|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Kinh doanh

Sự sụp đổ của Silicon Valley Bank làm 'chao đảo' giới startup và quỹ đầu tư mạo hiểm Trung Quốc

10:31 | 13/03/2023
Chia sẻ
Các startup và quỹ đầu tư của Trung Quốc, những người đang tìm kiếm nguồn vốn từ Mỹ, đang tỏ ra lo lắng khi một trong những ngân hàng đóng vai trò "cầu nối" để thực hiện điều này là Silicon Valley Bank đã sụp đổ.

Sự sụp đổ của Silicon Valley Bank (SVB) đã tạo ra cảm giác hoang mang trong lĩnh vực đầu tư mạo hiểm và khởi nghiệp công nghệ của Trung Quốc, vì ngân hàng này đóng vai trò là cầu nối giữa vốn đầu tư của Mỹ và các doanh nhân công nghệ Trung Quốc, theo South China Morning Post.

Kể từ chiều 12/3, các chủ đề liên quan đến sự sụp đổ của ngân hàng, bao gồm “SVB phá sản đã lan rộng ra nhiều quốc gia” và “SVB phá sản ảnh hưởng đến các doanh nhân Trung Quốc”, đang là xu hướng tìm kiếm chủ đạo trên Weibo của Trung Quốc, với các bài đăng nhận được hàng trăm triệu lượt xem.

“Có phải cuộc khủng hoảng tài chính năm 2008 lại xảy ra?”, một người dùng Weibo Trung Quốc chia sẻ. Trong khi hầu hết công ty công nghệ và ngân hàng ở Trung Quốc đã tránh bình luận công khai về sự sụp đổ này, nó đã gây lo ngại cho các nhà đầu tư mạo hiểm và các công ty khởi nghiệp ở thị trường tỷ dân, với nhiều người trong số họ coi ngân hàng có trụ sở tại Mỹ là cơ hội vàng để tiếp cận thị trường vốn của Mỹ.

"Nhiều công ty Trung Quốc niêm yết tại Mỹ đã nhận được vốn đầu tư từ các quỹ đầu tư mạo hiểm ở Thung lũng Silicon trong giai đoạn đầu", Zheng Lei, giáo sư trợ giảng tại Viện Tài chính Thâm Quyến thuộc Đại học Hong Kong Trung Quốc, cho biết.

Ông nói thêm rằng sự sụp đổ này sẽ ảnh hưởng đến cơ hội của các công ty khởi nghiệp chưa niêm yết của Trung Quốc nhận được vốn đầu tư từ các quỹ đầu tư mạo hiểm ở Thung lũng Silicon.

Sự sụp đổ của SVB gây ra nhiều lo lắng với các công ty khởi nghiệp Trung Quốc. (Ảnh: SCMP).

Fu Jian, giám đốc công ty luật Henan Zejin, cho biết: “Sự sụp đổ của SVB đã làm giảm niềm tin của các công ty Trung Quốc vào các ngân hàng nước ngoài, vì vậy họ sẽ thận trọng hơn khi xem xét các quỹ đầu tư bằng đồng USD”.

Đối với một số công ty mới thành lập, nhà đầu tư mạo hiểm và công ty cổ phần tư nhân, SVB là một lựa chọn tốt để tiếp cận thị trường vốn của Mỹ vì nó cung cấp “không chỉ nguồn lực kinh doanh dồi dào mà còn có nhiều cơ hội kết nối tại thị trường Mỹ”, ông Fu cho biết.

Garry Tan, CEO của Y Combinator, một vườn ươm khởi nghiệp nổi tiếng ở Mỹ, thậm chí đã gọi sự sụp đổ của SVB là “một sự kiện cấp độ tuyệt chủng” đối với các công ty mới sẽ “thiết lập trạng thái khởi nghiệp”, theo bài đăng trên trang Twitter cá nhân.

Theo một báo cáo của Star Market Daily, gã khổng lồ cung cấp dịch vụ theo yêu cầu Meituan của Trung Quốc đã nói với các nhà đầu tư của mình qua email vào ngày 11/3 rằng công ty hiện không có tiền gửi tại SVB.

