|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Thời sự

Qui chế đặc biệt của Hong Kong là gì và hậu quả sẽ ra sao nếu bị Mỹ tước bỏ?

13:26 | 29/05/2020
Chia sẻ
Ngày 27/5, Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo tuyên bố Bộ Ngoại giao không còn xem Hong Kong là đặc khu tự trị "để có thể hưởng ưu đãi thương mại đặc biệt theo luật pháp Mỹ như được áp dụng trước tháng 7/1997".
Qui chế đặc biệt của Hong Kong là gì và hàm ý nếu Mỹ thu hồi ưu đãi - Ảnh 1.

Người dân Hong Kong đi bộ dưới một màn hình khổng lồ truyền hình trực tiếp phiên họp quốc hội của Đại hội Nhân dân Quốc gia Trung Quốc hôm thứ 28/5.(Ảnh: AP)

Tuyên bố của Ngoại trưởng Mike Pompeo được đưa ra sau khi Bắc Kinh cho biết Quốc hội sẽ bỏ phiếu dự luật an ninh quốc gia đối với đặc khu hành chính Hong Kong. Đến chiều ngày 28/5, Quốc hội Trung Quốc đã chính thức thông qua nghị quyết cho phép soạn thảo chi tiết luật an ninh quốc gia với sự tham vấn của chính quyền Hong Kong.

Giới chuyên gia đang đồn đoán về khả năng chính phủ Mỹ thu hồi qui chế đặc biệt của Hong Kong như một biện pháp đáp trả động thái mới nhất của Trung Quốc. NPR đã điểm lại một số ý chính liên quan đến sự việc dưới đây:

Qui chế đặc biệt của Hong Kong cụ thể là gì?

5 năm trước khi Anh trao quyền kiểm soát Hong Kong cho Trung Quốc vào ngày 1/7/1997, các nhà hoạch định chính sách Mỹ đã đồng ý tiếp tục đối xử với đặc khu này như một thực thể riêng biệt với Trung Quốc đại lục cho đến ngày nay.

Theo Đạo luật Chính sách Mỹ - Hong Kong năm 1992, Mỹ áp dụng một qui chế đặc biệt với Hong Kong dù xem đặc khu này là một phần của Trung Quốc. Cũng theo đạo luật trên, Washington còn ban hành các thỏa thuận nhằm kiểm soát quan hệ Mỹ - Hong Kong trên nhiều lĩnh vực, trong đó có thương mại.

Dưới góc nhìn của Mỹ, có lẽ thương mại và kinh tế là hai lĩnh vực mà Hong Kong tách biệt khỏi Trung Quốc đại lục nhiều nhất. Mỹ công nhận Hong Kong là một lãnh thổ hải quan độc nhất nên Hong Kong gần như không bị ảnh hưởng bởi cuộc thương chiến giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới.

Theo NPR, Hong Kong là một trong các thị trường xuất khẩu lớn nhất của Mỹ và thuế quan mà Hong Kong áp vào hàng hóa Mỹ là 0%.

Hong Kong cũng là một trung tâm tài chính toàn cầu quan trọng. Đây là vị thế mà đặc khu này đạt được sau hàng chục năm mở cửa kinh tế và tuân thủ pháp trị. Ngoài ra, Hong Kong là một điểm nút đầu tư quan trọng cho dòng vốn vào và ra khỏi Trung Quốc đại lục.

Qui chế đặc biệt của Hong Kong có thể bị xóa sổ hay không?

Hiện tại, chính phủ Mỹ chưa thu hồi qui chế đặc biệt của Hong Kong.

Theo Đạo luật Nhân quyền và Dân chủ Hong Kong năm 2019 yêu cầu Bộ Ngoại giao Mỹ phải chứng thực ít nhất mỗi năm một lần rằng Hong Kong vẫn duy trì đủ quyền tự chủ để nhận được ưu đãi đặc biệt, khác với chính sách áp dụng cho Trung Quốc đại lục.

Vì thế, tuyên bố của Ngoại trưởng Pompeo mở ra cánh cửa cho phép Tổng thống Trump áp dụng một loạt các biện pháp trừng phạt, trong đó có phương án thu hồi qui chế đặc biệt của Hong Kong.

Theo luật pháp Mỹ, qui chế đặc biệt có từ tháng 7/1997 của Hong Kong luôn phải phụ thuộc vào sự tuân thủ của Trung Quốc trong việc duy trì mức độ tự trị nhất định cho đặc khu hành chính này.

