Shark Tank Việt Nam: Lời gọi vốn bất thành của kỹ sư ‘Lưu Bị tìm quân sư’
Dấm gạo Thủy Tâm nhận 4 tỷ đồng sau Shark Tank Việt Nam |
Xuất hiện trong chương trình Shark Tank Việt Nam tập 8 vào tối 22/8, người sáng lập Công ty TNHH Thiết bị bọt tuyết An Thịnh Phát mở đầu màn giới thiệu sản phẩm bằng đoạn nhạc du dương cùng hình ảnh người đẹp ngâm cơ thể trong bồn tắm.
Là kỹ sư từng làm việc trong các doanh nghiệp nước ngoài như Mitsubishi, Sielmen, Nguyễn Trường Sơn, ông chủ của An Thịnh Phát, bắt đầu giấc mơ khởi nghiệp ở cái tuổi không còn trẻ. Với niềm đam mê sáng tạo, ông khởi nghiệp từ hai sản phẩm: máy tắm tạo bọt tuyết và bình xịt nano bạc tẩy rửa các vật dụng.
Ông Sơn kêu gọi 5 tỷ đồng cho 15% cổ phần của An Thịnh Phát.
|
Về sản phẩm bình xịt bọt tuyết, ông Sơn nhập khẩu chất tẩy rửa từ Châu Âu và nano bạc là công nghệ diệt khẩu an toàn cho người dùng, do một người bạn của ông sản xuất ra và đã được kiểm nghiệm ở Trường Đại học Tổng hợp. Ông nói bọt tuyết giãn nở 40 lần nên khi dùng đỡ hao, và cùng với lực khí đẩy ra giúp bám chặt và đẩy chất bẩn ra. Hiện, công ty của ông mới chỉ sản xuất thử 1.800 sản phẩm và bán ra 500 sản phẩm.
Thành lập từ tháng 3/2017, An Thịnh Phát đang tập trung nghiên cứu phát triển sản phẩm mới. Ông Sơn thừa nhận công ty còn đang quá nhỏ và chưa thể nghiên cứu thị trường. Chính ông tự tiếp thị và giới thiệu sản phẩm.
Sản phẩm bình xịt bọt tuyết của An Thịnh Phát sẽ cạnh tranh với các sản phẩm bình xịt bọt tuyết nhập khẩu từ Trung Quốc, Thái Lan, Hàn Quốc. Các sản phẩm nhập khẩu có mức giá 150.00 - 300.000 đồng. Tuy nhiên, mức giá do công ty An Thịnh Phát sản xuất tới tay người dùng chỉ 65.000 sản phẩm, chưa bằng một nửa so với các sản phẩm nhập khẩu.
Giá vốn của sản phẩm bình bọt tuyết của An Thịnh Phát chiếm hơn 46% doanh thu (giá vốn là 30.000 đồng mỗi sản phẩm).
Trước những con số mà kỹ sư Sơn đưa ra, doanh nhân Phú lắc đầu và khuyên ông xem xét lại mức giá đầu ra. Theo ông, mức giá vốn chỉ nên chiếm 30% và nếu giữ nguyên giá hiện tại, công ty không thể nào hoà vốn được. Đồng ý với shark Phú, ông Hưng cho rằng với mức giá bán ra thấp như vậy.
“Bác tự tay bóp chết những người ở khâu phân phối. Làm như vậy kênh phân phối bị khoá ngay lập tức", ông Hưng nói.
Mang tâm lý "Lưu Bị tìm quân sư"
Về câu chuyện định giá công ty, với lời gọi vốn 5 tỷ đồng cho 15% cổ phần công ty, các “cá mập” thắc mắc về căn cứ mà kỹ sư Sơn định giá công ty hơn 30 tỷ đồng.
“Tôi tới đây không để bán công ty, việc định giá sẽ tính sau. Một bên có của, một bên có công. Các shark có tiềm lực về tài chính, còn tôi có công nghệ, bí quyết, sáng chế, công sức, ông khẳng định.
Thừa nhận việc định giá công ty thường dựa trên phương pháp chiết khấu dòng tiền (DCF), nhưng ông Sơn cho rằng các nhà đầu tư nên cân nhắc lại tiền đề của phương pháp này vì An Thịnh Phát vẫn đang trong giai đoạn tăng tốc.
“Tóm lại, bác không có căn cứ định giá công ty. Chúng tôi là nhà đầu tư, chúng tôi không có thời gian tìm hiểu sâu kỹ sản phẩm, và thông thường đầu tư dựa trên việc tính toán của startup có hợp lý hay không và khoản đầu tư có thể thu hồi vốn được", ông Phú bình luận.
Nữ doanh nhân Thái Vân Linh cho rằng, để đánh giá công ty, startup có thể đưa ra những con số đã thực hiện được. Trong trường hợp này, bà khuyên ông Sơn đưa ra kế hoạch để chứng minh khả năng.
"Hai sản phẩm bình xịt tuyết và máy bọt tuyết để tắm rất khác nhau về phân khúc khách hàng. Cách bán hàng và chăm sóc khách hàng cũng khác nhau. Nguồn lực lại đang giới hạn, tại sao bác chọn song song hai sản phẩm?", ông Dũng đặt câu hỏi.
Kỹ sư Sơn nhận định một mũi giáo muốn đâm thủng cái khiên thì phải có mũi nhọn. Đầu tiên, công ty sẽ bắt đầu bằng việc bán bình xịt tuyết trước và máy tạo bọt tuyết sẽ là sản phẩm cho hành trình dài hơi sau này.
"Rất nhiều startup hiểu lầm và kỳ vọng vào nhà đầu tư để họ làm thay cho mình. Các nhà đầu tư là người săn tìm các startup có khả năng vận hành công ty tăng trưởng trong tương lai. Đưa tiền vào đầu tư, họ kỳ vọng họ sẽ kiếm được 5 lần, 10 lần hay hàng ngàn lần trong tương lai. Tôi tin tưởng vào sản phẩm của công ty có khả năng thành công, nhưng nhìn vào đội ngũ và cách bác trình bày thì tôi không đầu tư", ông Phú nói.
Tuy nhiên, ông chủ An Thịnh Phát khẳng định điều ông cần là các nhà đầu tư rót tiền, ông sẽ trình bày một kế hoạch kinh doanh rõ ràng về sau.
"Bác hiểu về kinh tế, nhưng bác chưa hiểu về kinh doanh. Hai cái đó hoàn toàn khác nhau. Ý tưởng kinh doanh tốt, nhưng chính mô hình kinh doanh khiến cho các shark rất khó khăn trong việc ra quyết định đầu tư", ông Hưng nhận xét.
Bà Linh khuyên rằng, với các sản phẩm đang có hiện tại, ông Sơn nên dành số vốn còn lại tập trung vào bán hàng và tiếp thị: định nghĩa khách hàng, kênh quảng cáo, kênh bán hàng.
"Khi mà bác có được kế hoạch đó, bác hãy tiếp tục gọi vốn", bà nói.
Doanh nhân Thủy cảm thấy ông Sơn là một nhà khoa học nghiên cứu, nhưng không có phẩm chất của phải là một người thủ lĩnh, có tầm nhìn và thị trường.
"Đây không phải lĩnh vực mà tôi am hiểu, nên tôi quyết định không đầu tư, ông Dũng tuyên bố.
Trước lời từ chối của cả 5 "cá mập", ông Sơn vẫn tỏ ra băn khoăn vì theo ông, ý tưởng là thứ quan trọng nhất trong kinh doanh.
Xem thêm |