|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Quốc tế

Ngành ngân hàng Mỹ 'choáng váng' vì sự sụp đổ của SVB

05:00 | 13/03/2023
Chia sẻ
Sự sụp đổ nhanh chóng của Ngân hàng Silicon Valley Bank (SVB) đã khiến ngành ngân hàng Mỹ “choáng váng” sau nhiều năm nỗ lực duy trì sự ổn định.

 

Đây là vụ phá sản lớn nhất của một ngân hàng kể từ cuộc khủng hoảng tài chính năm 2008. Mặc dù nguyên nhân dẫn đến sự sụp đổ của SVB có phần cá biệt, nhưng đây vẫn là hồi chuông cảnh báo về những điểm yếu tiềm ẩn có thể gây hậu quả nghiêm trọng cho cả khách hàng và nhân viên ở những ngân hàng khác.

Vụ phá sản “chớp nhoáng”

Sheila Bair, người đứng đầu Cơ quan Bảo hiểm Tiền gửi Liên bang (FDIC) trong cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu, cho biết trong một cuộc phỏng vấn rằng các cơ quan giám sát ngân hàng hiện đang chuyển sự chú ý sang các ngân hàng khác có thể có số lượng lớn tiền gửi không được bảo hiểm và các khoản lỗ chưa được tính vào sổ sách - hai yếu tố đã góp phần khiến SVB sụp đổ nhanh chóng. Bà Bair nhấn mạnh, những ngân hàng này có một lượng lớn tiền gửi không có bảo hiểm và đó sẽ là “nguồn tiền nóng” nếu có dấu hiệu rắc rối.

Một chuỗi sự kiện dẫn đến vụ phá sản chớp nhoáng của SVB. Cụ thể, khách hàng của SVB chủ yếu là các công ty khởi nghiệp (startup) trong lĩnh vực công nghệ. Với xu hướng đầu tư vào lĩnh vực công nghệ trong thời gian qua, các startup này huy động được hàng triệu USD và do đó SVB quản lý một lượng tiền gửi khổng lồ. Ngân hàng này đầu tư một phần vào trái phiếu chính phủ Mỹ với kỳ hạn dài.

Tuy nhiên, trong bối cảnh Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) quyết định tăng lãi suất cao hơn, dòng tiền của các công ty công nghệ cũng chịu áp lực và họ cần rút tiền gửi ra để trang trải. Mặt khác, lãi suất cao cũng khiến giá trị trái phiếu chính phủ sụt giảm, và do đó SBV đã quyết định bán danh mục đầu tư là trái phiếu chính phủ Mỹ kỳ hạn dài của mình, dẫn đến khoản lỗ 1,8 tỷ USD.

Bên cạnh đó, SVB cũng có 89% trong số 175 tỷ USD tiền gửi không được bảo hiểm tính đến cuối năm 2022. FDIC chỉ bảo hiểm ở mức  250.000 USD cho mỗi khoản tiền gửi tại ngân hàng này.  Việc SVB công bố thỏa thuận gọi vốn với kế hoạch phát hành thêm 2,25 tỷ USD cổ phiếu mới để củng cố bảng cân đối kế toán đã khiến ngân hàng này bị tổ chức xếp hạng tín nhiệm Moody's hạ bậc xếp hạng sau đó.

Ngay khi một số công ty đầu tư mạo hiểm bày tỏ lo ngại về “sức khỏe” tài chính của SVB, một loạt công ty công nghệ ồ ạt rút tiền khỏi ngân hàng này và khiến thanh khoản sụt giảm nhanh chóng. Cuối cùng, SVB - ngân hàng lớn thứ 16 ở Mỹ ngày 10/3 đã tuyên bố phá sản. Đây là vụ sụp đổ ngân hàng thương mại lớn thứ hai trong lịch sử nước Mỹ sau vụ ngân hàng Washington Mutual (WaMu) sụp đổ năm 2008 vào thời kỳ khủng hoảng tài chính toàn cầu.

