|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Kiến thức Kinh tế

Quản trị đa văn hóa (Multicultural management) là gì?

13:04 | 17/10/2019
Chia sẻ
Quản trị đa văn hóa (tiếng Anh: Multicultural management) là việc nghiên cứu con người trong các tổ chức trên toàn thế giới, mô tả hành vi tổ chức thông qua các quốc gia và các nền văn hóa.
Quản trị đa văn hóa

Quản trị đa văn hóa

Khái niệm

Quản trị đa văn hóa trong tiếng Anh là Multicultural management.

Quản trị đa văn hóa được Adler định nghĩa như sau: 

"Nghiên cứu con người trong các tổ chức trên toàn thế giới, mô tả hành vi tổ chức thông qua các quốc gia và các nền văn hóa. Quan trọng hơn, nó nghiên cứu nhằm tìm hiểu và thúc đẩy mối quan hệ tương tác giữa các đồng nghiệp, khách hàng và đối tác đến từ các quốc gia và các nền văn hóa khác nhau.

Nó mở rộng phạm vi quản trị của các nhà quản trị doanh nghiệp từ trong nước tới phạm vi quốc tế, trong đó bao gồm cả sự đa dạng về văn hóa".

Sự cần thiết của quản trị đa văn hóa

Những tác động của sự đa dạng văn hóa đã và đang đặt ra yêu cầu đối với các nhà quản trị về tính cấp thiết trong việc nâng cao kiến thức và kinh nghiệm về hoạt động quản trị đa văn hóa như: 

Tìm hiểu, chuẩn bị và đưa ra các chính sách hợp lí để ngăn chặn hoặc giảm thiểu các tác động tiêu cực của các xung đột văn hóa trong hoạt động kinh doanh quốc tế; tạo điều kiện cho các chuyên gia, các kĩ thuật viên hoặc lao động nước ngoài làm quen và thích nghi được với nền văn hóa của quốc gia họ sang làm việc. 

Việc trang bị những kiến thức cần thiết về quản trị đa văn hóa giúp các doanh nghiệp có thêm nhiều cơ hội tích lũy kinh nghiệm về quản trị nguồn nhân lực đa dạng văn hóa một cách có hiệu quả, biến đặc điểm da dạng văn hóa thành nguồn lực và thế mạng của mình trong hoạt động kinh doanh quốc tế. 

Hiện nay, quản trị đa văn hóa được coi như chiến lược để giải quyết những mâu thuẫn do sự khác biệt văn hóa. 

Các nhân tố ảnh hưởng đến quản trị đa văn hóa

Sự khác biệt văn hóa

Khác biệt văn hóa là việc giữa hai hay nhiều nền văn hóa có những giá trị khác nhau, thậm chí trái ngược nhau tạo nên những nét riêng làm cho có thể phân biệt các nền văn hóa đó với nhau. 

Sự giao tiếp

Hiện nay, có ba xu hướng chủ yếu liên quan đế tầm quan trọng ngày càng cao của giao tiếp đa văn hóa:

Thứ nhất, thị trường toàn cầu hóa đồng nghĩa với việc môi trường làm việc ngày càng có nhiều người đến từ khắp nơi trên thế giới. 

Thứ hai, sự phát triển trong ngành giao thông - vận tải cũng như công nghệ thông tin làm cho khoảng cách trên thế giới trở nên nhỏ bé hơn và con người trở nên gắn bó hơn. 

Thứ ba, ngày càng có nhiều người nhập cư đến từ các nền văn hóa khác nhau, làm thay đổi hình thái của lực lượng lao động của một quốc gia. 

Sốc văn hóa

Sốc văn hóa là tình trạng tinh thần và thể chất tác động tới một người khi mọi thứ trước kia từng quen thuộc với họ như ngôn ngữ, thức ăn, tiền tệ, các giá trị,... đột nhiên biến mất bởi vì anh ta đã đi tới một nền văn hóa mới. 

(Theo Giáo trình Quản trị kinh doanh, NXB Đại học Kinh tế quốc dân)