|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Kinh doanh

Phong cách quản trị hà khắc của Elon Musk trở thành hình mẫu cho giới CEO công nghệ tại Thung lũng Silicon

13:30 | 25/12/2022
Chia sẻ
Nhiều CEO công ty công nghệ tại Thung lũng Silicon từng rất do dự trong việc đưa ra các quyết định khó khăn như cắt giảm nhân sự hay đóng băng tuyển dụng trong thời kỳ suy thoái, nhưng sau những gì Elon Musk làm tại Twitter, họ đã có đủ lý do để đưa ra các quyết định trên.

Kể từ thời điểm hoàn tất thương vụ mua Twitter vào cuối tháng 10, Elon Musk dường như có ý định sử dụng nền tảng mạng xã hội này mua để gây chiến với “văn hóa” của ngành công nghệ, theo Business Insider.

Elon Musk đã cắt giảm một nửa lực lượng lao động của Twitter, loại bỏ các đặc quyền đã có từ lâu tại công ty, đồng thời cảnh báo những người ở lại rằng họ sẽ phải làm việc "nhiều giờ với cường độ cao". CEO Tesla cũng biến văn phòng thành chỗ ngủ cho những nhân viên "mệt mỏi" và đe dọa sa thải bất kỳ ai không đủ "chăm chỉ".

Đó rõ ràng là những điều mới mẻ ở Thung lũng Silicon. Cách làm của Musk đã gây ra làn sóng phản đối ngay lập tức. "Elon Musk không biết ông ta đang làm gì với Twitter”, Farhad Manjoo chế giễu CEO Tesla trên tờ The New York Times.

Tuy nhiên, có một nhóm người đã cổ vũ cách làm của Elon Musk: Các CEO của những doanh nghiệp công nghệ khác. Đối với những người sáng lập có công ty riêng phát triển quá nhanh trong thời kỳ bùng nổ công nghệ, Musk chính là người mang đến hy vọng cho họ về việc có thể giảm bớt tình trạng phình to khi rủi ro suy thoái kinh tế ập đến.

"Những động thái của Musk tại Twitter truyền cảm hứng cho những người sáng lập đang có ý định đưa ra những quyết định khó khăn trong thời kỳ suy thoái kinh tế gần đây", Andrew Chen, một đối tác chung tại công ty đầu tư mạo hiểm Andreessen Horowitz, chia sẻ.

Thời kỳ bùng nổ việc làm công nghệ đã qua

Trong các cuộc phỏng vấn với Insider, những người sáng lập và nhà đầu tư thừa nhận riêng rằng họ đang xem Twitter như một ví dụ điển hình về tính hiệu quả. Nếu Musk có thể điều hành mạng xã hội này với số lượng nhân viên ít hơn một nửa so với trước đây, có lẽ những công ty công nghệ khác cũng sẽ làm được.

Trong thập kỷ qua, khi lĩnh vực công nghệ phát triển, số lượng việc làm cũng tăng lên. Từ năm 2009 đến 2019, theo phân tích của tổ chức phi lợi nhuận trong ngành CompTIA, lĩnh vực công nghệ đã có thêm 2,3 triệu việc làm mới.

Sự tăng trưởng nhanh chóng buộc các công ty phải tăng cường đặc quyền để thu hút các ứng viên tài năng. Các nhân viên được hưởng số giờ nghỉ trưa dài hơn, tiền trợ cấp đi lại, bác sĩ châm cứu và massage tại chỗ,…

Các đặc quyền mà nhân viên Twitter được nhận đã biến mất kể từ khi Elon Musk lên nắm quyền. (Ảnh: BI).

Trong thời kỳ đại dịch COVID-19 bùng phát, một làn sóng khởi nghiệp mới tiếp tục gây áp lực đối với ngành công nghệ. Các nhà sáng lập cho biết, khi các nhà đầu tư gây áp lực buộc các công ty phải phát triển nhanh chóng, nhiều startup đã chạy đua để thu hút nhân tài.

Nhân viên được phép làm việc tại nhà và đặt lịch trình của riêng họ. Họ bỏ túi các khoản trợ cấp chăm sóc sức khỏe và đi khắp thế giới, ở những địa điểm xa hoa mà vẫn có thể làm việc và hưởng lương. Công ty khởi nghiệp công nghệ Bolt đã cho gần như tất cả nhân viên của mình nghỉ vào các ngày thứ Sáu hàng tuần.

Eric Ries, một doanh nhân và tác giả của cuốn sách "The Lean Startup" cho biết: “Khi startup có thể gọi vốn một cách dễ dàng, họ sẽ có sẵn tiền mặt, trở nên tự mãn và tiêu tiền vào những thứ không liên quan”.

