|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Kinh doanh

Shark Mark Cuban có hàng triệu USD tại Silicon Valley Bank, sẽ tìm kiếm cơ hội 'thâu tóm' các startup

15:25 | 13/03/2023
Chia sẻ
Tỷ phú Mark Cuban, một "cá mập" (Shark) nổi tiếng trên sóng chương trình Shark Tank của đài ABC, cho biết có hàng triệu USD tại ngân hàng vừa sụp đổ Silicon Valley Bank, đồng thời thừa nhận sẽ tìm kiếm cơ hội thâu tóm một số startup ở hiện tại.

Sự sụp đổ của Silicon Valley Bank (SVB), ngân hàng cho vay đối với các công ty khởi nghiệp, là một tin gây sốc với ngành tài chính và ngân hàng. Theo The Street, mức độ ảnh hưởng của sự kiện này vẫn chưa được bộc lộ hết.

Tính đến thời điểm hiện tại, nhiều nhà đầu tư và các startup vẫn đang chịu tác động từ sự kiện SVB sụp đổ, trong đó có Mark Cuban, một tỷ phú đồng thời là “cá mập” (Shark) nổi tiếng trên sóng chương trình Shark Tank của đài ABC.

Vị tỷ phú người Mỹ cho biết số tiền mà ông “tiếp xúc” với SVB lên tới hàng triệu USD. “Tôi chỉ được tiếp xúc với khoảng 8 – 10 triệu USD. CostsPlus Drugs.com giao dịch với SVB. Vì vậy, tôi nghĩ chúng tôi đã có 3,1 triệu USD ở đó”, tỷ phú Mark Cuban chia sẻ trên Twitter.

CostPlus Drugs.com là một hiệu thuốc trực tuyến mà tỷ phú Mark Cuban đã đồng sáng lập vào tháng 1/2022 để thâm nhập vào ngành dược phẩm đang phát triển nhanh khi đó. Nền tảng này là công ty duy nhất mà Mark Cuban thành lập hoặc đầu tư vào mang tên ông. Tên chính thức của công ty là Mark Cuban CostPlus Drug Co.

Mark Cuban, một "cá mập" nổi tiếng trên sóng chương trình Shark Tank, nơi các startup lên gọi vốn đầu tư từ các Shark. (Ảnh: Coinpage).

Tìm mọi cách để rút tiền

"Chúng tôi đang tranh giành và mở tài khoản cũng như thức khuya nói chuyện với nhân viên ngân hàng nhằm mở tài khoản ở các ngân hàng khác. Và bạn biết đấy, lý do đầu tiên khiến tôi phải viết séc vào sáng thứ Hai [ngày 13/3] là để đảm bảo rằng nhân viên của chúng tôi được trả lương. CostPlus Drugs.com là “đứa con” của tôi. Ngay bây giờ tôi sẽ không để nó đi đâu cả. Tôi sẽ làm mọi cách có thể”, Mark Cuban chia sẻ.

Các cơ quan quản lý đã đóng cửa SVB vào ngày 10/3. Tổ chức Bảo hiểm Tiền gửi Ngân hàng Liên bang (FDIC) nắm quyền kiểm soát và hiện là người quản lý 175 tỷ USD tiền gửi của khách hàng, bao gồm tiền từ một số công ty mới thành lập và từ một số tên tuổi lớn nhất trong thế giới công nghệ.

Cơ quan quản lý cũng đã tạo ra một thực thể mới và chỉ ra rằng những người gửi tiền không được bảo đảm, nghĩa là khách hàng của SVB đã gửi những khoản có giá trị từ 250.000 USD trở lên trong tài khoản, hiện sẽ không có quyền truy cập vào tiền của họ.

Điều này gây ra nhiều bất ổn về khả năng hoạt động của nhiều công ty khởi nghiệp trong những tuần tới, do quỹ của họ bị đóng. FDIC cho biết họ sẽ trả cho những người gửi tiền không được bảo hiểm một khoản "cổ tức tạm ứng trong tuần tới."

