Doanh nghiệp phân bón kiếm bộn tiền nhờ giá bán lên cao
Nửa đầu năm, bên cạnh các doanh nghiệp trong ngành thép, chứng khoán thì ngành phân bón ghi nhận nhiều tín hiệu tích cực khi hầu hết đã hoàn thành và vượt xa kế hoạch kinh doanh cả năm trong bối cảnh giá phân bón tăng mạnh.
Các chuyên gia nhận định giá phân bón tăng chủ yếu do giá nguyên liệu sản xuất (lưu huỳnh, amoniac,...), chi phí vận tải tăng cụ thể là chi phí container.
Ngoài ra thì Ấn Độ đang vào vụ mùa, nhu cầu phân bón rất cao và nguồn cung phân bón urê ở Đông Nam Á rất thấp. Tại Indonesia, Malaysia, các nhà máy sản xuất phân Ure đang trong quá trình bảo dưỡng.
Chịu áp lực tăng theo giá phân bón thế giới nên dù nguồn đầu vào là giá khí có tăng trong nửa đầu năm nhưng nhờ các yếu tố mùa vụ và nguồn cung thiếu hụt nên giá phân bón thị trường nội địa đã tăng phi mã trong thời gian qua.
Nhận định trước tình hình này, các doanh nghiệp đầu ngành như Đạm Phú Mỹ hay Đạm Cà Mau đã dừng và giảm mục tiêu xuất khẩu để tập trung tối đa cho tiêu thụ nội địa. Với các thị trường đã xác lập đối tác như Ấn Độ, Srilanka, Philippine, Bangladesh hay Myamar thì các doanh nghiệp này đã tạm dừng không chào bán.
Lợi nhuận thăng hoa
6 tháng đầu năm, phần lớn các doanh nghiệp từ đầu ngành cho đến những đơn vị quy mô nhỏ hơn cũng đã hưởng "trái ngọt" từ thị trường với lợi nhuận tăng hai đến ba chữ số. Phần lớn các công ty đã cán đích lợi nhuận năm chỉ sau hai quý. Bên cạnh đó, một số doanh nghiệp đã cải thiện được biên lãi gộp.
Đặt kế hoạch kinh doanh ở mức thận trọng, hai ông lớn đầu ngành là Tổng Công ty phân bón và Hóa chất Dầu khí – CTCP (Đạm Phú Mỹ - Mã: DPM) và CTCP Phân bón Dầu khí Cà Mau (Đạm Cà Mau - Mã: DCM) đều đã vượt xa kế hoạch lợi nhuận năm chỉ sau hai quý.
Trong đó, doanh thu thuần của Đạm Phú Mỹ tăng 26% lên 4.876 tỷ đồng; lãi sau thuế 872 tỷ đồng, gấp đôi cùng kỳ năm 2020. Kết quả này ghi nhận trong bối cảnh nhà máy đã phải dừng bảo dưỡng định kỳ gần 30 ngày trong quý II.
Đạm Phú Mỹ cho biết, sau thời gian chú trọng phát triển mảng sản phẩm chính phân bón, những năm gần đây, công ty đang tập trung phát triển mảng kinh doanh chính thứ hai của mình là hóa chất, chủ yếu là các loại hóa chất chuyên dụng, gồm NH3 (ammonia), UFC 85, CO2 và hóa chất chuyên dụng dầu khí.
Hiện tỷ trọng lợi nhuận từ mảng hóa chất chiếm trung bình trên 20% trong cơ cấu tổng lợi nhuận của công ty. Trong 6 tháng qua, doanh thu và lợi nhuận từ mảng hóa chất đã tăng trưởng nhiều so với cùng kỳ do giá các sản phẩm hóa chất cơ bản, trong đó có ammonia (NH3) trên thế giới tăng mạnh.
Tương tự, Đạm Cà Mau, doanh nghiệp phân bón với sản phẩm chính là phân urê đã ghi nhận doanh thu thuần đạt hơn 4.236 tỷ đồng, tăng 29% so với cùng kỳ. Trong đó, cả doanh thu bán ure, bán hành hóa phân bón, bao bì và bán phế phẩm đều ghi nhận tăng trưởng.
Đại diện Đạm Cà Mau cho biết, 6 tháng qua được xem là "chưa từng có tiền lệ" trong vòng 10 năm qua khi giá các sản phẩm phân bón nói chung và ure nói riêng có sự tăng đột biến, khó kiểm soát. Cộng với nhu cầu mùa vụ, kết quả nửa đầu năm, tổng lượng sản xuất của công ty đạt 456.000 tấn, trong đó sản lượng tiêu thụ đạt 421.000 tấn, lần lượt bằng 53% và 37% chỉ tiêu sản lượng năm.
Chưa có dấu hiệu tích cực rõ rệt trong năm 2020 dù giá phân bón đi lên, song bước qua hai quý đầu năm, kết quả kinh doanh 6 tháng của hai doanh nghiệp CTCP Phân bón Bình Điền (Mã: BFC) và CTCP Supe Phốt phát và Hóa chất Lâm Thao (Mã: LAS) đã có chuyển biến với lợi nhuận khả quan hơn. Riêng với LAS, khoản lỗ 10,8 tỷ đồng trong nửa đầu năm 2020 đã thành có lãi 53 tỷ đồng sau thuế.
Riêng CTCP Phân đạm và hóa chất Hà Bắc (Đạm Hà Bắc - Mã: DHB) - "đứa con đầu lòng" của ngành phân đạm Việt Nam tiếp tục ghi nhận lỗ gần 415 tỷ đồng, nâng tổng lỗ lũy kế lên đến cuối tháng 6 là 5.162 tỷ đồng.
Song mức lỗ của kỳ năm nay cũng đã giảm so với con số 692 tỷ đồng cùng kỳ năm ngoái. Điểm tích cực là công ty ghi nhận lãi gộp trong 6 tháng qua từ âm 135 tỷ sang 158 tỷ đồng.
Giá cổ phiếu phân bón dậy sóng
Mới đây, các nhà hoạch định chính sách Trung Quốc đã có quyết định tạm ngừng xuất khẩu phân bón để đảm bảo nguồn cung cho thị trường nội địa. Quyết định này diễn ra sau khi giá phân bón của một trong những nhà sản xuất lương thực hàng đầu thế giới tăng kỷ lục trong khi nhu cầu từ đối tác nước ngoài cũng đang tăng mạnh.
Ngay sau đó, các công ty phân bón Trung Quốc đã đồng ý yêu cầu tạm thời ngừng xuất khẩu. Ông Gavin Ju, chuyên gia phân tích chính về phân bón tại CRU Group cho biết xuất khẩu phân bón của Trung Quốc sẽ bắt đầu sụt giảm kể từ tháng 9, sau khi các lô hàng tại cảng được xuất đi hết.
Tại thị trường Việt Nam, bên cạnh hưởng lợi từ giá phân bón và nhu cầu nội địa tăng cao, cộng với động thái dừng xuất khẩu từ phía Trung Quốc - nguồn nhập khẩu chủ yếu của Việt Nam, các nhà sản xuất ngành hàng này sẽ có nhiều cơ hội để mở rộng thêm thị phần nội địa hơn.
Sau khi có thông tin dừng xuất khẩu trên, giá các cổ phiếu các công ty phân bón đã đồng loạt dậy sóng. Trước đó trong 6 tháng đầu năm, cổ phiếu nhóm ngành này cũng đã "âm thầm" tăng giá.