Pfizer và Moderna đồng loạt tăng giá vắc xin COVID-19, hét giá cao hơn gấp 24 lần chi phí sản xuất
Trong lúc đại dịch COVID-19 đang hoành hành tại châu Âu, giá vắc xin COVID-19 cũng đang leo dốc. Theo Financial Times, giá của vắc xin Pfizer đã tăng hơn 1/4 và Moderna cũng đang tăng 1/10 so với mức giá cũ. Thay đổi về giá vắc xin COVID-19 được ghi nhận trong các hợp đồng cung cấp mới tại châu Âu.
Các hợp đồng cung cấp mới cho mũi tiêm tăng cường trước sự lây lan của biến chủng Delta ước tính sẽ đem lại doanh thu hàng chục tỷ USD trong năm nay cho Pfizer và Moderna. Theo Financial Times, tổng số mũi tiêm được thực hiện trong giai đoạn 2021 - 2023 trong các hợp đồng mới này có thể lên tới con số 2,1 tỷ mũi.
Giá mới dành cho một mũi vắc xin COVID-19 do Pfizer sản xuất 19,5 euro, trước đó giá là 15,5 euro. Moderna cũng tăng giá từ 19 euro lên 25,5 euro cho một liều. Hai công ty đã tích cực triển khai quảng bá, làm tăng giá trị của vắc xin về cả mặt y tế lẫn kinh tế.
Tuần trước, Pfizer đã nâng dự đoán doanh thu vắc xin năm tăng gần 1/3, đạt 33,5 tỷ USD sau khi doanh số bán hàng tăng gần gấp đôi trong quý II. CEO Albert Bourla nói rằng giá vắc xin tại các quốc gia phát triển cao gấp đôi so với các quốc gia đang phát triển hoặc có mức thu nhập thấp hơn.
Pfizer, công ty chia sẻ lợi nhuận với đối tác Đức là BioNTech, dự kiến sẽ tăng giá kể cả khi đại dịch kết thúc. Các nhà phân tích dự đoán doanh số của Pfizer sẽ đạt 56 tỷ USD trong khi Moderna sẽ chạm tới 30 tỷ USD khi họ đang thống trị phân khúc khách hàng cao cấp.
Các quan chức cho biết ủy ban và các chính phủ EU đã đồng ý trả một mức giá cao hơn để đảm bảo nguồn cung vắc xin từ Pfizer tại các nhà máy sản xuất ở châu Âu. Ngoài ra, theo các vị này, giá Pfizer mới tương đồng với mức giá đã thỏa thuận hồi đầu năm với đơn đặt hàng 10 triệu liều.
Trong khi đó, giá vắc xin Astra Zeneca được phát triển bởi Oxford gần như bằng giá vốn và được phân phối cho các nước thu nhập thấp. Doanh số của Astra Zeneca được dự đoán sẽ đạt 15 tỷ USD vào năm tới. Tuy nhiên, tại thị trường châu Âu, Astra Zeneca đang gặp một vài vấn đề về y tế.
Độc quyền vắc xin khiến các nước đang phát triển gặp khó
Trong khi đó, tuyên bố mới nhất của Liên minh Vaccine do tổ chức phi chính phủ Oxfam đưa ra hôm 29/7 cho biết vắc xin của Pfizer và Moderna đang được chào bán cho các chính phủ với mức giá cao hơn đến 41 tỷ USD so với chi phí sản xuất ước tính.
Cụ thể, Pfizer đã bán cho Liên minh châu Phi với mức giá thấp nhất là 6,75 USD/liều nhưng mức giá này vẫn cao gấp 6 lần so với chi phí sản xuất thực tế. Một liều vắc xin này bằng chi phí y tế dành cho một người dân Uganda trong năm. Trong khi đó, mức giá cao nhất mà Pfizer chào bán ít nhất là 28 USD, cao tới 24 lần chi phí sản xuất.
Liên minh châu u sẽ phải chi trả 31 tỷ euro cho 1,96 tỷ liều vắc xin. Trong khi đó, Moderna cũng "không hề kém cạnh" khi chào bán mức giá cao gấp 4 đến 13 lần chi phí thực tế. Đáng chú ý, hãng này bán cho Nam Phi với giá từ 30 - 40 USD/liều, cao gấp 15 lần.
Columbia là quốc gia Nam Mỹ đang phải chịu ảnh hưởng nặng nề từ dịch bệnh COVID-19 và phải trả giá gấp đôi nước Mỹ cho vắc xin của Moderna. Tổng chi phí quốc gia này chi cho Moderna và Pfizer lên tới 375 triệu USD.
Các nhà vận động tiêm chủng thuộc liên minh vắc xin nhân dân thế giới cho rằng nếu các hãng dược phẩm không trục lời từ COVID-19, giá vắc xin đã có thể rẻ hơn gần 5 lần.
Cho đến nay Pfizer và Moderna đã bán hơn 90% số vaccine của họ cho các quốc gia với giá cao gấp 24 lần chi phí sản xuất ước tính. Tuy nhiên, mới đây Pfizer thông báo họ sẽ cấp phép cho một công ty Nam Phi cung cấp và đóng gói 100 triệu liều để sử dụng ở châu Phi. Dù vậy, đây là một con số rất nhỏ so với nhu cầu của châu lục này.
Thay vì có thể giảm tải cho hệ thống sản xuất, tăng nguồn cung, cứu sống hàng triệu người, cả hai công ty đều không đồng ý chuyển giao đầy đủ công nghệ vắc xin với bất kỳ nhà sản xuất có năng lực nào ở các nước đang phát triển.
Maaza Seyoum, một thành viên của Liên minh châu Phi và Liên minh vắc xin châu Phi, cho biết: "Chừng nào các tập đoàn dược phẩm vẫn giữ được độc quyền về công nghệ vắc xin, họ sẽ luôn ưu tiên các hợp đồng mà họ có thể kiếm được nhiều lợi nhuận nhất, khiến các nước đang phát triển gặp khó."
"Với ngân sách của chính phủ đang khủng hoảng trên toàn thế giới và các trường hợp COVID gia tăng ở nhiều nước đang phát triển đã đến lúc đặt con người lên trước lợi nhuận".