Phân phối hàng hóa vật chất (Material Goods Distribution) là gì?
Hình minh họa ( Nguồn: Neovia Logicstics)
Phân phối hàng hóa vật chất (Material Goods Distribution)
Khái niệm
Phân phối hàng hóa vật chất tiếng Anh là Material Goods Distribution.
Phân phối hàng hóa vật chất là hoạt động lập kế hoạch, thực hiện và kiểm tra việc vận tải và lưu kho hàng hóa từ nơi sản xuất đến nơi tiêu dùng nhằm phục vụ nhu cầu của khách hàng ở thị trường mục tiêu và thu được lợi nhuận cao nhất.
Bản chất
Phân phối hàng hóa vật chất phải đảm bảo cung cấp lợi ích và đáp ứng nhu cầu khách hàng với mức dịch vụ và chi phí thích hợp. Chi phí phân phối hàng hóa vật chất chiếm tỉ trọng lớn trong tổng chi phí phân phối và tổng chi phí của doanh nghiệp. Vì vậy, nhà quản trị marketing rất quan tâm đến tổng chi phí phân phối vật chất để cố gắng tiết kiệm chi phí.
Những chi phí phân phối hàng hóa vật chất cơ bản bao gồm các chi phí vận tải, lưu kho, bảo quản hàng, dự trữ, bốc xếp, giao nhận, đóng gói hàng hóa, những chi phí hành chính và chi phí xử lí đơn đặt hàng.
Phân phối hàng hóa vật chất là công cụ có tiềm năng để tạo ra nhu cầu. Nhờ hệ thống phân phối hàng hóa vật chất tốt có thể giảm chí và qua đó giảm giá bán để thu hút thêm được khách hàng.
Các quyết định phân phối hàng hóa vật chất
Khi đã xác định các mục tiêu phân phối hàng hóa vật chất, phải quyết định các vấn đề lớn sau: xử lí đơn đặt hàng, kho bãi, lưu kho, vận tải.
Xử lý đơn đặt hàng
Việc phân phối hàng hóa vật chất bắt đầu với một đơn đặt hàng khách hàng. Bộ phận xử lí đơn đặt hàng phải thực hiện các công việc xử lí đơn hàng nhanh chóng, kiểm tra khách hàng, đặc biệt là khả năng thanh toán.
Cần lập các hóa đơn càng nhanh càng tốt để gửi tới các bộ phận khác nhau. Các thủ tục để giao hàng cho khách được tiến hành kịp thời. Nhiều công ty đã sử dụng máy tính cùng các công cụ thông tin tiên tiến để thực hiện nhanh nhất qui trình xử lí đơn đặt hàng,
Quyết định về kho bãi dự trữ hàng
Việc dự trữ hàng hóa trong các khâu phân phối là cần thiết bởi vì sản xuất và tiêu thụ ít khi cùng nhịp, nó giúp giải quyết mâu thuẫn giữa thời gian, địa điểm sản xuất với thời gian, địa điểm tiêu dùng,
Doanh nghiệp phải quyết định số lượng những địa điểm kho bãi, xây dựng kho bãi riêng hay thuê kho bãi công cộng. Với kho bãi riêng, công ty dễ kiểm soát nhưng vốn lớn và khó thay đổi. Khi sử dụng kho công cộng, công ty phải trả tiền thuê và phải có các dịch vụ bổ sung nhưng lại được lựa chọn kiểu địa điểm cũng như các yêu cầu khác.
Doanh nghiệp có thể vừa sử dụng các kho bảo quản lâu dài, vừa sử dụng các kho trung chuyển. Ở các kho bảo quản lâu dài, hàng khó dự trữ trong khoảng thời gian vừa và dài.
Ngày nay, nhiều phương tiện kĩ thuật hiện đại như máy nâng hàng, máy tính,... đã được sử dụng để sắp xếp, bảo quản, bốc dỡ hàng hóa ở các kho.
Quyết định khối lượng hàng hóa dự trữ trong kho
Quyết định khối lượng hàng hóa dự trữ trong kho có thể ảnh hưởng đến sự thỏa mãn của khách hàng.
Các doanh nghiệp đều muốn hàng dự trữ trong kho đủ để đáp ứng các đơn đặt hàng ngay lập tức. Nhưng đối với công ty việc một khối lượng hàng dự trữ lớn sẽ là không có lợi do chi phí lưu kho tăng dần theo mức độ tăng của lượng hàng dự trữ và chúng ảnh hưởng đến doanh số và lợi nhuận.
Quyết định về lưu kho nghĩa là phải biết lúc nào cần đặt thêm hàng và đặt thêm bao nhiêu. Doanh nghiệp phải xác định điểm đặt hàng mới đó là mức hàng tồn kho mà nếu thấp hơn số đó, doanh nghiệp không thể đáp ứng đơn đặt hàng và họ phải đặt hàng mới. Ngược lại nếu mức lưu kho quá cao sẽ gây lãng phí do hàng ứ đọng.
Quyết định về vận tải
Người quản trị kênh phân phối phải làm các quyết định thực hiện việc vận tải như thế nào. Việc lựa chọn phương tiện như nào sẽ ảnh hưởng đến chi phí và giá bán sản phẩm và đến với giao hàng có đúng hẹn không và tình trạng của hàng hóa khi tới nơi và cuối cùng đến sự thỏa mãn khách hàng.
Trong việc vận chuyển hàng các doanh nghiệp có thể lựa chọn năm phương tiện vận tải: Đường sắt, đường thuỷ, đường bộ, đường ống và đường hàng không. Mỗi loại phương tiện này có tốc độ vận chuyên khác nhau, khả năng bảo đảm hàng hóa không bị hư hỏng khác nhau, chi phí khác nhau và vì vậy chúng thường thích hợp với những hàng hóa nhất định.
Khi lựa chọn phương tiện vận chuyển hàng cụ thể, doanh nghiệp phải tính đến sáu yếu tố gồm: Tốc độ vận chuyển, tần suất giao hàng, độ tin cậy, khả năng vận chuyển các loại hàng hóa khác nhau, khả năng vận chuyển đến địa điểm theo yêu cầu và cuối cùng là chi phí vận chuyển.
(Tài liệu tham khảo: Giáo trình Quản trị Marketing, NXB Đại học Kinh tế Quốc dân)