|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Kiến thức Kinh tế

Người lao động nước ngoài (Foreign Worker) làm việc tại Việt Nam là ai?

01:04 | 13/03/2020
Chia sẻ
Người lao động nước ngoài (tạm dịch: Foreign Worker) làm việc tại Việt Nam là người có quốc tịch nước ngoài và phải đáp ứng các điều kiện pháp luật qui định.
Người lao động nước ngoài (Foreign Worker) làm việc tại Việt Nam là ai? - Ảnh 1.

Người lao động nước ngoài (Foreign Worker) (Ảnh: Luật Việt Nam)

Người lao động nước ngoài (Foreign Worker)

Người lao động nước ngoài - danh từ, trong tiếng Anh tạm dịch là Foreign Worker.

Người lao động nước ngoài làm việc tại Việt Nam là người có quốc tịch nước ngoài và phải đáp ứng các điều kiện sau đây:

a) Đủ 18 tuổi trở lên và có năng lực hành vi dân sự đầy đủ;

b) Có trình độ chuyên môn, kĩ thuật, tay nghề, kinh nghiệm làm việc; có đủ sức khỏe theo qui định của Bộ trưởng Bộ Y tế;

c) Không phải là người đang trong thời gian chấp hành hình phạt hoặc chưa được xóa án tích hoặc đang trong thời gian bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo qui định của pháp luật nước ngoài hoặc pháp luật Việt Nam;

d) Có giấy phép lao động do cơ quan nhà nước có thẩm quyền của Việt Nam cấp, trừ trường hợp pháp luật qui định. 

Người lao động nước ngoài làm việc tại Việt Nam phải tuân theo pháp luật lao động Việt Nam và được pháp luật Việt Nam bảo vệ, trừ trường hợp điều ước quốc tế mà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên có qui định khác.

Thời hạn của hợp đồng lao động đối với người lao động nước ngoài làm việc tại Việt Nam không được vượt quá thời hạn của Giấy phép lao động. Khi sử dụng người lao động nước ngoài làm việc tại Việt Nam, hai bên có thể thỏa thuận giao kết nhiều lần hợp đồng lao động xác định thời hạn.

Người lao động nước ngoài không thuộc diện cấp giấy phép lao động

1. Là chủ sở hữu hoặc thành viên góp vốn của công ty trách nhiệm hữu hạn có giá trị góp vốn theo qui định của Chính phủ.

2. Là Chủ tịch Hội đồng quản trị hoặc thành viên Hội đồng quản trị của công ty cổ phần có giá trị góp vốn theo qui định của Chính phủ.

3. Là Trưởng văn phòng đại diện, dự án hoặc chịu trách nhiệm chính về hoạt động của tổ chức quốc tế, tổ chức phi chính phủ nước ngoài tại Việt Nam.

4. Vào Việt Nam với thời hạn dưới 03 tháng để thực hiện chào bán dịch vụ.

5. Vào Việt Nam với thời hạn dưới 03 tháng để xử sự cố, tình huống kĩ thuật, công nghệ phức tạp nảy sinh làm ảnh hưởng hoặc có nguy cơ ảnh hưởng tới sản xuất, kinh doanh mà các chuyên gia Việt Nam và các chuyên gia nước ngoài hiện đang ở Việt Nam không xử được.

6. Là luật sư nước ngoài đã được cấp Giấy phép hành nghề luật sư tại Việt Nam theo qui định của Luật Luật sư.

7. Trường hợp theo qui định của điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên.

8. Người nước ngoài kết hôn với người Việt Nam và sinh sống trên lãnh thổ Việt Nam.

9. Trường hợp khác theo qui định của Chính phủ. (Theo Bộ luật Lao động năm 2019)

Hoàng Huy