Suy nghiệm tổng bằng không (Zero-Sum heuristic) là gì?
Hình minh họa. Nguồn: Stockbook
Suy nghiệm tổng bằng không (Zero-Sum heuristic)
Định nghĩa
Suy nghiệm tổng bằng không trong tiếng Anh là Zero-Sum heuristic hay Zero-sum thinking.
Tên của suy nghiệm có tổng bằng không bắt nguồn từ tổng bằng không từ lí thuyết trò chơi. Nội dung cơ bản của trò chơi có tổng bằng không như sau:
Trò chơi có tổng bằng không là một tình huống trong lí thuyết trò chơi mà trong đó, những gì mà một người thắng được bằng đúng tổng thua lỗ của những người chơi khác. Nói cách khác, không thể xảy ra trường hợp hai người cùng thắng (được) hoặc cùng thua (mất).
Suy nghiệm tổng bằng không cho rằng con người luôn có xu hướng nghĩ rằng mọi thứ đều có đánh đổi, được thứ này mất thứ kia, nói cách khác khi cộng cái được và cái mất của một quyết định thì ta sẽ được tổng bằng không.
Một số ví dụ về trò chơi có tổng bằng không:
- Đánh cờ: người này thắng thì người còn lại chắc chắn thua, hoặc cả hai hòa và không ai được lợi thêm điều gì.
- Cá độ: tiền thắng cuộc của người này là tiền thua cuộc của người kia.
Chẳng hạn như suy nghiệm nếu sản phẩm ngon, bổ thì chắc chắn nó không rẻ; nếu ngon, rẻ thì chắc sẽ không bổ, còn nếu bổ, rẻ thì chúng lại không ngon. Được cái này mất cái kia!
Trường hợp đặc biệt
Cần lưu ý rằng, vẫn có trường hợp một quyết định không có tổng bằng không, ví dụ như vẫn có sản phẩm thực sự ngon, bổ, rẻ hay vừa chắc răng, vừa thơm miệng, nhưng người tiêu dùng vẫn không thể tin vào điều này.
Đối với những trường hợp người dùng khăng khăng quyết định đó có tổng bằng không, trong khi thực ra nó khác không, được gọi là thiên kiến tổng bằng không (Zero-sum bias).
Ứng dụng trong kinh doanh
- Những sản phẩm tập trung vào một đặc tính duy nhất sẽ được đánh giá cao hơn về đặc tính đó, do đó một doanh nghiệp cần tìm ra đặc tính nổi trội nhất trong những ưu điểm của sản phẩm rồi tập trung truyền tải thông tin về đặc tính này.
- Một chiến lược có thể dùng đến đó là giúp khách hàng tìm ra điểm tiêu cực của sản phẩm.
Ví dụ, bạn bán một chiếc Michael Kors, bạn phải chỉ ra rằng giá của chiếc đồng hồ này không rẻ nếu không khách hàng có thể nghi ngờ rằng đồng hồ đó là giả.
- Một phương pháp khác cũng hay được nhiều người sử dụng, đó là chỉ ra rằng bản thân đã bị rơi vào tình thế bắt buộc nên mới bán sản phẩm ngon, bổ, rẻ cho người khác.
(Tài liệu tham khảo: Hiệu ứng chim mồi, NXB Kinh tế TP. Hồ Chí Minh; Investopedia)