quân tại Mỹ về nước.