Người kinh doanh vận tải đa phương thức (MTO) là gì?
Hình minh họa. Nguồn: VILAS
Người kinh doanh vận tải đa phương thức (MTO)
Định nghĩa
Người kinh doanh vận tải đa phương thức trong tiếng Anh là Multimodal Transport Operator, viết tắt là MTO.
Một người tự mình hoặc thông qua một người khác thay mặt mình kí một hợp đồng vận tải đa phương thức và hoạt động như là một bên chính chứ không phải là một đại lý hay là người thay mặt người gửi hàng hay những người chuyên chở tham gia vận tải đa phương thức và chịu trách nhiệm thực hiện hợp đồng vận tải đa phương thức.
(Theo Công ước của Liên hợp quốc về vận tải đa phương thức)
Bản qui tắc về chứng từ vận tải đa phương thức định nghĩa MTO một cách ngắn gọn hơn:
MTO là bất kì người nào kí kết một hợp đồng vận tải đa phương thức và chịu trách nhiệm thực hiện hợp đồng đó như một người chuyên chở.
Điều cần nhấn mạnh ở đây: MTO, người tổ chức quá trình vận tải đa phương thức, là người duy nhất chịu trách nhiệm về hàng hóa trong toàn bộ hành trình trước chủ hàng với tư cách là người chuyên chở (Carrier) chứ không phải là đại lí (Agent).
Đặc trưng
- MTO có thể tự mình thực hiện việc chuyển chở hoặc có thể thuê người khác để thực hiện một phần hoặc toàn bộ hợp đồng vận tải đa phương thức.
- Nếu MTO tự mình chuyên chở hàng hóa thì MTO đồng thời là người chuyên chở thực tế (Actual Carrier, Performing Carrier).
- Nếu phải đi thuê người khác chuyên chở hàng hóa thì MTO là người thầu chuyên chở (Contracting Carrier).
Các loại MTO
- MTO có tàu (Vessel Operating Multimodal Transport Operators - VO - MTOs)
Loại này bao gồm các chủ tàu biển, kinh doanh, khai thác tàu biển nhưng mở rộng kinh doanh cả dịch vụ vận tải đa phương thức tức là đóng vai trò MTO.
Các chủ tàu này thường không sở hữu và khai thác các phương tiện vận tải đường bộ, đường sắt, đường hàng không mà khải kí hợp đồng để thuê chở trên các chặng đó.
- MTO không có tàu (Non-Vessel Operating Multimodal Transport Operators - NVO - MTOs)
Loại này có thể do những người sau đây cung cấp dịch vụ:
- Chủ sở hữu một trong các phương tiện vận tải khác không phải là tàu biển như ô tô, máy bay... nhưng lại cung cấp dịch vụ vận tải đi suốt. Tàu biển và loại phương tiện vận tải nào mà họ không có thì phải đi thuê.
- Những người kinh doanh những dịch vụ liên quan đến vận tải như bốc dỡ, kho hàng.
- Những người chuyên chở công cộng không có tàu
- Người giao nhận (Freight Forwarder)
(Tài liệu tham khảo: Giáo trình Logistics và vận tải quốc tế, NXB Thông tin và Truyền thông)