Các nhà đầu tư và khách hàng của SVB hiện đang chờ đợi xem liệu ngân hàng có nhanh chóng tìm được người mua lại hay không. Trong cuộc khủng hoảng tài chính năm 2008, ngân hàng Washington Mutual đã tìm được người mua ngay lập tức, nhưng ngân hàng IndyMac, phá sản vào năm 2009, phải mất khoảng 8 tháng mới đạt được thỏa thuận mua lại.

Tốc độ sụp đổ của SVB đã làm cả thị trường tài chính “choáng váng”. Cổ phiếu của SVB đã bắt đầu sụt giảm từ ngày 9/3, và sau đó tác động dần lan sang các ngân hàng khác của Mỹ và châu Âu. Theo tính toán của Reuters, hơn 100 tỷ USD giá trị thị trường của các ngân hàng Mỹ đã bị “xóa sổ” trong hai ngày 9-10/3.

Siết chặt quy định quản lý

Một số chuyên gia cho biết bất kỳ hiệu ứng lan tỏa đối với các ngân hàng khác có thể bị hạn chế. David Trainer, Giám đốc điều hành của công ty nghiên cứu đầu tư New Constructs, cho biết: “Chúng tôi không tin rằng có rủi ro lan rộng cho phần còn lại của ngành ngân hàng”. Các tổ chức cho vay lớn hơn có danh mục đầu tư và khách hàng gửi tiền đa dạng hơn so với SVB, trong khi SVB thì có mức độ phụ thuộc cao vào các công ty khởi nghiệp.

Dù vậy, một số chuyên gia lo ngại sự sụp đổ của của SVB có thể dẫn đến nguy cơ đánh mất niềm tin của khách hàng, khiến giới chức quản lý siết chặt quy định hơn và nhà đầu tư hoài nghi về tình hình tài chính của các ngân hàng nhỏ.

Các thể chế cho vay đã buộc phải trích lập dự phòng và được yêu cầu nắm giữ nhiều vốn hơn sau cuộc khủng hoảng năm 2008. Lĩnh vực ngân hàng đã vượt qua đại dịch COVID-19 một phần nhờ các quy định chặt chẽ hơn được đưa ra sau năm 2008. Tuy nhiên, dưới thời chính quyền Tổng thống Donald Trump, một số quy định đã được nới lỏng.

Thượng nghị sĩ Elizabeth Warren đã viết trên mạng xã hội Twitter rằng sự sụp đổ của SVB càng cho thấy sự cần thiết của các quy tắc mạnh mẽ nhằm bảo vệ hệ thống tài chính.

Một số nguồn tin trong ngành và cơ quan quản lý cho biết các ngân hàng khu vực có thể sẽ bị giám sát chặt chẽ hơn khi các cơ quan giám sát tìm cách đảm bảo rằng họ cũng có đủ “bộ đệm” tài chính để có thể vượt qua những tình huống căng thẳng thanh khoản tương tự.

Sự chú ý đang tập trung vào các ngân hàng khu vực - vốn đã được nới lỏng một số quy định dưới thời chính quyền Tổng thống Donald Trump. Các nhà quản lý ngân hàng Mỹ vào tháng 10/2022 đã nói rằng họ đang xem xét đưa ra các quy định mới đối với các ngân hàng lớn trong khu vực.

Theo các nguồn tin, giới chức quản lý có thể yêu cầu ngân hàng phải tính toán sổ sách dựa trên giá trị thị trường của trái phiếu nắm giữ. Yêu cầu đó hiện chỉ áp dụng cho các ngân hàng có tài sản trên 250 tỷ USD, nhưng có thể mở rộng cho các ngân hàng khác.

Ngày 6/3, chỉ trước sự sụp đổ của SBV vài ngày, Chủ tịch FDIC Martin Gruenberg đã cảnh báo các chủ ngân hàng rằng họ đang phải đối mặt với khoản lỗ chưa tính toán trên sổ sách cao hơn, do lãi suất tăng nhanh làm giảm giá trị của các trái phiếu dài hạn, và các khoản lỗ này có thể làm suy yếu khả năng đáp ứng nhu cầu thanh khoản bất ngờ trong tương lai của ngân hàng.

Mai Ly (Theo Nikkei, Reuters)