CEO OpenAI cảnh báo về sự 'già cỗi' của Thung lũng Silicon
Tờ Business Insider đưa tin trong một cuộc phỏng vấn mới đây, CEO OpenAI, Sam Altman đã nói rằng "thánh địa" công nghệ - Thung lũng Silicon - không còn như xưa, nơi này đã đánh mất văn hóa đổi mới.
Khi trò chuyện với Nicolai Tangen - Giám đốc điều hành của quỹ đầu tư quốc gia Na Uy, Sam Altman nói: “Các công ty ở Thung lũng Silicon đã từng phát minh ra những thứ tuyệt vời, nhưng từ rất lâu rồi chưa có nghiên cứu tuyệt vời nào như thế xuất hiện cả”.
“Tôi rất ngạc nhiên khi anh nói rằng không có văn hóa đổi mới ở Thung lũng Silicon, bởi vì điều đó hơi trái ngược với những gì tôi nghĩ,” Tangen tỏ vẻ không đồng tình. Về vấn đề này, Altman đáp lại bằng cách nói rằng Thung lũng Silicon thực sự có văn hóa đổi mới sản phẩm, nhưng ông cảm thấy doanh nghiệp trong khu vực này đã bỏ lỡ các cột mốc trong nghiên cứu đột phá.
“Tôi ghét phải nói điều này, bởi vì nó nghe có vẻ kiêu ngạo nhưng trước khi OpenAI xuất hiện, bước đột phá khoa học thực sự vĩ đại cuối cùng đến từ một công ty ở Thung lũng Silicon là gì?”, CEO OpenAI đặt câu hỏi.
Theo Sam Altman sự thay đổi của Thung lũng Silicon đến từ việc các doanh nghiệp dễ dàng chấp nhận đồng thời mải chạy theo việc tạo ra các công ty siêu giá trị trong thời gian ngắn, thông qua sử dụng những công nghệ hiện có như internet và smartphone, thay vì liên tục tìm tòi cái mới.
Đây không phải là lần đầu tiên Altman phàn nàn về tinh thần đổi mới của Thung lũng Silicon. Vào năm 2017, khi ông vẫn còn là chủ tịch của vườn ươm khởi nghiệp Y Combinator, Sam Altman đã đăng một bài viết dài 650 từ nói rằng văn hóa của Thung lũng Silicon không tốt cho các công ty khởi nghiệp và những ý tưởng mới.
Cũng trong bài đăng này, ông cho rằng việc bày tỏ những ý tưởng gây tranh cãi ở Trung Quốc dễ dàng hơn ở California (Mỹ).
Altman không phải là người duy nhất chỉ trích khả năng tạo ra những ý tưởng mới của Thung lũng Silicon. Từ nhà đầu tư Marc Andreessen thuộc quỹ mạo hiểm Andreessen-Horowitz, đến Matt Miller của Sequoia Capital, đều chỉ trích cách tiếp cận đổi mới của Thung lũng Silicon.
Nguyên nhân phía sau sự trì trệ của Thung lũng Silicon, Altman cho rằng các công ty công nghệ hiện nay không tạo ra được không gian đủ thoải mái tự do cho các nhà phát triển. "Tại OpenAI, chúng tôi đặt ra tầm nhìn rất cao cho công ty và những gì chúng tôi muốn đạt được. Hơn thế nữa, các nhà phát triển còn nhận được rất nhiều quyền tự do", ông nói.
CEO OpenAI lưu ý rằng các nhà phát triển được phép tìm kiếm các hướng khác nhau và khi một ý tưởng hay ho nhất thể hiện đúng như kỳ vọng, OpenAI đồng lòng ủng hộ nó. ChatGPT là một minh chứng cho tinh thần cởi mở của OpenAI.
Kể từ khi ra mắt vào năm 2015, giá trị của OpenAI đã tăng nhanh chóng và ước đạt từ 27 đến 29 tỷ USD tính đến tháng 4/2023. Công cụ trí tuệ nhân của của công ty là ChatGPT được ra mắt vào tháng 11/2022 đã khiến thế giới phải kinh ngạc về AI.
ChatGPT đã trở thành cái tên quen thuộc trong làn sóng chạy đua đầu tư vào trí tuệ nhân tạo. Bên cạnh đó, OpenAI cũng có thể được xem là startup nhà giàu khi từng nhận được sự hậu thuẫn của tỷ phú Elon Musk, chưa kể tới khoản tài trợ hàng chục tỷ đô la từ Microsoft.
Về tương lai, Altman nói với Tangen rằng ông và OpenAI đã không còn nghĩ đến việc có một lộ trình để theo đuổi: “Chúng tôi chỉ đang làm những việc nằm ngoài lẽ thông thường ở Thung lũng Silicon". Altman cho biết OpenAI phải mất 4 năm rưỡi mới cho ra đời một sản phẩm.
"Chúng tôi sẽ trở thành công ty khởi nghiệp sử dụng nhiều vốn nhất trong lịch sử Thung lũng Silicon. Chúng tôi đang xây dựng một công nghệ mà không hề biết khách hàng của mình sẽ là ai hoặc họ sẽ sử dụng nó để làm gì.” Greg Brockman, đồng sáng lập và chủ tịch OpenAI cho biết. “Bạn phải có một vấn đề cần giải quyết chứ không phải một công nghệ đang tìm kiếm giải pháp,” ông nói thêm.