Quán quân doanh thu quý II: Không phải các ông lớn bất động sản, ngân hàng mà là đại gia xăng dầu Petrolimex
Trong quý II vừa qua, Tập đoàn xăng dầu Việt Nam (Petrolimex - Mã: PLX) ghi nhận doanh thu thuần 46.589 tỷ đồng, tăng trưởng 74,4% so với cùng kỳ 2020 và là con số cao nhất thị trường chứng khoán Việt Nam.
Tuy nhiên đây chưa phải là kỷ lục trong lịch sử hoạt động của Petrolimex. Năm 2018, tập đoàn có quý ghi nhận doanh thu thuần 51.000 tỷ, năm 2014 còn có lúc lên tới 55.600 tỷ một quý.
Theo chứng khoán HSC, sản lượng tiêu thụ của Petrolimex trong quý II vừa qua đạt khoảng 2,1 triệu m3, tăng 7% so với cùng kỳ. Trong khi đó, giá bán bình quân là 19.500 đồng/lít, tăng khoảng 55%. Cả giá và sản lượng cùng diễn biến tích cực giúp cho doanh thu của tập đoàn tăng trưởng đột biến.
Lũy kế 6 tháng đầu năm 2021, tổng sản lượng tiêu thụ đạt 4,4 triệu m3, tăng khoảng 5%. Giá bán bình quân đạt 18.600 đồng/lít, tăng 17% so với cùng kỳ.
Petrolimex cho biết chính sách ứng phó với COVID-19 của Vietnam trong quý II năm nay có nhiều thay đổi theo hướng khoanh vùng và chỉ giãn cách những nơi có nguy cơ cao chứ không phong tỏa cả nước như đầu năm 2020, nhờ vậy hoạt động kinh doanh xăng dầu được thuận lợi hơn.
Lợi nhuận sau thuế quý II năm nay đạt trên 1.500 tỷ đồng, mức cao nhất kể từ khi có số liệu vào năm 2013 trở lại đây. Lũy kế 6 tháng, Petrolimex ghi nhận doanh thu thuần hơn 84.800 tỷ và lãi trước thuế 2.741 tỷ, thực hiện lần lượt 63% và 82% kế hoạch cả năm.
Tập đoàn Vingroup (Mã: VIC) báo cáo doanh thu quý II tăng trưởng 65% lên 38.451 tỷ đồng chủ yếu nhờ mảng chuyển nhượng bất động sản, hoạt động sản xuất và một số hoạt động khác. Vinhomes (Mã: VHM) tiếp tục là công ty con có đóng góp lớn nhất cho Vingroup với doanh thu thuần hơn 28.700 tỷ.
Đại gia thép Hòa Phát (Mã: HPG) đứng thứ 3 trong bảng xếp hạng doanh thu với 35.118 tỷ đồng, tăng 72% so với cùng kỳ nhờ cơn sốt giá thép và sản lượng bán hàng tăng hơn 60%, đạt 4,3 triệu tấn.
Riêng tiêu thụ thép xây dựng đạt 1,8 triệu tấn, tăng 22%, thị phần đứng đầu Việt Nam với 34,6%. Ngoài ra, Hòa Phát còn dẫn đầu mảng ống thép với thị phần hơn 30%.
CTCP Đầu tư Thế Giới Di Động (Mã: MWG) ghi nhận doanh thu thuần quý II gần 31.700 tỷ đồng, tăng trưởng 20%, đứng thứ 4 toàn thị trường.
Lũy kế 6 tháng, doanh thu thuần đạt xấp xỉ 62.500 tỷ, chuỗi siêu thị Điện Máy Xanh đóng góp 53,3%, chuỗi Thế Giới Di Động 25% và Bách Hóa Xanh 21,4%. Tuy nhiên, Bách Hóa Xanh mới là động lực tăng trưởng chính khi doanh thu vọt lên 42%, hai chuỗi còn lại chỉ tăng 5-7%.
Đến cuối tháng 6, khoảng 1.000 cửa hàng TGDĐ và ĐMX phải đóng cửa vì giãn cách xã hội trong khi gần 1.900 cửa hàng BHX đang hoạt động hết công suất để đáp ứng nhu cầu hàng hóa thiết yếu trong thời dịch.
Tập đoàn Gelex (Mã: GEX) báo cáo doanh thu tăng vọt 128% lên gần 8.700 tỷ đồng, vào top 20 toàn thị trường nhờ hợp nhất kết quả kinh doanh của Tổng Công ty Viglacera sau sáp nhập. Tổng tài sản tại ngày 30/6 của Gelex cũng tăng tới 60% so với đầu quý II nhờ tính thêm tài sản của Viglacera.
Nhiều nhà băng lớn có tổng thu nhập từ lãi và từ dịch vụ lên tới hàng chục nghìn tỷ đồng như Vietcombank (Mã: VCB), VietinBank (Mã: CTG), VPBank (Mã: VPB), Ngân hàng Quân Đội (Mã: MBB) hay BIDV (Mã: BID).
Sacombank (Mã: STB) là ngân hàng duy nhất trong danh sách có thu nhập lãi và các khoản thu nhập tương tự giảm so với cùng kỳ. Tuy nhiên, thu nhập thuần từ lãi vẫn tăng gần 20% lên 3.148 tỷ đồng. Lợi nhuận sau thuế nhảy vọt 224% lên 1.113 tỷ.