|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Thời sự

Thành tích dập dịch là bàn đạp thúc đẩy kinh tế Việt Nam hậu COVID-19

18:01 | 07/05/2020
Chia sẻ
Trong thương chiến Mỹ - Trung, Việt Nam trở thành điểm sáng, thu hút nhiều công ty nước ngoài dịch chuyển sản xuất từ Trung Quốc sang. Đến đại dịch COVID-19, Việt Nam tiếp tục tỏa sáng, trở thành một trong số ít các nước đã kiểm soát được tình hình. Hãng tin Nikkei nhận định chính phủ Việt Nam có thể tận dụng lợi ích đang có để củng cố, đưa nền kinh tế đi lên hậu COVID-19.

Ban đầu, Việt Nam được hưởng lợi lớn từ chiến tranh thương mại Mỹ - Trung khi hoạt động sản xuất từ đất nước tỉ dân lũ lượt kéo sang nước ta để tránh thuế quan trừng phạt của Mỹ.

Hiện tại, Việt Nam lại tránh được giai đoạn tồi tệ nhất của đại dịch COVID-19 khi chỉ ghi nhận 271 ca xác nhận dương tính và chưa có trường hợp tử vong nào.

Nikkei Asian Review đặt câu hỏi, liệu chính phủ Việt Nam có thể nắm bắt cơ hội lần này để phục hồi nền kinh tế phụ thuộc nhiều vào thương mại hay không?

Nikkei: Việt Nam nên lấy thành tích đáng khen ngợi trong đại dịch làm bàn đạp thúc đẩy kinh tế hậu COVID-19 - Ảnh 1.

Người dân dần trở lại nhịp sống cũ sau khi lệnh giãn cách được gỡ bỏ. (Ảnh: Reuters)

Trong thương chiến Mỹ - Trung, Việt Nam vừa may mắn vừa khôn ngoan. Nỗ lực mở cửa thị trường và bãi bỏ bớt qui định của chính phủ đáng được khen ngợi, góp phần thúc đẩy doanh nghiệp nước ngoài rời Trung Quốc chuyển sang Việt Nam.

Tuy nhiên, ý thức hệ và vị trí địa lí gần gũi của Việt Nam với Trung Quốc - nền kinh tế lớn nhất châu Á cũng góp sức mang lại thành công của nước ta. Việt Nam có nền kinh tế nhỏ hơn nhưng khá tương đồng với Trung Quốc và do vậy có thể thu hút Nike, Samsung và nhiều công ty đa quốc gia khác ưu tiên đặt cơ sở sản xuất.

Việt Nam tỏa sáng trong đại dịch

Trong đại dịch COVID-19, chính phủ Việt Nam đã giành được không ít lời khen ngợi từ nhiều tổ chức quốc tế cho phản ứng chống dịch và mở cửa nền kinh tế nhanh nhạy. Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) và Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Mỹ (CDC) là hai trong số các cơ quan đã tán dương Việt Nam thời gian qua.

Theo Nikkei, thành công của Việt Nam tương phản rõ nét với tình hình dịch bệnh ở các nước cùng khu vực Đông Nam Á như Indonesia và Singapore - hai nước đang vật lộn với làn sóng lây nhiễm thứ hai.

Tốc độ san phẳng đường cong đại dịch của Việt Nam cho thấy kĩ năng và tác phong nhanh nhẹn của chính phủ trong công tác phòng chống dịch bệnh. Ngay từ khi còn rất sớm, Việt Nam đã thực hiện nhiều biện pháp kiểm dịch nghiêm ngặt như cách li qui mô lớn, giãn cách xã hội,...

Không có ca tử vong nào ở một quốc gia 96 triệu dân là một kì tích, Nikkei viết. Trong khi Philippines - đất nước láng giềng có 105 triệu dân, đã báo cáo hơn 630 ca tử vong.

Một số người còn hoài nghi về thành tích chống dịch của Việt Nam vì tốc độ xét nghiệm chậm. Mặc dù vậy, Việt Nam vẫn nằm chung nhóm quốc gia và vùng lãnh thổ đã tạm thời kiểm soát được tình hình dịch bệnh tại châu Á như Hàn Quốc và Đài Loan - trái ngược hoàn toàn với hơn 1 triệu ca nhiễm của Mỹ.

