|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Kiến thức Kinh tế

Quĩ Dân số Liên hiệp quốc (UNFPA) là gì?

16:42 | 19/10/2019
Chia sẻ
Quĩ Dân số Liên hiệp quốc (UNFPA) có mục tiêu thúc đẩy sự tiếp cận đầy đủ của mọi người dân đến các dịch vụ chăm sóc sức khỏe sinh sản (bao gồm kế hoạch hóa gia đình), thực hiện các quyền về sức khỏe sinh sản, giảm tỉ lệ tử vong mẹ.
unfpa

Quĩ Dân số Liên hiệp quốc

Khái niệm

Quĩ Dân số Liên hiệp quốc trong tiếng Anh là United Nations Population Fund, trước đây là Quĩ Liên hiệp quốc cho hoạt động dân số (United Nations Fund for Population Activities), được viết tắt là UNFPA.

Quĩ Dân số Liên hiệp quốc (UNFPA) là một tổ chức phát triển thuộc hệ thống Liên hợp quốc (LHQ), có mục tiêu thúc đẩy sự tiếp cận đầy đủ của mọi người dân đến các dịch vụ chăm sóc sức khỏe sinh sản (bao gồm kế hoạch hóa gia đình), thực hiện các quyền về sức khỏe sinh sản, giảm tỉ lệ tử vong mẹ. 

Trọng tâm hoạt động của UNFPA là thúc đẩy việc thực hiện Chương trình nghị sự của Hội nghị quốc tế về Dân số và Phát triển (ICPD), các Mục tiêu Thiên niên kỷ (MDG), trước đây và các Mục tiêu phát triển bền vững hiện nay về tăng cường sức khỏe sinh sản, dân số và phát triển.

Sự ra đời và cơ cấu tổ chức

UNFPA bắt đầu các hoạt động từ năm 1969 và lúc đầu được đặt dưới sự quản lý của Chương trình Phát triển Liên hợp quốc (UNDP). Năm 1971, Đại hội đồng LHQ giao cho UNFPA đóng vai trò chính trong việc thúc đẩy các hoạt động về dân số. Năm 1972, do sự phát triển về nguồn vốn và phạm vi hoạt động, UNFPA được đặt dưới sự điều hành trực tiếp của Đại hội đồng LHQ. Các nước thành viên của LHQ đều được coi là thành viên của UNFPA. Tổng ngân sách hoạt động hàng năm trung bình gần 1 tỷ USD.

Bà Natalia Kanem, quốc tịch Panama, hiện là Phó Tổng Thư ký LHQ, Giám đốc chấp hành UNFPA, chính thức nhậm chức từ tháng 10/2017.

Cơ quan điều hành UNFPA là Hội đồng chấp hành, gồm 36 thành viên. Các thành viên Hội đồng chấp hành UNFPA cũng đồng thời là thành viên Hội đồng chấp hành UNDP. Hội đồng chấp hành UNDP-UNFPA chịu sự chỉ đạo về mặt chính sách của Đại hội đồng LHQ và Hội đồng Kinh tế-Xã hội LHQ (ECOSOC).

Tôn chỉ mục đích

 - Trợ giúp các nước đang phát triển thông qua việc cung cấp các dịch vụ có chất lượng trong sức khỏe sinh sản và kế hoạch hóa gia đình trên cơ sở sự lựa chọn của cá nhân. Hỗ trợ việc xây dựng các chính sách dân số phục vụ phát triển bền vững.

- Thúc đẩy việc thực hiện các nội dung của Chương trình hành động của Hội nghị quốc tế về Dân số và Phát triển (ICPD) năm 1994 và được điều chỉnh/bổ sung tại Khóa họp đặc biệt của Đại hội đồng LHQ năm 1999 (ICPD+5).

- Thúc đẩy sự hợp tác và điều phối giữa các tổ chức LHQ, các tổ chức song phương, các chính phủ, các tổ chức phi chính phủ (NGOs) và khu vực tư nhân trong việc giải quyết các vấn đề dân số và phát triển, sức khỏe sinh sản, bình đẳng giới và nâng cao địa vị phụ nữ.

Các hình thức hỗ trợ của UNFPA

Hỗ trợ của UNFPA mang tính chất hỗ trợ kĩ thuật thông qua các chương trình, dự án viện trợ được xây dựng với sự phối hợp của Chính phủ nước nhận viện trợ, tập trung vào ba lĩnh vực, chương trình chính sau:

- Sức khỏe sinh sản: Hỗ trợ việc cung cấp các dịch vụ chăm sóc sức khỏe sinh sản (SKSS), bao gồm việc đưa ra nhiều lựa chọn về các biện pháp kế hoạch hóa gia đình và cung cấp thông tin.

- Chiến lược Dân số và Phát triển: Giúp các nước xây dựng, thực hiện và đánh giá các chính sách dân số tổng thể như là một phần trọng tâm của chiến lược phát triển bền vững. Sự hỗ trợ này bao gồm việc thu thập, phân tích số liệu và nghiên cứu về dân số.

- Thông tin-giáo dục-truyền thông: UNFPA thực hiện các hoạt động thông tin-giáo dục-truyền thông về các mục tiêu của Hội nghị quốc tế về Dân số và Phát triển (ICPD) năm 1994 và Khóa họp đặc biệt của Đại hội đồng LHQ năm 1999 (ICPD+5) bao gồm sức khỏe sinh sản và các quyền về sức khỏe sinh sản, nâng cao vị thế của phụ nữ, giảm tử vong mẹ và trẻ sơ sinh, tăng cường năng lực quốc gia về xây dựng và thực hiện các chiến lược về dân số và phát triển, nâng cao nhận thức và tăng các nguồn lực về dân số và phát triển.      

(Theo mofahcm.gov.vn)

Khối ngoại chưa dừng bán ròng tuần VN-Index hồi phục
Bất chấp xu hướng hồi phục của TTCK, NĐT nước ngoài đẩy mạnh bán ròng gần 5.200 tỷ đồng trên HOSE. Điểm sáng là trong phiên cuối tuần khối ngoại đảo chiều mua ròng nhẹ hơn 31 tỷ đồng. Đây là phiên mua ròng đầu tiên sau 21 ngày bán ròng liên tiếp.