|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Doanh nghiệp

Muôn kiểu thoát lỗ của doanh nghiệp, HAGL là bậc thầy chính hiệu

15:55 | 12/08/2021
Chia sẻ
Doanh thu tài chính hay thu nhập khác từ thanh lý tài sản, lãi đã giúp nhiều doanh nghiệp thoát lỗ trong quý II thậm chí còn ghi nhận lợi nhuận đột biến so với cùng kỳ năm trước.
Muôn kiểu thoát lỗ của doanh nghiệp, HAGL là bậc thầy chính hiệu - Ảnh 1.

Đồ hoạ: Justin Bui.

Hồi tố giúp HAGL né được khoản lỗ hơn 1.200 tỷ nửa đầu năm

Trên bảng kết quả kinh doanh của CTCP Hoàng Anh Gia Lai (HAGL - Mã: HAG) vẫn ghi nhận doanh nghiệp có lãi ròng hơn 86 tỷ đồng quý II và nửa đầu năm là gần 28 tỷ đồng.

Tuy nhiên con số lỗ lớn lại chỉ hé lộ ở phần bảng cân đối kế toán và căn cứ vào thuyết minh báo cáo tài chính. 

Tại ngày 30/6, khoản lỗ luỹ kế của HAGL là gần 7.549 tỷ đồng, trong khi cuối năm ngoái là gần 6.302 tỷ. Như vậy nửa đầu năm, HAGL đã lỗ luỹ kế 1.247 tỷ đồng.

Muôn kiểu thoát lỗ của doanh nghiệp, HAGL là bậc thầy chính hiệu - Ảnh 1.

Nguồn: Báo cáo tài chính hợp nhất quý II

Theo thuyết minh báo cáo tài chính quý II, HAGL cho biết năm 2020, dịch COVID-19 bùng phát ảnh hưởng tới hoạt động kinh doanh của tập đoàn và đối tác. Vì vậy, ban tổng giám đốc HAGL đã thực hiện rà soát lại các khoản thu hồi của các khoản phải thu tồn đọng từ lâu.

Căn cứ khoản lỗ của các đối tác và các khó khăn chung của ngành nông nghiệp từ các năm trước, ban tổng giám đốc đã xem xét lại cơ cấu tài sản đảm bảo cho các khoản phải thu tồn đọng, thu thập thêm các thông tin quá khứ về khả năng thanh toán.

Lãnh đạo HAGL nhận thấy việc ước tính khả năng khả năng thu hồi các khoản nợ chưa phản ánh đầy đủ rủi ro tổn thất của các khoản này. Trên cơ sở đó, HAGL đã điều chỉnh lại dữ liệu tương ứng trong báo cáo tài chính hợp nhất 6 tháng năm 2020 đã được kiểm toán liên quan tới dự phòng các khoản phải thu khó đòi.

Sau hồi tố, khoản dự phòng đội lên kéo chi phí quản lý doanh nghiệp 6 tháng đầu năm 2020 tăng lên 1.263 tỷ dẫn tới lỗ ròng 1.156 tỷ đồng trong khi trước hồi tố HAGL lãi ròng 107 tỷ. Như vậy cả năm 2020, HAGL lỗ gần 2.531 tỷ sau khi hồi tố.

Nếu trình bày lại khoản lỗ luỹ kế vào nửa đầu năm nay do hồi tố thì dẫn tới thực chất HAGL ghi nhận lỗ thêm gần 1.247 tỷ đồng 6 tháng đầu năm.

Muôn kiểu thoát lỗ của doanh nghiệp, HAGL là bậc thầy chính hiệu - Ảnh 2.

Nguồn: Thuyết minh báo cáo tài chính hợp nhất quý II

Đây không phải lần đầu tiên HAGL dùng phương thức hồi tố báo cáo tài chính mà tập đoàn cũng đã thực hiện hồi tố cho báo cáo năm 2018 và 2019 với khoản lỗ luỹ kế tăng thêm 5.376 tỷ đồng cho hai năm 2019 và 2020.

Nguồn thu nhập khác cứu cánh nhiều doanh nghiệp

Quý II, CTCP Tập đoàn Đầu tư Địa ốc No Va (Novaland, Mã: NVL) ghi nhận lợi nhuận thuần từ hoạt động kinh doanh âm gần 114 tỷ đồng. Nhưng nhờ lãi giao dịch mua rẻ tại CTCP Nova Final Solution, Công ty TNHH Bất động sản Đăng Khánh và CTCP Đầu tư Tổng hợp Mũi Né mà Novaland không những thoát lỗ còn ghi nhận lãi ròng tăng 48% so với cùng kỳ năm trước lên 1.320,5 tỷ đồng.

Thuyết minh báo cáo của Novaland cho biết, doanh nghiệp có hơn 1.670 tỷ đồng lãi từ giao dịch mua rẻ nhóm công ty nói trên. Đây là phần chênh lệch sở hữu của Novaland trong giá trị hợp lý của tài sản thuần có thể xác định được thấp hơn giá phí khoản đầu tư vào ba công ty.

