Tài sản tài chính (Financial Assets) là gì? Đặc điểm
Hình minh họa. Nguồn: TraderViet
Khái niệm tài sản tài chính
Tài sản tài chính trong tiếng Anh goi là Financial Assets.
Tài sản tài chính là tài sản mà giá trị thực của nó không phụ thuộc vào giá trị vật chất của tài sản. Bất cứ một giao dịch tài chính nào cũng tạo ra các tài sản tài chính, nó đồng thời là một tích sản tài chính (trong quan hệ với người giữ nó) và là một tiêu sản tài chính (trong quan hệ với người kí phát) (Blake, 2001).
Tài sản tài chính có những đặc trưng:
- Tài sản tài chính thuộc dạng tài sản vô hình.
- Giá trị thực của tài sản tài chính không liên quan đến hình thức và tính chất vật chất của tài sản tài chính.
- Giá trị thực của tài sản tài chính phụ thuộc vào quyền hợp pháp về những lợi ích có được trong tương lai.
- Tài sản tài chính có thể chuyển nhượng mua bán trên thị trường tài chính.
Phân loại tài sản tài chính
Căn cứ vào thời hạn của các tài sản tài chính, chia thành:
Công cụ tài chính ngắn hạn
- Tín phiếu kho bạc
- Hợp đồng mua lại
- Dự trữ ngân hàng
Công cụ tài chính dài hạn
- Cổ phiếu
- Trái phiếu: Trái phiếu công ty, trái phiếu Nhà nước.
- Các công cụ phái sinh
Đặc điểm của tài sản tài chính
Tính thanh khoản
Tinh thanh khoản của một tài sản tài chính là sự dễ dàng trong quá trình chuyển tài sản đó sang tiền mặt trong một thời gian ngắn. Có 2 điều kiện để đảm bảo tính thanh khoản của mỗi tài sản tài chính:
- Việc chuyển đổi phải nhanh chóng.
- Phí tổn chuyển đổi phải thấp.
Như vậy, tài sản tài chính nào đòi hỏi nhiều thời gian và phí tổn để có thể chuyển đổi thành tiền tệ cao, có nghĩa là tài sản tài chính đó mang tính thanh khoản thấp.
Nó tùy thuộc vào 2 yếu tố:
- Thời gian từ lúc bán các tài sản tài chính để lấy lại tiền lâu hay mau
- Tùy theo chi phí giao dịch gồm tiền phí tổn trả cho các trung gian và sai biệt giá mua vào và giá bán ra.
Tính rủi ro
- Là những đe dọa về an toàn vốn và thu nhập đối với các nhà đầu tư vào tài sản tài chính.
- Rủi ro có thể gồm nhiều loại:
Rủi ro thanh toán xuất phát từ sự phá sản của các chủ thể phát hành các tài sản tài chính. Như vậy, các trái phiếu kho bạc, các chứng chỉ tiền gửi ngân hàng thường ít rủi ro không thanh toán hơn so với trái phiếu hoặc cổ phiếu công ty.
Rủi ro thị trường liên quan đến sự tăng giảm giá trị thị trường của các tài sản tài chính. Giá của các cổ phiếu, trái phiếu trên thị trường có thể lên xuống vì những thay đổi trong các dự đoán về lạm phát, về tình hình kinh doanh và những yếu tố khác.
Rủi ro lạm phát hay rủi ro về sức mua, xuất hiện trong giá trị của dòng tiền của các tài sản tài chính do lạm phát khi đo lường giá sức mua.
Tính sinh lợi
Là khả năng có thu nhập từ các tài sản tài chính mang lại cho nhà đầu tư.
Khi kinh doanh vàng bạc, bất động sản, nhà đầu tư chỉ trông đợi giá cả tăng lên để thu lợi nhuận. Trái lại, đầu tư vào cổ phiếu, nhà đầu tư không những được lợi khi giá cổ phiếu trên thị trường tăng cao hơn mệnh giá mà họ còn được chia cổ tức, hưởng lợi do giá trị cổ phiếu tăng khi tích lũi nội bộ của công ty tăng.
Tính thanh khoản và tính rủi ro có quan hệ ngược chiều nhau. Một tài sản tài chính càng có nhiều rủi ro càng ít tính thanh khoản và do đói mức lãi trả cho chứng khoán đó sẽ cao.
(Tài liệu tham khảo: Giáo trình Thị trường tài chính và các định chế tài chính, ĐH Ngân hàng TP. HCM, NXB Kinh tế TP. Hồ Chí Minh).