Nhiều tài xế Go-Viet đặt đơn ảo khiến đối tác nhà hàng đối mặt nguy cơ mất tiền oan
Đối tác bán món ăn tố cáo Go-Viet
Vụ việc khiến các đối tác kinh doanh ẩm thực trên ứng dụng Go-Viet quan tâm nhất diễn ra vào ngày 23/11, khi một bài đăng trên mạng xã hội tố cáo Go-Viet tiết lộ công khai thông tin đối tác, đồng thời yêu cầu đối tác Go-Food phải thanh toán 1,2 tỉ đồng tiền chiết khấu.
Người đăng bài là Vũ Thu Trang, chủ cửa hàng Bếp Nhà Bông. Bếp Nhà Bông là đối tác của Go-Viet trong mảng giao, nhận đồ ăn.
Go-Viet qui định công ty sẽ thu 20% chiết khấu trên mỗi đơn hàng từ cửa hàng của chị Trang. Đổi lại, khách mua hàng của Bếp Nhà Bông sẽ nhận nhiều ưu đãi từ những phiếu giảm giá.
Chị Vũ Thu Trang phản ánh sự việc liên quan đến đơn hàng ảo trên mạng xã hội Facebook.
Chị Trang cho rằng Go-Viet đã tính số tiền chiết khấu mà Bếp Nhà Bông phải trả là 1.212.274.483 đồng. Dù vậy theo tính toán của chị, doanh số thực tế từ các đơn hàng của Go-Viet mang lại chỉ bằng 1/3 hoặc 1/4 con số mà công ty đưa ra.
Theo lời chị Trang, Go-Viet chưa có lời giải thích thỏa đáng ở thời điểm đó bất chấp việc chị đã làm việc trực tiếp trên văn phòng của công ty tại Hà Nội và thậm chí là trụ sở chính tại TP HCM.
Mánh khóe với đơn hàng ảo
Như phản ánh của chị Trang, trường hợp cửa hàng chỉ có doanh thu 1 triệu nhưng Go-Viet vẫn tính doanh thu 3-4 triệu và lấy 20% chiết khấu là việc hoàn toàn có thể xảy ra. Hiện tượng ấy xuất phát từ những đơn hàng "ảo" của Go-food.
Cụ thể, Go-Viet không chỉ hỗ trợ một số tiền cho tài xế sau mỗi đơn hàng, mà còn tặng điểm thưởng cho mỗi đơn giao đồ ăn thành công. Nhận càng nhiều điểm, cơ hội nhận thưởng trong ngày của tài xế càng cao. Đó chính là lí do nhiều tài xế thực hiện hành vi gian lận, đặc biệt là trong dịch vụ Go-food.
Với trường hợp Bếp Nhà Bông, một tài xế có thể nhờ bạn bè, người thân đặt đồ ăn từ một máy di động khác. "Khách hàng" đặt đồ sẽ nhận mã khuyến mại tùy thuộc vào giá trị đơn hàng. Ứng dụng sẽ chuyển tiền khuyến mại vào ví của tài xế.
Chạy "đơn ảo", tài xế vừa nhận tiền khuyến mại, vừa nhận điểm thưởng. Do đó nhiều tài xế đã lợi dụng kẽ hở của ứng dụng để gian lận tiền. Go-Viet vẫn tính "đơn ảo" trên hệ thống để thu phí 20% của các đối tác cung cấp đồ ăn. Do đó số những chủ cửa hàng như chị Trang là đối tượng chịu thiệt.
"Tôi cũng biết vụ việc Bếp Nhà Bông và từng chạy ở cửa hàng đó. Tôi nghĩ rằng phải 70% số đơn đặt hàng qua Bếp Nhà Bông là đơn ảo", anh Sơn, một tài xế Go-Viet, chia sẻ.
Bên cạnh đó, anh Sơn còn nói công ty đã có những chính sách để hạn chế gian lận từ phía tài xế, song nhiều trường hợp gian lận vẫn xảy ra.
Tài xế Go-Viet lên văn phòng Hà Nội phản đối chính sách hạ số tiền từ mỗi đơn Go-food của công ty. Ảnh: Lê Quý
"Không chỉ đơn giao đồ ăn ảo, nhiều tài xế còn đặt cuốc xe ảo. Go-Viet dù làm chặt bằng cách xác định địa điểm bắt đầu và kết thúc của đơn hàng, nhưng đôi khi lại khiến nhiều người rơi vào cảnh tình ngay lí gian. Người gian lận không sao còn người trung thực lại bị khóa tài khoản nhầm", anh Sơn cho biết thêm.
Không những các đối tác nhà hàng như Bếp Nhà Bông gặp rắc rối về vấn đề đơn hàng ảo, một vài khách hàng cũng tỏ ra khó chịu với những tài xế "khôn vặt".
"Có lần tôi gọi đồ ăn với quãng đường khoảng 5 km. Hiện tại Go-Viet đã bắt đầu thu phí vận chuyển đồ ăn chứ không miễn phí như trước nữa. Tài xế báo là đã nhận đơn hàng. Một lúc sau có thông tin hàng đã tới nơi nhưng không thấy thông báo gì thêm", anh Quý, một khách hàng quen thuộc của Go-food nói.
Sự xuất hiện những hàng ảo là hiện tượng tất yếu của các ứng dụng gọi xe, đặc biệt là những ứng dụng cung cấp nhiều mã khuyến mại và tiền thưởng cho các đối tác tài xế nhưng chưa thật sự có biện pháp triệt để kiểm soát"đơn ảo".
Hiện tại, phía Go-Viet vẫn chư phản hồi gì thêm về việc giảm thưởng cho các tài xế chạy Go-food.
Những lùm xùm của Go-Viet trong thời gian gần đây
Ngày 21/11, người dùng không thể gõ các cụm từ Hoàng Sa, Trường Sa trên ứng dụng Go-Viet. Bên cạnh đó trên bản đồ của hãng gọi xe cũng không có hình ảnh của hai quần đảo trên Biển Đông. Công ty giải thích rằng đó là lỗi lập trình và đã nhanh chóng sửa lỗi.
Không lâu sau vụ việc đó, Go-Viet tiếp tục dính vào một lùm xùm khác, lần này đến từ mảng giao đồ ăn Go-food.
Sáng 25/11, nhiều đối tác Go-Viet đã tập trung ở văn phòng công ty tại Hà Nội để phản đối việc giảm chính sách thưởng cho các đối tác ở mảng giao nhận đồ ăn.