Nikkei cho rằng Việt Nam không nên đánh mất lợi ích có được từ thương chiến trong thời kì hậu COVID-19. Nhà đầu tư, lãnh đạo doanh nghiệp và người dân thường đánh giá chính phủ dựa vào cách chèo chống đất nước vượt qua một cuộc khủng hoảng toàn cầu.

Việt Nam vẫn còn dư địa để củng cố tăng trưởng trong nước. Vào tháng 3 năm nay, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) đã giảm lãi suất điều hành từ 6% xuống còn 5%. Việt Nam có dư địa tài khóa để tài trợ cho các dự án cơ sở hạ tầng lớn, giúp tạo ra công ăn việc làm.

Vào cuối năm 2019, tỉ lệ nợ công trên GDP của Việt Nam là 38%, Fitch Ratings dự đoán tỉ lệ này có thể tăng lên 42,5% trong năm nay.

Sau đại dịch, Việt Nam có thể biến nguy thành cơ hay không?

Tuy nhiên, Nikkei nhận định đây chưa phải lúc để ăn mừng. Làn sóng suy thoái tấn công tăng trưởng kinh tế toàn cầu đang nhanh chóng lan đến Việt Nam. Quĩ Tiền tệ Quốc tế (IMF) dự đoán năm nay kinh tế Việt Nam sẽ tăng trưởng 2,7%, chưa bằng một nửa so với mức 7% trong năm 2018 và 2019.

GDP của Việt nam có thể dễ dàng tăng trưởng âm khi nhu cầu hàng hóa từ Mỹ, Trung Quốc, Nhật Bản và châu Âu đi xuống. Hoạt động du lịch - thường chiếm khoảng 10% GDP, cũng đang chững lại.

Tuy nhiên, có một yếu tố sẽ tác động mạnh nhất đến nền kinh tế định hướng xuất khẩu của Việt Nam. Quá trình phục hồi của nền kinh tế toàn cầu dường như còn khá xa xôi khi top 10 nền kinh tế lớn nhất thế giới còn đang vật lộn trong đại dịch. Ngoài ra, 10 nền kinh tế này nhiều khả năng sẽ thực thi các chính sách bảo hộ lớn hơn trong một năm tới.

Tổng thống Mỹ Donald Trump đang đe dọa áp thuế quan trừng phạt đối với Bắc Kinh vì phản ứng kiểm soát đại dịch của đất nước tỉ dân. Ông Trump dường như cũng đang xem xét tuyên bố vỡ nợ trái phiếu Kho bạc Mỹ do Bắc Kinh nắm giữ.

Bất ổn mà cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung 2.0 tạo ra sẽ gây hại cho Việt Nam, dù chính phủ vẫn có một số tấm đệm để chống đỡ như khoản dự trữ ngoại hối kỉ lục 84 tỉ USD.

Tuy nhiên, Việt Nam sẽ thua thiệt nếu không nhanh chóng củng cố hệ thống ngân hàng, đa dạng hóa nền kinh tế (bên cạnh hoạt động xuất khẩu), đầu tư thêm cho giáo dục và đào tạo để gia tăng năng suất làm việc. Ngoài ra, Việt Nam nên thu hẹp khu vực nhà nước nhằm tạo điều kiện cho các công ty khởi nghiệp bật lên.

Dù vậy rủi ro vẫn tồn tại. Tác động của đại dịch có thể hạn chế các nguồn lực cần thiết để chính phủ Việt Nam thực hiện các cải cách kinh tế lớn nhằm tăng gia trò của khu vực tư nhân cũng như xây dựng ngành dịch vụ trong nước lớn mạnh hơn.

Một khảo sát do Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam thực hiện hồi tháng 4 cho thấy 60% doanh nghiệp đang bị thiếu vốn đầu tư và sụt giảm dòng tiền. Ít nhất 35.000 doanh nghiệp "rút lui khỏi thị trường" trong quí I năm nay. Lần đầu tiên sau nhiều thập kỉ, nghiên cứu của Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) cho thấy số lượng công ty đóng cửa vượt qua số mở mới.

Trong một bối cảnh u ám như hiện nay, Việt Nam có vẻ đang tỏa sáng thêm lần nữa. Tuy nhiên, để duy trì lợi thế này chính phủ cần bảo vệ sức khỏe của nền kinh tế một cách nhanh chóng và quyết đoán như khi chống dịch.

Yên Khê