|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Thời sự

'Việt Nam vẫn có lợi thế so với Ấn Độ, Bangladesh, Indonesia ngay cả khi bị Mỹ áp thuế cao hơn'

15:31 | 08/04/2025
Chia sẻ
So với các quốc gia khác, Việt Nam vẫn có lợi thế cạnh tranh nhất định trong việc thu hút FDI ngay cả khi bị Mỹ áp thuế đối ứng cao hơn bởi nhiều yếu tố như: Ổn định chính trị, logistics, văn hoá,..., ông Nguyễn Hoàng Linh, Trưởng Phòng Nghiên cứu VCBF nhận định.

Phân tích thêm về tác động của việc Mỹ áp thuế đối ứng 46% với Việt Nam tại Toạ đàm trực tuyến: "Thuế đối ứng của Mỹ - Đánh giá tác động và giải pháp ứng phó cho doanh nghiệp" diễn ra mới đây, ông Nguyễn Hoàng Linh, Trưởng Phòng Nghiên cứu VCBF cho hay, trước mắt việc áp thuế này sẽ tác động mạnh đến ngành xuất khẩu cũng như tăng trưởng kinh tế.

Về tác động dài hạn, các doanh nghiệp đầu tư nước ngoài (FDI) có thể chưa dịch chuyển được khỏi Việt Nam ngay nhưng những doanh nghiệp đang có ý định đầu tư vào Việt Nam chắc chắn sẽ chần chừ.

"Nếu Mỹ áp thuế đối ứng 46% đối với hàng hoá Việt Nam, hàng xuất khẩu của chúng ta sẽ có giá cao hơn các đối thủ ở thị trường Mỹ làm giảm khả năng cạnh tranh. Tuy nhiên, nếu so về vị thế thu hút đầu tư thì Việt Nam cũng chưa chắc kém hơn các đối thủ ngay kể cả khi bị áp thuế", ông Linh nhận định.

 Ông Nguyễn Hoàng Linh, Trưởng Phòng Nghiên cứu VCBF. (Ảnh: H.A).

Phân tích kỹ hơn, ông Linh cho rằng, câu chuyện chênh lệch thuế quan chỉ là một phần, còn khi các doanh nghiệp FDI đầu tư họ sẽ cân nhắc đến nhiều yếu tố: Sự ổn định về chính trị, cân đối về vĩ mô cũng như nguồn cung và chất lượng lao động,..

Ví dụ như ngành sản hàng điện tử, trước kia Ấn Độ từng ra chính sách "Makeing India" vào năm 2015 gây lo ngại rằng các doanh nghiệp điện tử như Samsung sẽ rút khỏi Việt Nam để chuyển sang Ấn Độ.

Tuy nhiên, so với Việt Nam, Ấn Độ vẫn có nhiều rào cản về lực lượng lao động, văn hoá đa dạng, riêng trang web của Chính phủ đã sử dụng đến 13 ngôn ngữ khiến các doanh nghiệp FDI gia nhập không hề dễ dàng. 

Hay với hàng dệt may, Bangladesh là đối thủ cạnh tranh lớn nhất của Việt Nam trong lĩnh vực này nhưng họ không có sự ổn định về chính trị. Indonesia thì gặp rào cản lớn về logistics do địa lý có nhiều đảo.

"Chúng ta đang có lợi thế vị trí địa chính trị và kinh tế rất lớn bởi các quốc gia xa Trung Quốc - nguồn cung nguyên vật liệu lớn nhất thế giới sẽ bị hạn chế về chi phí logistics hơn so với Việt Nam", ông Linh nói.

Dù vậy, trước chính sách thuế quan của Mỹ, ông Linh cũng cho rằng Việt Nam không nên quá chủ quan bởi sắp tới chúng ta sẽ bước vào một giai đoạn "bình thường mới" khi mức thuế quan cao hơn.