Cũng nhờ lãi thanh lý các khoản đầu tư vào Công ty Song Hỷ Quốc tế, Công ty Đầu tư Khoáng sản VICO Quảng Trị khoảng 206 tỷ đồng, gấp 4 lần quý II/2020 đã giúp CTCP Phát triển Nhà Thủ Đức (Thuduc House - Mã: TDH) vẫn có lãi thậm chí đột biến gấp 13,7 lần cùng kỳ năm ngoái lên gần 155 tỷ đồng.

Kịch bản thoát lỗ nhờ thu nhập khác tiếp tục giúp CTCP Thaiholdings (Mã: THD) có lãi trong quý II khi các chi phí ăn mòn lợi nhuận gộp của công ty. Nếu không xuất hiện khoản doanh thu tài chính gần 62 tỷ thì Thaiholdings đã lỗ thuần từ hoạt động kinh doanh.

 Khoản doanh thu tài chính chủ yếu do lãi bán các khoản đầu tư (19 tỷ) và doanh thu khác (hơn 40 tỷ) không được thuyết minh chi tiết. Ngoài ra, Thaiholdings còn ghi nhận khoản thu nhập khác hơn 42 tỷ chủ yếu do thu nhập từ công nợ không còn nghĩa vụ phải trả.

Nhờ nguồn thu khác nói trên nên quý II Thaiholdings vẫn có lãi gần 30 tỷ đồng, gấp hơn 7,4 lần so với cùng kỳ năm trước.

Muôn kiểu thoát lỗ của doanh nghiệp, HAGL là bậc thầy chính hiệu - Ảnh 4.

Trong bối cảnh ngành hàng không ngấm đòn nặng bởi dịch COVID-19 đặc biệt là các đợt dịch trong năm nay khiến CTCP Hàng không Vietjet (Mã: VJC) tiếp tục kinh doanh dưới giá vốn với lợi nhuận gộp quý II âm 1.278 tỷ đồng.

Tuy nhiên nhờ khoản doanh thu tài chính 1.756 tỷ đồng, chủ yếu là thu nhập tài chính khác nhưng không được thuyết minh giúp công ty vẫn có lãi ròng gần 6 tỷ đồng.

Tương tự Vietjet, dịch COVID-19 cũng tác động nặng nề tới doanh nghiệp bất động sản nghỉ dưỡng trong đó có CTCP Tập đoàn FLC (Mã: FLC). Dù lợi nhuận gộp âm 49 tỷ đồng quý II nhưng nhờ khoản doanh thu tài chính đột biến 455 tỷ chủ yếu do thanh lý các khoản đầu tư nên FLC vẫn ghi nhận lãi ròng 24 tỷ trong khi cùng kỳ năm ngoái lỗ gần 411 tỷ đồng.

Phía FLC cũng không thuyết minh chi tiết thanh lý các khoản đầu tư nào.

Cũng nhờ khoản doanh thu tài chính cứu cánh mà CTCP Bamboo Capital (Mã: BCG) không những thoát lỗ còn ghi nhận lợi nhuận quý cao nhất từ trước tới nay.

Trong quý II, lợi nhuận gộp không đủ để trang trải chi phí đặc biệt là chi phí tài chính tăng gấp hai lần lên 423 tỷ đồng. Tuy vậy, doanh thu từ hoạt động tài chính tăng mạnh 262% lên 713,5 tỷ đồng nhờ các khoản lãi từ đầu tư cổ phiếu, trái phiếu và lãi phải thu theo hợp đồng hợp tác đầu tư.

Do đó, Bamboo Capital không những thoát lỗ còn lãi sau thuế 315,5 tỷ đồng trong khi cùng kỳ năm trước chỉ đạt 19 tỷ đồng. Lãi ròng 218 tỷ đồng, gấp 13,6 lần cùng kỳ năm trước.

Muôn kiểu thoát lỗ của doanh nghiệp, HAGL là bậc thầy chính hiệu - Ảnh 5.

Nguồn: T.H tổng hợp từ báo cáo tài chính hợp nhất các quý

Ngoài ra nhiều doanh nghiệp lớn khác như Công ty cổ phần Nhiệt điện Phả Lại (Mã: PPC),  CTCP Tập đoàn Đại Dương (Mã: OGC) cũng thoát lỗ quý II trong gang tấc nhờ thu nhập khác.

Có thể thấy khoản thu nhập khác từ thanh lý tài sản, lãi mua rẻ, doanh thu tài chính là những khoản thu nhập không bền vững và chỉ là sự cứu cánh nhất thời cho doanh nghiệp. Nguồn tiền từ hoạt động kinh doanh cốt lõi mới tạo ra giá trị cho doanh nghiệp. 

Trong bối cảnh dịch bệnh tác động không nhỏ tới hoạt động kinh doanh của các công ty thì việc tìm ra chiến lược kinh doanh hợp lý, kiểm soát các chi phí, cân đối tài chính mới là những yếu tố giúp doanh nghiệp tăng trưởng, vững vàng vượt qua giai đoạn khó khăn.

Hoàng Kiều