|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Thời sự

Mỹ-Trung đụng độ, các nước nhỏ có thể làm gì?

07:53 | 25/05/2020
Chia sẻ
Tranh chấp Mỹ-Trung và sự thiếu vắng của một nhà lãnh đạo toàn cầu xứng tầm có thể khiến các nước lúng túng trong cuộc khủng hoảng hiện tại. Dù vậy, trận chiến chống lại đại dịch COVID-19 cần và xứng đáng đón nhận nhiều hi vọng cũng như sáng kiến mới hơn nữa.

Phạm vi và thiệt hại của đại dịch COVID-19 đã lan ra toàn cầu nhưng dường như hợp tác quốc tế lại không được như vậy. Bất luận tốt xấu ra sao, chính phủ các nước có vẻ chỉ đang tìm cách tự bảo vệ chính mình.

Hơn nữa, sự thiếu vắng của một mối quan hệ hợp tác trên phạm vi toàn cầu không chỉ đơn giản là một sơ suất nhỏ, mà đó là hậu quả của cuộc đối chọi giữa hai siêu cường Mỹ-Trung và thói quen đổ lỗi.

Theo South China Morning Post (SCMP), mức độ cạnh tranh trên trường quốc tế đã gia tăng trong vài năm qua và được biết đến với cái tên "bẫy Thucydides", tức cuộc đối đầu giữa các cường quốc lâu năm và một thế lực mới đang lên.

Dưới thời Tổng thống Donald Trump, Mỹ thường xuyên vắng mặt nhưng vẫn khẳng định vị thế số 1 của mình. Trong khi đó, mặc dù Trung Quốc đã và đang mở rộng vòng tay thì các nước khác vẫn còn ngần ngại về những hỗ trợ có điều kiện của Bắc Kinh.

Các chuyên gia đều nhất trí rằng đại dịch COVID-19 đã gia tăng mức độ cạnh tranh và thổi bùng hơn nữa mối quan hệ căng thẳng giữa các cường quốc.

Câu hỏi đặt ra là, các nước khác có thể làm gì? Đáp án hiện tại không nhiều, thậm chí triển vọng của một mối quan hệ hợp tác toàn cầu cũng không khả quan.

Dù vậy, vẫn còn một câu hỏi khác: Liệu có bất kì điều tốt đẹp nào nảy sinh từ những nỗ lực của các nước thứ ba hay không?

Mặc dù Mỹ và Trung Quốc vẫn là hai nền kinh tế lớn nhất thế giới, các nước còn cũng chiếm đến 60% GDP toàn cầu. Cuộc chiến đẩy lùi đại dịch COVID-19 đòi hỏi phải có sự phối hợp của chính phủ các nước, do đó có không ít lĩnh vực mà hợp tác quốc tế đôi bên cùng có lợi có thể tạo ra quả ngọt.

Thương mại và niềm tin

Dưới tác động của đại dịch, thương mại toàn cầu đã bị ảnh hưởng nghiêm trọng cả về khối lượng và giá trị chung, đặc biệt là đối với nguồn cung thiết bị y tế và thực phẩm. Khi dịch bệnh mới lây lan, rõ ràng chính phủ nhiều nước cảm thấy hoảng loạn và từ đó ban bố "tình trạng khẩn cấp" cũng như thực hiện nhiều biện pháp bảo vệ đi kèm.

SCMP nhận định các nước cần phải đảm bảo sao cho chuỗi cung ứng và hoạt động thương mại tại châu Á trở nên bền vững hơn.

Các nước xuất khẩu tại châu Á có lí do chính đáng khi lo ngại về tình trạng khan hiếm hàng hóa, tuy nhiên có nhiều cách để đáp ứng đúng nhu cầu cũng như trấn an đối tác và các nước láng giềng rằng ngoài những lo ngại đó, hoạt động thương mại sẽ vẫn tiếp diễn.

Mỹ - Trung đụng độ, các nước nhỏ có thể làm gì? - Ảnh 3.

Niềm tin và hợp tác thương mại là thứ cần thiết để chống lại cuộc khủng hoảng COVID-19. (Ảnh minh họa: Reuters)

Chiến lược tái lập hoạt động thương mại xuyên biên giới nói trên nên được áp dụng cho các mặt hàng thiết yếu. Ngoài ra, các nước nên xem xét phương án mở cửa biên giới cho du khách nước ngoài, đặc biệt là các doanh nhân ngoại quốc khi lệnh phong tỏa được nới lỏng và hoạt động thương mại khởi động lại.

Ngay từ trước khi phong tỏa, Singapore và New Zealand đã ban hành một tuyên bố chung, khẳng định chuỗi cung ứng hàng hóa thiết yếu giữa hai nước vẫn sẽ tiếp tục thông qua hệ thống cảng biển và đường hàng không.

7 nước khác đã cam kết ủng hộ sáng kiến đa phương nêu trên. Bộ trưởng Bộ Thương mại Australia, Anh, New Zealand và Singapore cũng quyết tâm "dẫn dắt thế giới khôi phục và tăng cường hoạt động thương mại toàn cầu".

Mặc dù phải mất một thời gian trước khi 7 nước trên chốt thỏa thuận cuối cùng, các chính phủ mang cùng chí hướng có thể hành động cùng nhau.

