Quản trị cung ứng nguyên vật liệu là gì? Nội dung quản trị
Hình minh hoạ (Nguồn: hamdaoui)
Quản trị cung ứng nguyên vật liệu
Khái niệm
Quản trị cung ứng nguyên vật liệu là tổng hợp các hoạt động quản trị, xác định cầu và các chỉ tiêu dự trữ nguyên vật liệu; tổ chức mua sắm, vận chuyển và dự trữ hợp lí nhất nhằm đảm bảo luôn cung ứng đúng, đủ các loại nguyên vật liệu theo tiêu chuẩn chất lượng và thời gian phù hợp với hiệu quả cao nhất.
Vai trò
Mục tiêu của hoạt động cung ứng nguyên vật liệu là luôn đảm bảo cung ứng đầy đủ, đúng chủng loại, số lượng và chất lượng nguyên vật liệu cần thiết cho quá trình sản xuất với chi phí kinh doanh tối thiểu.
Và để thực hiện được điều đó, phải thực hiện tốt công tác quản trị mua sắm, vận chuyển, và dự trữ; tức là thực hiện tốt hoạt động quản trị cung ứng nguyên vật liệu.
Nội dung quản trị
Quản trị cung ứng nguyên vật liệu bao gồm các nội dung chủ yếu sau:
- Các chỉ tiêu trong cung ứng và dự trữ nguyên vật liệu
Xác định số lượng nguyên vật liệu cần cung ứng
Xác định chất lượng và dự kiến người cung ứng
Xác định lượng đặt hàng và dự trữ tối ưu
Xác định lượng dự trữ tối thiểu cần thiết
Xác định lượng thông báo hay khoảng cách đặt hàng
- Lựa chọn người cung ứng
Việc lựa chọn người cấp hàng với tổng giá cả và chi phí vận tải nhỏ nhất sẽ ảnh hưởng không nhỏ tới giá thành sản phẩm và làm tăng lợi nhuận có thể thu được.
Có nhiều quan điểm khác nhau về lựa chọn người cấp hàng: thường xuyên lựa chọn người cấp hàng hoặc không thường xuyên lựa chọn người cấp hàng.
- Xây dựng và quản trị hệ thống kho tàng
Việc tính toán, bố trí hệ thống kho tàng phải nhằm mục tiêu đáp ứng kịp thời yêu cầu sản xuất với tổng chi phí kinh doanh mua sắm, vận chuyển và lưu kho tối thiểu.
Xác định số lượng, hình thức xây dựng cũng như địa điểm đặt kho tối ưu là nội dung có ý nghĩa với các doanh nghiệp.
- Tổ chức hoạt động vận chuyển
Tổ chức hoạt động vận chuyển của doanh nghiệp chịu ảnh hưởng của các nhân tố:
Khối lượng, quãng đường và đặc điểm của đối tượng vận chuyển cũng như các tính toán và quyết định về qui mô, đặc điểm đối tượng vận chuyển, sự phân bố sản xuất (cung cấp nguyên vật liệu, mua và bán hàng) về không gian, địa điểm của doanh nghiệp, của khu vực sản xuất cũng như sự cân nhắc về chi phí kinh doanh vận chuyển.
(Tài liệu tham khảo: Quản trị các đối tượng gắn với môi trường bên ngoài của doanh nghiệp, Tiến sĩ Vũ Trọng Nghĩa, Đại học Kinh tế quốc dân)