Trung Quốc sẵn sàng ứng phó khi quốc tế phản đối dự luật an ninh Hong Kong
Các cố vấn của chính phủ Trung Quốc cho biết Bắc Kinh đã dự trù rằng căng thẳng với Washington sẽ leo thang sau khi Quốc hội nước này thông qua nghị quyết đồng ý soạn thảo luật an ninh quốc gia đối với đặc khu hành chính Hong Kong.
Tuy nhiên, đòn trả đũa của Bắc Kinh sẽ phụ thuộc vào hành động của chính quyền Tổng thống Trump, South China Morning Post dẫn lời các cố vấn trên cho hay.
"Bắc Kinh đã trù liệu trước về những lời đe dọa của chính phủ Mỹ. Tuy nhiên, động thái đe dọa của Washington không thể ngăn chặn Quốc hội thông qua luật an ninh quốc gia Hong Kong. Chúng tôi đã chuẩn bị sẵn cho trường hợp xấu nhất", ông Ruan Zongze - nghiên cứu viên cấp cao tại Viện Nghiên cứu Quốc tế Trung Quốc thuộc Bộ Ngoại giao Trung Quốc nói.
Quan chức từ hai nền kinh tế lớn nhất thế giới đã tranh cãi ngay tại phiên họp của Liên Hợp Quốc hôm nay (ngày 28/5). Theo đó, Washington yêu cầu tổ chức một cuộc họp khẩn về đặc khu hành chính Hong Kong nhưng Bắc Kinh từ chối.
Phái đoàn Trung Quốc tại Liên Hợp Quốc cho biết yêu cầu trên là "vô căn cứ" và dự luật an ninh quốc gia Hong Kong là vấn đề nội bộ của Trung Quốc.
Cách đây vài giờ, Quốc hội Trung Quốc đã chính thức thông qua nghị quyết cho phép soạn thảo chi tiết dự luật nêu trên với sự tham vấn chính quyền Hong Kong.
Hôm 27/5, Ngoại trưởng Mike Pompeo tuyên bố Bộ Ngoại giao Mỹ không còn xem Hong Kong là đặc khu tự trị, đồng thời nhấn mạnh sự ủng hộ của chính phủ Mỹ với phong trào biểu tình dân chủ tại Hong Kong.
Ngoại trưởng Pompeo nói: "Đạo luật Chính sách Hong Kong yêu cầu Bộ Ngoại giao Mỹ phải đánh giá lại quyền tự trị của đặc khu hành chính này. Sau khi nghiên cứu kĩ về các diễn biến trong giai đoạn được báo cáo, tôi chứng nhận trước Quốc hội Mỹ rằng Hong Kong không còn có thể hưởng ưu đãi thương mại đặc biệt theo luật pháp Mỹ như được áp dụng trước tháng 7/1997".
"Xét theo các phát hiện mới, không ai với đủ nhận thức lại có thể khẳng định rằng Hong Kong hiện nay đang duy trì được mức độ tự trị cao tại Trung Quốc", ông Pompeo nói thêm.
Ngoại trưởng Pompeo nói tiếp: "Tôi không hề muốn tước bỏ ưu đãi thương mại đặc biệt của Hong Kong nhưng phải nhìn nhận sát thực tế thì mới có thể đưa ra chính sách đúng đắn. Mỹ từng hi vọng rằng một Hong Kong tự do và thịnh vượng sẽ là hình mẫu cho Trung Quốc, tuy nhiên hiện nay rõ ràng Trung Quốc đang muốn buộc Hong Kong noi theo gương họ".
Tương lai đặc quyền thương mại của Hong Kong
Quyết định của Bộ Ngoại giao Mỹ cũng đặt ra câu hỏi liệu ưu đãi thương mại đặc biệt của Hong Kong theo luật pháp Mỹ có bị thu hồi hay không. Đạo luật Nhân quyền và Dân chủ Hong Kong năm 2019 yêu cầu Bộ Ngoại giao Mỹ phải chứng thực ít nhất mỗi năm một lần rằng Hong Kong vẫn duy trì đủ quyền tự chủ để nhận được ưu đãi đặc biệt, khác với chính sách áp dụng cho Trung Quốc đại lục.
Trợ lí Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Mỹ David Stilwell cho hay Nhà Trắng sẽ quyết định biện pháp đối phó, trong đó có nhiều lựa chọn như xử phạt quan chức Trung Quốc, thu hồi ưu đãi thương mại đặc biệt của Hong Kong.
Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Anh, Australia và Canada đã ra thông báo chung, bày tỏ thái độ quan ngại về động thái trên, trong khi Liên minh châu Âu (EU) kêu gọi cần phải bảo vệ quyền tự trị của đặc khu hành chính này.
Cả ông Ruan Zongze và đồng nghiệp Shi Yinhong - giáo sư quan hệ quốc tế tại Đại học Nhân dân Trung Quốc, đều nhất trí rằng việc hủy bỏ ưu đãi thương mại đặc biệt của Hong Kong là khó xảy ra.
"Tôi nghĩ chính phủ Mỹ khá do dự, họ không chắc nên phản ứng với luật an ninh quốc gia mới của Bắc Kinh mạnh mẽ đến đâu. Nhiều khả năng Washington sẽ không thu hồi đặc quyền thương mại của Hong Kong vì điều đó cũng sẽ gây tổn hại cho lợi ích của Mỹ tại đặc khu này", ông Shi lí giải.
Ông Ruan lại lập luận, "làn sóng phản đối của phương Tây không đại diện cho phản ứng chung của cộng đồng quốc tế". Giáo sư Shi Yinhong dự đoán quá trình hủy bỏ ưu đãi đặc biệt của Kong Kong có thể kéo dài trong 5, hoặc thậm chí là 10 năm.
Cho đến nay, một số ít đồng minh thân cận nhất như Nga, Iran và Campuchia đã lên tiếng ủng hộ Trung Quốc, cho rằng luật an ninh mới là vấn đề nội bộ của Bắc Kinh.
Theo SCMP, Bắc Kinh cũng không đưa ra bình luận chính thức nào về nhận xét của ông Pompeo, tuy nhiên phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Triệu Lập Kiên cho hay Trung Quốc sẽ phản đòn nếu Mỹ trừng phạt Bắc Kinh.
Ông Hồ Tích Tiến, tổng biên tập tờ Thời báo Hoàn cầu, nói rằng thu hồi đặc quyền thương mại của Hong Kong là lựa chọn duy nhất của ông Trump nhưng bước đi đó sẽ làm tổn hại đến lợi ích của Mỹ. Hiện tại, có khoảng 85.000 công dân Mỹ đang sinh sống và làm việc tại Hong Kong.