Sức khoẻ thương hiệu (Brand Health) là gì? Các thước đo kiểm định
Hình minh hoạ (Nguồn: rahbarbazaar)
Sức khoẻ thương hiệu
Khái niệm
Sức khoẻ thương hiệu trong tiếng Anh được gọi là Brand Health.
Sức khoẻ thương hiệu được định nghĩa là mức độ phủ sóng của những đặc tính nhất định của sản phẩm hay dịch vụ của công ty hay thương hiệu đến khách hàng, đặc biệt là mức độ được khách hàng cảm nhận của những đặc tính này về khía cạnh chất lượng cũng như sự hài lòng.
(Theo deloitte)
Sức khỏe thương hiệu đặc biệt cần thiết để đo lường sự hiệu quả của thương hiệu, từ đó giúp doanh nghiệp đạt được mục tiêu đã đề ra. Sự hiệu quả đó cũng có thể được đo lường bằng một số cách khác, ví dụ như:
Danh tiếng của thương hiệu
Mức độ nhận diện thương hiệu
Tài sản thương hiệu
Mức tương tác của người dùng
Định vị thương hiệu
(Theo brandwatch)
Khi đo lường giá trị tài sản thương hiệu, các doanh nghiệp cần đánh giá sức khoẻ thương hiệu hiện tại của doanh nghiệp. Kết quả đánh giá này sẽ giúp doanh nghiệp định hướng đầu tư cho các hoạt động marketing để duy trì và phát triển hình ảnh thương hiệu trên thị trường.
Các chỉ số
Các chỉ số về sức khoẻ thương hiệu thường bao gồm các thước đo xu hướng biến đổi trong các lĩnh vực như hành vi mua sắm của khách hàng, cảm nhận của khách hàng, hỗ trợ marketing và khả năng sinh lời.
Ngoài những xu hướng trong quá khứ, các nhà quản lí cũng có thể đánh giá để so sánh thành quả đạt được của thương hiệu của mình so với những thương hiệu cạnh tranh khác.
Khi sự lành mạnh của toàn bộ danh mục thương hiệu được đánh giá bằng cách sử dụng những tiêu chuẩn như nhau thì ban quản lí có được tổng quan tốt về sức khoẻ của tất cả các thương hiệu của toàn bộ đơn vị kinh doanh hay toàn bộ doanh nghiệp.
Các thước đo kiểm định sức khoẻ thương hiệu
Loại thước đo | Thước đo | Nội dung |
Việc mua sắm | Thị phần | Doanh số của thương hiệu này so với toàn bộ doanh số trên thị trường |
Chiều rộng thị trường | Số lượng khách hàng mua thương hiệu này | |
Chiều sâu thị trường | Mức độ mua lặp lại | |
Cảm nhận của khách hàng | Nhận biết | Mức độ nhận biết thương hiệu này |
Tính độc đáo | Thương hiệu này có được phân biệt so với các thương hiệu cạnh tranh | |
Chất lượng | Cảm nhận về chất lượng thương hiệu | |
Giá trị | Thương hiệu này có mang lại giá trị cao so với chi phí của khách hàng không | |
Hỗ trợ | Quảng cáo | - Thị phần/Tỉ phần quảng cáo |
Marketing | - Quảng cáo/Tổng chi tiêu Marketing | |
Phân phối | Mức độ bao phủ phân phối tại các cửa hàng mục tiêu. Đối với hàng bán lẻ, chất lượng của điểm trưng bày, đặc biệt là của các khách hàng quan trọng | |
Giá tương đối | Giá so với thương hiệu cạnh tranh | |
Khả năng sinh lời | Lợi nhuận | - Lợi nhuận biên thu được từ thương hiệu này - Giá trị kinh tế gia tăng (EVA) của thương hiệu này |
(Tài liệu tham khảo: Quản trị thương hiệu, Học viện Công nghệ Bưu chính Viễn thông)