Thông báo này được đưa ra sau khi các cuộc thảo luận lan truyền trực tuyến rằng Wang Xing, đồng sáng lập và giám đốc điều hành của Meituan, đã giới thiệu khoản tiền gửi trị giá 60 triệu USD của công ty tại SVB tại một cuộc họp báo nhiều năm trước, khi công ty nhận được khoản đầu tư tại vòng gọi vốn Series B vào năm 2011.

Cùng ngày, liên doanh Trung Quốc của SVB cho biết hoạt động của họ vẫn độc lập và ổn định, qua đó tìm cách xoa dịu các khách hàng địa phương trong bối cảnh công ty mẹ ở Mỹ sụp đổ. “SPD Silicon Valley Bank Co luôn hoạt động ổn định theo luật pháp và quy định của Trung Quốc, với khuôn khổ quản trị tiêu chuẩn và bảng cân đối kế toán độc lập”, liên doanh giữa Shanghai Pudong Development Bank và SVB cho biết trên tài khoản WeChat chính thức của công ty vào ngày 11/3.

Nhiều ý kiến trái chiều

Cho đến nay, chưa có công ty công nghệ hay quỹ đầu tư mạo hiểm nào của Trung Quốc công khai thừa nhận chịu tổn thất do SVB sụp đổ. Zhang Shule, nhà phân tích tại CBJ Think Tank, cho biết: “Các công ty khởi nghiệp công nghệ sẽ có nhu cầu mở tài khoản tại SVB trong khi tìm kiếm nguồn vốn bằng đồng USD. Sự sụp đổ như vậy chắc chắn sẽ khiến các công ty khởi nghiệp công nghệ nhỏ trong nước với khả năng quản lý rủi ro kém có mối lo ngại lớn hơn về các quỹ bằng đồng USD”.

“Cơ sở khách hàng của SVB chủ yếu là các doanh nghiệp đổi mới khoa học và công nghệ, vốn rất nhạy cảm với thanh khoản và chu kỳ của ngành công nghệ”, China International Capital Corporation, ngân hàng đầu tư thuộc sở hữu nhà nước, cho biết trong một báo cáo được công bố vào ngày 12/3.

Phía ngân hàng đầu tư này nói thêm rằng không nên “đánh giá thấp tác động” vì các ngân hàng khác có “mức độ rủi ro tương tự” khi các đợt tăng lãi suất của Fed vẫn chưa kết thúc.

Trong khi đó, một số nhà phân tích cho rằng tác động từ việc SVB sụp đổ sẽ là tương đối hạn chế ở Trung Quốc, do phạm vi của các công ty khởi nghiệp công nghệ Trung Quốc khác với những startup công nghệ khác ở nước ngoài.

“Quy mô chung của các công ty khởi nghiệp ở Trung Quốc còn hạn chế và họ có nhiều lựa chọn đối với các ngân hàng tại Mỹ. Phần lớn startup Trung Quốc vẫn đặt ưu tiên tìm kiếm nguồn vốn ở Trung Quốc”, Zhang Shule chia sẻ.

“Đối với những công ty lớn như Meituan, có khả năng họ đã chuyển sang SVB trong giai đoạn đầu khởi nghiệp. Tuy nhiên, khi một công ty như vậy đạt đến một quy mô nhất định, nó sẽ có xu hướng gửi tiền trở lại các ngân hàng trong nước để có tốc độ quay vòng vốn cao hơn”, ông nói thêm.

Zheng từ CUHK cho biết các công ty công nghệ Trung Quốc niêm yết tại Mỹ sẽ không bị ảnh hưởng trực tiếp nếu họ không gửi tiền vào SVB. “Các nhà đầu tư và chủ nợ của SVB vẫn có cơ hội thu hồi khoản lỗ vì họ có quyền tham gia vào quá trình tái cơ cấu tài sản của SVB”, Zheng nói.

Anh Nguyễn

Chủ tịch Kinh Bắc: Thị trường bất động sản muốn ấm phải chờ sang năm
Theo ông Đặng Thành Tâm, Chủ tịch HĐQT Kinh Bắc, thị trường bất động sản đến thời điểm này vẫn chưa ấm lên và có thể sẽ có dấu hiệu phục hồi theo hướng phát triển bền vững từ cuối năm nay.