Cam kết của Trung Quốc được qui định trong Luật Cơ bản Hong Kong. Luật này cho phép Hong Kong quản lí vấn đề nội bộ trong hầu như tất cả các lĩnh vực ngoại trừ chính sách quốc phòng và ngoại giao theo qui chế "một quốc gia, hai chế độ".

Luật Cơ bản Hong Kong yêu cầu chính quyền thành phố ban hành luật riêng nhằm cấm hành vi phản quốc, dụ dỗ, lật đổ, trộm cắp bí mật nhà nước và cấm các tổ chức chính trị nước ngoài hoạt động ở Hong Kong.

Chính quyền Hong Kong đã nỗ lực ban hành một đạo luật an ninh như trên vào năm 2003 nhưng bất thành do vấp phải sự phản đối của công chúng. Các nhà phê bình lo sợ những qui định trên có thể được sử dụng để dập tắt bất đồng chính kiến hoặc hạn chế quyền tự do của người dân.

Vì thế, Bắc Kinh đã hành động và quá trình soạn thảo luật an ninh quốc gia sẽ đơn phương áp đặt các qui định đó lên Hong Kong, vượt quyền cơ quan lập pháp của đặc khu.

Mất đặc quyền thương mại, hàm ý gì cho Hong Kong?

Ngày 27/5, ông David Stillwell - trợ lí Ngoại trưởng Mỹ về các vấn đề Đông Á và Thái Bình Dương, cho biết Mỹ sẽ "linh hoạt cân nhắc" khi buộc phải trả đũa Trung Quốc.

"Chúng tôi sẽ hành động một cách thông minh, bao quát hết các vấn đề và người dân mà chúng tôi quan tâm, đồng thời cho Bắc Kinh biết họ đang đi ngược lại những gì họ đồng ý tuân thủ năm 1997", ông Stillwell nói.

Theo NPR, đáp trả Trung Quốc có thể là một thách thức cho Mỹ.

Hong Kong từ lâu đã là "đất cắm dùi" cho các doanh nghiệp Mỹ khi mà đặc khu này sở hữu một thị trường thông thoáng, luật pháp phù hợp và tự do dân chủ. Theo Lãnh sự quán Mỹ tại Hong Kong, hiện có hơn 1.300 doanh nghiệp Mỹ hoạt động tại đây.

Trong khi đó, Văn phòng Đại diện Thương mại Mỹ cho biết thương mại song phương Mỹ - Hong Kong đạt gần 67 tỉ USD năm 2018 và vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài của Mỹ tại đây đạt tổng cộng hơn 82 tỉ USD vào năm 2017.

"Gần như mọi công ty tài chính lớn của Mỹ đều có mặt tại Hong Kong, quản lí hàng trăm tỉ USD tài sản ngay tại thị trường này", báo cáo chính sách Hong Kong năm 2019 của Bộ Ngoại giao Mỹ nêu rõ.

Bên cạnh Mỹ, Australia, Canada và Anh cũng đã ra tuyên bố về vấn đề Hong Kong hôm 28/5. Ba nước này bày tỏ thái độ quan ngại sâu sắc về quyết định áp đặt luật an ninh quốc gia của Trung Quốc với đặc khu và cho rằng hành động của Bắc Kinh gây tổn hại tới sự ổn định và thịnh vượng của Hong Kong.

Nếu Mỹ quyết định thu hồi đặc quyền thương mại của Hong Kong, doanh nghiệp hoạt động tại Hong Kong có thể chịu thêm căng thẳng và động thái đó chắc chắn sẽ thúc đẩy Trung Quốc trả đũa.

Khả Nhân

Mục tiêu tăng trưởng kim ngạch xuất nhập khẩu 12% có khả thi?
Theo TS, Võ Trí Thành, mục tiêu tăng trưởng kim ngạch xuất nhập khẩu 12% trong năm 2025 là không dễ dàng khi những đối tác quan trọng của Việt Nam như Mỹ, Trung Quốc và Liên minh châu Âu dự báo là tăng trưởng thấp hơn năm 2024. Đặc biệt, những chính sách bảo hộ thương mại của Mỹ có thể cản trở mạnh mẽ đến gia tăng thương mại toàn cầu thế giới, trong đó có Việt Nam.