Niềm tin là thứ cần thiết và có thể được tạo lập khi các nước sở hữu hệ thống quản trị, lập pháp và chiến lược về vấn đề kinh tế cũng như y tế tương tự nhau.

Các tổ chức lớn hơn ở châu Á có thể cùng góp sức. Các Bộ trưởng Bộ thương mại của APEC đã ban hành một tuyên bố chung, chính thức kêu gọi duy trì dòng chảy thương mại. APEC nhận định chính phủ các nước có thể ban bố nhiều biện pháp khẩn cấp trong khủng hoảng nhưng nên "định hướng rõ ràng, phù hợp, minh bạch và chỉ mang tính tạm thời".

Dù vậy, SCMP cho biết APEC nói chung sẽ gặp không ít khó khăn trên con đường thực hiện tuyên bố đó khi mà các cuộc hội nghị trong vài năm trở lại đây của tổ chức đều bị khóa chặt trong mối quan hệ đối nghịch giữa Washington và Bắc Kinh.

Các nhà lãnh đạo ASEAN cũng đã đạt được một bước tiến lớn với hội nghị thượng đỉnh COVID-19 hồi đầu năm nay. Mặc dù không nhiều chuyên gia tin tưởng ASEAN có thể đẩy nhanh sáng kiến mới, các nước Đông Nam Á vẫn góp phần mang lời cam kết hỗ trợ của Trung Quốc vào một thỏa thuận "+3" qui mô lớn hơn cùng Nhật Bản và Hàn Quốc.

ASEAN còn hợp tác cùng Mỹ dù giữ khoảng cách ít nhiều với những lời chỉ trích nặng nề mà Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo dành cho Trung Quốc.

Nhìn chung, bất luận căng thẳng đang gia tăng trên phạm vi toàn cầu như thế nào, các nước vẫn có thể bắt đầu từ những hạt giống nhỏ, từ đó ươm hạt thành mầm xanh, SCMP viết.

Ngay cả trong đại dịch COVID-19, ASEAN cũng thường đóng vai trò cung cấp cơ sở hợp tác và tạo lập không gian chiến lược giữa lúc Mỹ - Trung căng thẳng. Nhờ đó, các quốc gia nhỏ nhưng có ưu thế không cần phải lựa chọn giữa một trong hai siêu cường. Vai trò trên sẽ tiếp tục phát triển và ngày càng quan trọng hơn.

Dù vậy, điều đó không có nghĩa là thế giới có thể bỏ qua hai quốc gia lớn mạnh nhất thế giới. Trung Quốc đang tiếp tục quyên góp một lượng lớn khẩu trang, kit xét nghiệm và thiết bị bảo hộ cá nhân, đặc biệt là cho các nước láng giếng.

Mặc dù tình hình trong nước bất ổn, chính quyền Tổng thống Trump cũng sẽ hỗ trợ ASEAN 35 triệu USD chống dịch.

Mối quan hệ Mỹ - Trung rất đáng lo ngại và có thể trở nên tồi tệ hơn, đặc biệt là khi hai bên liên tục đổ lỗi cho nhau về nguồn gốc của virus SARS-CoV-2. Căng thẳng giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới hiện đã lan sang mặt trận công nghệ, chứng khoán và nhân quyền. Trước thềm cuộc bầu cử tổng thống Mỹ vào tháng 11 tới, tranh chấp sẽ còn leo thang hơn nữa.

Tuy nhiên, các nước khác nên bắt đầu tìm cách hợp tác cùng nhau. Trong trường hợp không có vắc xin, COVID-19 sẽ kéo dài và tiếp tục bùng phát trong vài năm tới. Nếu không có Mỹ và Trung Quốc, vị trí nhà lãnh đạo toàn cầu sẽ để trống.

Dù vậy, các nước nhỏ có cùng định hướng có thể bắt đầu tự giúp mình cũng như hỗ trợ những nước khác. Những nỗ lực nhỏ này có thể kiến tạo thành các sáng kiến mới. Khi niềm tin được nuôi dưỡng, những vòng tròn hỗ trợ như thế sẽ được nới rộng.

Trong quá khứ từng có một số tiền lệ. Chẳng hạn, sau cuộc khủng hoảng tài chính châu Á năm 1997, một loạt thỏa thuận tiền tệ song phương dần hình thành giữa các nước ASEAN +3. Về sau, ngày càng nhiều bên tham gia vào các thỏa thuận trên, giúp ổn định khu vực châu Á khi cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu (2007 - 2008) xảy ra ở phương Tây.

Khi các cuộc đàm phán của Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) chững lại và bắt đầu đình trệ vào đầu những năm 2000, các nền kinh tế châu Á đã tự xây dựng thỏa thuận thương mại tự do (FTA) riêng như một kế hoạch dự phòng cho hoạt động thương mại toàn cầu.

Các thỏa thuận FTA này dần lớn mạnh và châu Á hiện đang trong quá trình đàm phán Thảo thuận Đối tác Toàn diện Khu vực (RCEP) - thỏa thuận thương mại lớn nhất thế giới. Bên cạnh đó, các nền kinh tế châu Á còn mở rộng hợp tác ra khắp Thái Bình Dương với Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP).

Khả Nhân