Câu hỏi đặt ra là khoản "cổ tức tạm ứng" này sẽ lên tới bao nhiêu. Mức độ của cuộc khủng hoảng do SVB gây ra phụ thuộc vào cách mà FDIC trả lời cho câu hỏi này, tỷ phú Mark Cuban cho biết. Ông cảnh báo sẽ có tác động lây lan nếu khoản “cổ tức tạm ứng” này không đáng kể và không đáp ứng được kỳ vọng của người gửi.

Tìm kiếm cơ hội thâu tóm

Việc SVB đóng cửa đặt ra vấn đề lớn cho hệ sinh thái khởi nghiệp, theo cảnh báo của nhiều chuyên gia. SVB là một nhân tố trung tâm trong nền kinh tế đổi mới, đóng vai trò là xương sống của ngành công nghệ ở Thung lũng Silicon. SVB cũng đóng một vai trò quan trọng bằng cách cung cấp các dịch vụ tài chính chuyên biệt, chuyên môn trong ngành, mạng lưới có giá trị và danh tiếng vững chắc.

SVB cũng cung cấp một loạt các dịch vụ tài chính, được thiết kế riêng cho nhu cầu của các công ty khởi nghiệp, chẳng hạn như quản lý tài sản. Các dịch vụ này được thiết kế để giúp các công ty khởi nghiệp quản lý tài chính, tối ưu hóa dòng tiền và mở rộng quy mô kinh doanh của họ.

Việc SVB sụp đổ kết hợp với khả năng nhiều công ty khởi nghiệp không thể truy cập vào các khoản tiền gửi của họ có thể gây ra các vấn đề nghiêm trọng về dòng tiền đối với các công ty non trẻ, vốn nổi tiếng với chiến lược đốt tiền để mở rộng quy mô.

Một sự kiện như vậy có thể đẩy nhiều công ty khởi nghiệp đến bờ vực phá sản vì thiếu thanh khoản, nhưng cũng là cơ hội để các nhà đầu tư như Mark Cuban “tìm kiếm cơ hội”. Khi được hỏi về khả năng này, vị tỷ phú không ngần ngại nói rằng ông sẽ “tấn công” nếu mọi thứ diễn ra theo đúng ý.

"Tôi sẽ không nói dối. Tôi không phủ nhận việc bản thân đang nghĩ đến những cơ hội từ “sự tuyệt vọng” của người khác. Không ai biết chắc chắn điều gì sẽ xảy ra và không phải ai cũng nắm bắt được cơ hội ở thời điểm hiện tại”, tỷ phú Mark Cuban chia sẻ.

Sau đó, vị “cá mập” của chương trình Shark Tank trên đài ABC giải thích rằng tình hình sẽ được nhìn nhận rõ ràng hơn vào ngày 13/3, khi FDIC sẽ cung cấp thêm thông tin chi tiết về việc thanh toán các khoản tiền gửi.

"Điều đó thực sự sẽ phụ thuộc vào mức “cổ tức tạm ứng” là bao nhiêu. Nếu là 50% và bạn nhận được khoản đó trước ngày 15/3, thì mọi thứ có thể tạm ổn bởi thời điểm đó (ngày 15/3) là cột mốc mà nhiều startup chốt ngày trả lương cho nhân viên”, Mark Cuban nói.

"Và sau đó, câu hỏi tiếp theo là họ sẽ làm những gì với 50% còn lại. Nếu tất cả đều không chắc chắn và không có sự đồng nhất trong cách giải quyết, tác động từ vụ sụp đổ này có thể sẽ lan rộng hơn", tỷ phú Mark Cuban chia sẻ.

Ngoài Mark Cuban, các công ty như Roku, Roblox và Rocket Lab cũng công bố tiếp xúc với SVB. Công ty tiền điện tử Circle, công ty phát hành đồng tiền điện tử USDC, cũng có khoản tiền gửi trị giá 3,3 tỷ USD trong ngân hàng vừa bị sụp đổ.

Anh Nguyễn

Cập nhật kết quả quý I ngân hàng: Techcombank tạm dẫn đầu, LPBank báo lãi tăng mạnh nhất
Nhiều ngân hàng đã công bố kết quả kinh doanh quý I với lợi nhuận phân hoá rõ nét, bảng xếp hạng lợi nhuận lại tiếp tục có xáo trộn với sự vươn lên trước của Techcombank.