|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Kiến thức Kinh tế

Phân vùng (Zoning) quản lí chất lượng môi trường là gì?

15:51 | 09/10/2019
Chia sẻ
Phân vùng (tiếng Anh: Zoning) quản lí chất lượng môi trường là công cụ quan trọng để quản lí chất lượng môi trường.
143407baoxaydung_image001

Phân vùng (Zoning) (Nguồn: Market Business News)

Phân vùng (Zoning)

Phân vùng - danh từ, trong tiếng Anh được dùng bởi cụm từ Zoning.

Phân vùng là một khái niệm mang tính kĩ thuật được sử dụng ở nhiều lĩnh vực khác nhau. Trong thiết kế qui hoạch môi trường, phân vùng được sử dụng như là một công cụ quan trọng mới mục đích quản lí chất lượng môi trường.

Phân vùng quản lí chất lượng môi trường được áp dụng rộng rãi, từ mục tiêu bảo vệ một yếu tố tài nguyên nào đó, như qui hoạch quản lí chất lượng nước mặt theo các mục đích sử dụng khác nhau, đến qui hoạch quản lí chất lượng môi trường một lãnh thổ... (Theo Môi trường trong qui hoạch xây dựng, NXB Xây dựng)

Nội dung phân vùng quản lí chất lượng môi trường

Việc phân vùng ấn định các khu vực môi trường với các đòi hỏi về chất lượng môi trường khác nhau (cũng có nghĩa là đáp ứng các tiêu chuẩn môi trường khác nhau), từ đó đưa đến khả năng kiểm soát các hoạt động, mức độ khai thác tài nguyên, mức độ cho phép trong xả thải các loại chất thải vào môi trường khu vực, mức độ đầu tư... là khác nhau, nhưng cần phải hài hòa trong một hệ thống môi trường chung với tiêu chí là bền vững môi trường trong tương lai.

Việc đề xuất phân vùng trong không gian môi trường qui hoạch nên là việc làm có tính bắt buộc, bởi vì chỉ có như vậy thì việc quản lí môi trường ở từng khu vực mới có tính khả thi, đồng thời nhằm hướng dẫn và kiểm soát các hoạt động phát triển trong mỗi khu vực theo "chức năng môi trường" đã được hoạch định. 

Điều này cũng có nghĩa là kĩ năng phân vùng giữ một vai trò cực kì quan trọng trong việc nâng cao chất lượng của bước thiết kế qui hoạch môi trường, đặc biệt là mối liên hệ giữa thiết kế qui hoạch môi trường với thiết kế qui hoạch xây dựng.

Thực tiễn phân vùng quản lí chất lượng môi trường trên thế giới

Trong thực tiễn, tại nhiều quốc gia trên thế giới việc phân vùng môi trường trong qui hoạch đã được ứng dụng. 

Ví dụ qui hoạch môi trường thung lũng Honghe (Kunming, Trung Quốc) đã dựa trên những nghiên cứu sâu sắc về mối tương tác, những ảnh hưởng và những điều luật hiện hành liên quan tới các lĩnh vực dân số, tài nguyên, kinh tế và môi trường mà chia lãnh thổ qui hoạch thành các "khu vực chức năng môi trường" và các "khu vực chức năng thành phần môi trường", với mức độ đầu tư phát triển, các biện pháp kiểm soát, các chính sách quản lí môi trường khác nhau nhằm tạo sự bền vững cho toàn thung lũng.

Việc qui hoạch thành phố Tokyo (Nhật Bản) cũng được phân vùng dựa trên qui hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội dài hạn của thành phố. Trên cơ sở xác định các vấn đề môi trường cần được xem xét trong qui hoạch mà phân vùng quản lí môi trường. 

Tokyo được phân thành 8 "vùng môi trường" với những giải pháp quản lí, đầu tư, chính sách khác nhau... nhằm đảm bảo tính bền vững của toàn thành phố trong tương lai. (Theo Môi trường trong qui hoạch xây dựng, NXB Xây dựng)

Khai Hoan Chu