Sau đó, giai đoạn suy thoái ập đến. Khi thị trường tư nhân cạn kiệt vào đầu năm nay, dòng vốn đầu tư mạo hiểm đã chậm lại. Đột nhiên, các công ty khởi nghiệp đổ xô cắt giảm chi phí để tiết kiệm ngân sách. Những doanh nghiệp công nghệ khác từng trả lương cao và các đặc quyền hấp dẫn cho nhân viên của họ đã phải tìm cách thiết lập lại kỳ vọng.

Tại Twitter, Musk đã làm như vậy. Chỉ trong thời gian ngắn, Elon Musk đã chấm dứt hình thức làm việc từ xa, dừng phụ cấp cho nhân viên và biến văn phòng tại trụ sở chính của Twitter ở San Francisco thành phòng ngủ được trang bị tủ quần áo và máy giặt. "Ngày nghỉ ngơi" được áp dụng trong toàn công ty cũng đã biến mất khỏi thời gian biểu.

Nhiều CEO công nghệ học hỏi cách làm của Elon Musk

Đối với nhân viên, điều đó thật đáng sợ và hoang mang. Tuy nhiên, đối với một số giám đốc điều hành trong lĩnh vực công nghệ, đó là lý do để ăn mừng. Gavin Baker, một đối tác quản lý và giám đốc đầu tư của Atreides Management, một quỹ phòng hộ trị giá 3 tỷ USD đặt cược vào cả công ty tư nhân và công ty đại chúng, đã đăng dòng tweet: “Dù họ có thừa nhận hay không thì mọi người ở Thung lũng Silicon đều ngưỡng mộ Elon”.

Cách tiếp cận của Elon Musk giúp các giám đốc điều hành công nghệ khác có lý do cho việc đưa ra các quyết định mà trước đây họ không nghĩ tới. Những người sáng lập nói với Insider rằng họ đang loại bỏ dần các hoạt động không cần thiết và gây tốn kém chi phí.

Một nhân viên Twitter nói rằng gần đây ông đã bị loại bỏ khoản trợ cấp bữa ăn được áp dụng cho những người làm việc từ xa trong thời kỳ đại dịch của công ty. Bây giờ, những nhân viên Twitter muốn ăn trưa miễn phí phải đến làm việc văn phòng ở San Francisco.

Giới CEO công nghệ tại Thung lũng Silicon đang học hỏi cách làm của Elon Musk. (Ảnh: BI).

Một nhà sáng lập công ty công nghệ nói: “Trước đây, nếu người lao động không thích công việc này, họ có thể nhảy việc và đi nơi khác. Từ góc độ người sử dụng lao động, bạn phải giữ chân nhân viên của mình. Giờ đây, khi các công ty công nghệ cắt giảm chi tiêu để chuẩn bị đối mặt với cuộc suy thoái, nhiều nhân viên đã phải tự “đánh giá lại” quyết định của mình”.

Một năm trước, những người sáng lập startup còn cảm thấy bị áp lực bởi các nhà đầu tư, nhưng giờ đây, sau một năm mà gần 100.000 nhân viên làm việc trong ngành công nghệ bị sa thải, họ sẽ không ngần ngại trong việc tự đưa ra quyết định.

Mô hình đó đang diễn ra trên khắp Thung lũng Silicon. Một đối tác tại một công ty đầu tư mạo hiểm lâu đời cho biết đang chứng kiến ​​ngày càng nhiều giám đốc điều hành công nghệ "loại bỏ những người làm việc kém hiệu quả" khi họ gây áp lực lên nhân viên.

Một nhà sáng lập công nghệ khác, người đã nhận được hơn 100 triệu USD vốn đầu tư mạo hiểm trong thời kỳ đại dịch, cho biết hiện đang kêu gọi nhân viên của mình gia tăng sản lượng và sẽ không tuyển dụng thêm.

Những thông điệp như vậy được lặp đi lặp lại trong thời gian gần đây ở nhiều công ty công nghệ, bằng những hình thức nhẹ nhàng hơn so với cách mà Elon Musk đã làm tại Twitter.

Ngay cả những người nói về Musk bằng những ngôn từ ngưỡng mộ cũng nhận ra rằng họ phải cẩn thận trong việc thiết lập lại các tiêu chuẩn tại nơi làm việc đã hình thành trong thập kỷ qua. Chẳng hạn, một số nhà sáng lập đang thúc đẩy nhân viên tăng sản lượng, nhưng đều cho rằng cách mà Elon Musk làm là “quá khắc nghiệt” và có thể tạo ra một cuộc “nổi dậy”.

Dù vậy, những người này tin rằng các nhân viên của mình sẽ nhìn vào những đồng nghiệp tại Twitter để cảm thấy “lo lắng” cho công việc và phải tự mình thay đổi. “Cách làm của Elon Musk tạo ra một tiêu chuẩn cao hơn. Cách làm này có thể sớm trở thành hình thức tiêu chuẩn tại Thung lũng Silicon”, các nhà sáng lập startup công nghệ chia sẻ với Insider.

Anh Nguyễn