"Việc Mỹ áp thuế đối ứng Việt Nam bao nhiêu thì còn phải chờ, tuy nhiên theo dự báo của ông Linh, Mỹ có thể sẽ giảm thuế mới một số mặt hàng mà quốc gia này cần thiết còn lại mức thuế của cả quốc gia thì sẽ khó có thể giảm", ông Linh nói.

Rủi ro gian lận thương mại

Cảnh báo rủi ro về yếu tố gian lận thương mại, ông Nguyễn Quang Thuân, Chủ tịch FiinGroup cho rằng, một trong những quan ngại của phía Mỹ là việc các doanh nghiệp Trung Quốc "đội lốt" xuất xứ hàng Việt Nam để xuất khẩu sang Mỹ.

Vì vậy, Chính phủ cần rà soát lại vấn đề này, các doanh nghiệp FDI đang có tỷ lệ nội địa hoá bao nhiêu % để có chính sách cho phù hợp. Điều này không chỉ thể hiện thiện chí với Mỹ mà còn góp phần minh bạch thông tin.

"Nếu chúng ta minh bạch rất có thể Mỹ sẽ đánh thuế dựa trên value added (giá trị tăng thêm) chứ không phải áp thuế trên tất cả hàng hoá xuất khẩu từ Việt Nam", ông Thuân cho biết.

Ở góc độ doanh nghiệp, bà Võ Thị Liên Hương, Tổng Giám đốc Secoin cho rằng, khối FDI tại Việt Nam hiện nay không đồng nhất. Có những doanh nghiệp FDI có chuỗi sản xuất sâu tại Việt Nam và xuất hàng sang các nước khác ngoài Mỹ, nhưng cũng có nhóm FDI nhỏ và vừa, bị tác động dây chuyền khi chuỗi cung ứng toàn cầu biến động.

Do đó, Việt Nam cần có hành động thực tế để nhà đầu tư nước ngoài cảm thấy được hỗ trợ và tiếp tục gắn bó lâu dài với thị trường trong nước.

Bên cạnh đó, bà Hương nhận định, các rào cản về thủ tục hành chính, đặc biệt trong lĩnh vực phân phối và dịch vụ, đang khiến nhiều doanh nghiệp nước ngoài gặp khó khăn khi tiếp cận thị trường Việt Nam. Vì vậy, Việt Nam cần tranh thủ cơ hội để đẩy nhanh cải cách thể chế. 

Ví dụ, việc duy trì các yêu cầu “economic needs test” trong lĩnh vực bán lẻ đang hạn chế cơ hội của doanh nghiệp nước ngoài. Theo bà, đây là thời điểm thích hợp để rà soát và gỡ bỏ các rào cản kỹ thuật không cần thiết nhằm tạo sức bật mới cho dòng vốn đầu tư, không chỉ từ Hoa Kỳ mà cả các thị trường phát triển khác.

Bà cũng kiến nghị Chính phủ cần cải cách mạnh mẽ về chi phí tuân thủ và tính hiệu quả của chính sách. Bà Hương dẫn ví dụ từ chính sách thuế VAT giảm từ 10% xuống 8%, vốn được xem là giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp, nhưng thực tế lại phát sinh rất nhiều rào cản trong việc thực hiện.

"Những lỗi hành chính không đáng có dẫn đến doanh nghiệp bị phạt, không được khấu trừ hoặc đưa vào chi phí, tạo ra gánh nặng lớn hơn là lợi ích. Cần xem lại toàn bộ hệ thống thủ tục, giảm thiểu chi phí tuân thủ một cách thực chất thay vì chỉ ưu đãi trên giấy tờ", bà Hương nêu vấn đề.

Hạ An

Thống đốc Fed: Lãi suất có thể phải giảm mạnh nếu ông Trump khôi phục thuế đối ứng
Thống đốc Fed Christopher Waller cảnh báo nếu ông Trump nối lại các mức thuế quan đối ứng cao hơn thì Mỹ sẽ tăng trưởng cực kỳ chậm chạp, buộc Fed phải hành động để trợ giúp nền kinh tế.