Quĩ Quốc tế về Phát triển Nông nghiệp (IFAD) là gì?
Quĩ Quốc tế về Phát triển Nông nghiệp
Khái niệm
Quĩ Quốc tế về Phát triển Nông nghiệp trong tiếng Anh là International Fund for Agricultural Development, viết tắt là IFAD.
Quĩ Quốc tế về Phát triển Nông nghiệp (IFAD) là tổ chức chuyên môn của Liên Hiệp Quốc được thành lập vào năm 1977, có tính chất là một định chế tài chính quốc tế hoạt động vì mục tiêu xóa đói giảm nghèo ở nông thôn nước đang phát triển.
Ý tưởng về thành lập IFAD được nêu ra tại Hội nghị Lương thực thế giới năm 1974. Hiệp định về thành lập quĩ được thông qua ngày 13/6/1976 và ký ngày 20/12/1976 khi nhận được cam kết ban đầu là 01 tỉ đô la Mỹ (USD). Hiệp định có hiệu lực từ ngày 30/11/1977. IFAD là tổ chức chuyên môn thuộc Liên hợp quốc. Trụ sở IFAD đóng tại Rôm, Italia.
Thành viên của IFAD
Mọi thành viên của LHQ đều có thể trở thành thành viên IFAD. Hiện nay (tháng 6/2016) IFAD có 176 quốc gia thành viên. Các nước thành viên được chia làm 3 loại A, B và C.
Nhóm A: gồm 23 nước thuộc Tổ chức hợp tác phát triển kinh tế (OECD);
Nhóm B: gồm 12 nước thuộc Tổ chức xuất khẩu dầu lửa (OPEC);
Nhóm C: gồm 133 nước, chia thành ba nhóm nhỏ:
- Nhóm C1: gồm các nước Châu Phi;
- Nhóm C2: gồm các nước Châu Âu và các nước Châu Á-Thái Bình Dương
- Nhóm C3: gồm các nước Mỹ La tinh và Vịnh Ca-ri-bê.
Nhóm A và B là các nước phát triển có đóng góp đáng kể vào quĩ, nhóm C chủ yếu là các nước đang phát triển nhận viện trợ. Ba loại thành viên trên có quyền bầu cử ngang nhau. Ngân sách hoạt động của IFAD trích từ nguồn đóng góp tự nguyện của các nước thành viên.
Sứ mệnh và hoạt động
Sứ mệnh
Mục tiêu hoạt động chủ yếu của IFAD là huy động các nguồn vốn bổ sung từ các nước tài trợ (donor) để phát triển sản xuất và tăng cường dinh dưỡng cho các nhóm người dân có thu nhập thấp ở các nước đang phát triển.
Trong khuôn khổ chiến lược của IFAD, quĩ vẫn tiếp tục hướng tới mục tiêu giúp cải thiện tình trạng đói nghèo, phát triển nông thôn, cải cách kinh tế, xã hội, xây dựng năng lực, quản lý môi trường và bình đẳng giới.
Hoạt động
IFAD là tổ chức cho vay tiền, hầu hết với điều kiện ưu đãi. Quĩ IFAD không chỉ quan tâm đến việc tăng sản xuất nông nghiệp mà còn hỗ trợ phát triển về việc làm, tăng cường dinh dưỡng và phân chia thu nhập ở các địa phương. Hoạt động chính gồm Chương trình thường kì và Chương trình đặc biệt cho châu Phi.
Cơ cấu tổ chức
Đứng đầu Ban điều hành là Chủ tịch quĩ. Chủ tịch của IFAD do Hội đồng Quản trị bầu, nhiệm kì 4 năm. Chủ tịch thường được bầu kiêm luôn người đứng đầu Ban Điều hành gọi là Giám đốc Điều hành. Chủ tịch hiện nay của IFAD là ông Gilbert F. Houngbo, quốc tịch Togo. Giúp việc cho Chủ tịch là 18 Giám đốc điều hành và 18 dự khuyết. Bộ máy tổ chức IFAD gồm các cơ quan chính như sau:
Hội đồng Quản trị (Governing Council )
Mỗi nước thành viên đều có đại diện trong Hội đồng Quản trị là một Thống đốc (Governor) và một Phó Thống đốc (Alternate Governor). Hội đồng Quản trị họp mỗi năm một lần và có thể tự mình hoặc theo yêu cầu của Ban Điều hành (EB) - nếu 2/3 số thành viên của Ban này đồng ý (theo hình thức bỏ phiếu) - triệu tập các phiên họp đặc biệt.
Cách thức bỏ phiếu: Thay vì bỏ phiếu theo phân loại A, B và C như trước 1993, năm 1995 Nghị quyết số 86/XVIII của IFAD đã quyết định các nước thành viên có 2 loại phiếu: thành viên gốc (original members) và theo mức độ đóng góp.
Ban Điều hành (Executive Board)
EB có 18 thành viên, trong đó, nhóm A có 8 nước; nhóm B có 4 nước và nhóm C có 6 nước. Nhiệm kì của Ban Điều hành là 3 năm. Ban có trách nhiệm điều hành toàn bộ các hoạt động của IFAD.
Một số nét về hoạt động của IFAD
IFAD viện trợ theo dự án. Các dự án của IFAD thường có phạm vi nhỏ nhưng sáng tạo - IFAD rất có uy tín là một cơ quan thử nghiệm các khái niệm về phát triển mà các tổ chức quốc quốc tế lớn khác thường áp dụng. Quĩ IFAD tập trung vào khuyến khích sự tham gia thực sự của người dân vào tất cả các bước thiết lập và thực hiện dự án.
(Theo mofahcm.gov.vn)